Doanh nghiệp phải nghỉ trung bình 7 ngày/năm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp hiện khá lo ngại, bi quan về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các hiện tượng của biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và doanh nghiệp

Các hiện tượng của biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và doanh nghiệp

Báo cáo “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam” vừa được công bố cho thấy, biến đổi khí hậu tác động đến doanh nghiệp ở cả mặt tích cực và tiêu cực. Tuy vậy, ảnh hưởng ở góc độ tiêu cực là nhiều hơn.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, nếu tính theo thang điểm 10 thì khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tỏ ra bi quan hơn khi chấm 4,3/10 điểm. Trong khi đó, khối doanh nghiệp dân doanh đánh giá 4,41/10 điểm.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chịu tác động nặng nề nhất của hiện tượng này. Bên cạnh đó là doanh nghiệp xây dựng, khai khoáng… Tính trung bình, mỗi năm, doanh nghiệp sẽ phải tạm dừng sản xuất kinh doanh 7 ngày do biến đổi khí hậu.

Tương tự, báo cáo cũng nêu, doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu tác động tiêu cực lớn hơn. Ngược lại, những doanh nghiệp quy mô lớn, lâu đời lại chịu ảnh hưởng nhẹ hơn. Điều này có thể lý giải, ngoài việc doanh nghiệp lớn có chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu bài bản hơn thì còn do họ ra đời trước, được lựa chọn ví trị kinh doanh thuận lợi hơn. Mặt khác, do hơn 96% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ và vừa nên biến đổi khí hậu gây nên những hậu quả không nhỏ.

Theo TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI, rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu là những vấn đề mà quốc gia nào cũng phải đối mặt. Không một quốc gia nào an toàn, không một khu vực nào nằm ngoài vùng ảnh hưởng.

“Biến đổi khí hậu có thể làm gián đoạn sản xuất kinh doanh, giảm năng suất lao động, giảm doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiệt hại cơ sở vật chất, thiếu hụt nhân lực, và gây thiếu nguồn cung nguyên vật liệu”- ông Vũ Tiến Lộc nói.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới chịu tác động tiêu cực nhất từ các hiện tượng biến đổi khí hậu. Những hình thái thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra thường xuyên hơn, kéo dài bất thường hơn và liên tục lập những kỷ lục mới dựa trên các kết quả đo lường về khí hậu thủy văn. Những năm vừa qua ghi nhận những đợt nắng nóng dai dẳng ở miền Bắc, bão lũ dữ dội ở miền Trung, hạn hán gay gắt ở Tây Nguyên, ở Đồng bằng sông Cửu Long, và triều cường, xâm nhập mặn tăng cao ở các tỉnh Nam Bộ. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp có phải hành động cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của VCCI, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cải thiện mức độ tuân thủ về môi trường, thậm chí một doanh nghiệp điển hình sẵn sàng chi trả lên tới7,32% chi phí hoạt động cho việc thân thiện hơn với môi trường.