"Doanh nghiệp thiên về "chạy" quan hệ hơn là nâng cao năng lực cạnh tranh"

ANTD.VN - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, một trong những điểm thách thức trong môi trường kinh doanh của Việt Nam là tình trạng doanh nghiệp vẫn thiên về “chạy” quan hệ hơn là nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển.

Cần giải pháp thu hút FDI bền vững hơn

Sau 30 năm thu hút FDI, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư ngoài nước. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), lũy kế đến ngày 20-12-2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 186,1 tỷ USD, chiếm 58,4% tổng vốn đầu tư;

Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 53,1 tỷ USD (chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 20,8 tỷ USD (chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư).

125 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 57,66 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 49,46 tỷ USD (chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan (Trung Quốc), British Virgin Islands...

Các dự án FDI có mặt ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, lợi thế của Việt Nam có môi trường đầu tư khá thông thoáng, ưu đãi và chi phí nhân công rẻ thuận lợi nên hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đang dần mất lợi thế cạnh tranh 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang dần đánh mất lợi thế cạnh tranh này khi giá nhân công tăng và môi trường kinh doanh còn nhiều bất ổn, khó dự đoán.

Ông Herbert Cochran - Giám đốc Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam cho biết: “Việc thường xuyên thay đổi chính sách pháp lý sẽ khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư rủi ro hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài”. Trong đó điển hình là việc thay đổi chính sách thuế.

Theo ông Herbert Cochran, việc tăng thuế suất hoặc áp dụng các loại thuế mới sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đối với các dự án đầu tư, bởi lẽ một nhà đầu tư khi đưa ra quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư ở một quốc gia, họ sẽ xây dựng một kế hoạch kinh doanh dài hạn từ năm đến mười năm để ước tính lợi nhuận đầu tư thu được.

Những thay đổi về thuế sẽ làm thay đổi toàn bộ kế hoạch kinh doanh ban đầu, do chi phí tăng cao, giảm doanh thu và do đó, giảm tỷ suất lợi nhuận hoặc kéo dài thời gian thu hồi vốn đầu tư.

“Nhà đầu tư có thể do dự trước những quyết định mở rộng đầu tư vào Việt Nam khi họ đã phải đối mặt với những thay đổi thường xuyên về chính sách hay thuế suất. Các nhà đầu tư sẽ lựa chọn những điểm đến có môi trường pháp lý ổn định. Những quốc gia thường xuyên có những thay đổi về chính sách pháp lý sẽ là môi trường đầu tư rủi ro cao cho họ”- đại diện Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ông Adam Sitkoff - Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ mong muốn một môi trường kinh doanh công bằng hơn và cạnh tranh hơn với các quyết định được đưa ra nhanh hơn, thủ tục ít phức tạp hơn.

Phải giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, doanh nghiệp có xu hướng thiên về “chạy” quan hệ hơn là lo cải thiện năng lực cạnh tranh để phát triển. Và trong số này, vẫn có những doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi hơn các doanh nghiệp khác.

Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh: “Doanh nghiệp chưa có sân chơi bình đẳng. Doanh nghiệp Nhà nước, một số FDI và doanh nghiệp tư nhân thân hữu được biệt đãi (tiếp cận các nguồn lực, quyền kinh doanh, đầu tư công/mua sắm của Chính phủ, bảo hộ để né cạnh tranh…) nên không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa khác khó cạnh tranh”.

Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, để thu hút FDI một cách bền vững và bộ phận doanh nghiệp này mang lại lợi ích thực sự cho nền kinh tế Việt Nam, các chính sách, luật pháp cần bảo đảm tính hệ thống, công khai, minh bạch, ổn định, có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và doanh nghiệp FDI chủ động trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ “Chính phủ điện tử” để giảm gánh nặng hành chính, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

GS. TSKH Nguyễn Mại cũng cho rằng, cần tháo nút thắt chính là bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức để bộ máy hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu hội nhập.