Doanh nghiệp ô tô nội than khó, xe "ngoại" lại kêu... vướng (?!)

ANTD.VN - Diễn biến trên thị trường ô tô những ngày đầu năm 2018 không như dự báo, khi một số hãng xe nước ngoài tuyên bố ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục cho biết, không thể cạnh tranh được với ô tô “ngoại”. Kéo theo đó, giá xe đã không giảm như mong đợi của người tiêu dùng.

Sau khi Honda và Toyota tuyên bố không xuất khẩu xe sang Việt Nam, giá nhiều loại xe đã tăng

Ô tô “ngoại” ngừng xuất khẩu vào thị trường Việt Nam

Cách đây vài ngày, 2 “ông lớn” sản xuất và kinh doanh ô tô hàng đầu của Nhật Bản và chiếm thị phần lớn tại Việt Nam là Toyota và Honda đã công bố ngừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu xe sang Việt Nam. Hai hãng xe này cho biết, do chưa đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về nhập khẩu và kiểm định được quy định tại Nghị định 116/2017 có hiệu lực từ đầu năm nay nên hãng ngừng xuất khẩu xe vào Việt Nam.

Theo Nghị định 116, doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp (VTA) và mỗi lô hàng đều phải lấy ra một xe để kiểm định. Quy định trên sẽ gây tốn kém chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Thời gian chờ đợi dự kiến là từ 3-6 tháng. 

“Hầu hết xe nhập khẩu đang “vướng” Nghị định 116, các hãng đang kiến nghị tới Chính phủ. Thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 15 ngày đầu tháng 1-2018, cả nước chỉ nhập khẩu 60 ô tô nguyên chiếc các loại. Trong đó, xe 9 chỗ ngồi trở xuống chỉ có 6 chiếc, còn lại 10 chiếc trên 9 chỗ ngồi và 27 chiếc xe tải. Tổng trị giá xe nhập đạt 5,6 triệu USD”.

Ông Lưu Mạnh Tưởng (Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan)

Đại diện Honda Việt Nam cho biết, điều kiện phải có giấy VTA khó khả thi bởi lẽ nhiều nước trên thế giới không cung cấp loại giấy tờ này cho xe xuất khẩu. Chưa kể, nếu trước đây một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên thì theo quy định mới, việc kiểm định được thực hiện với mỗi lô hàng, dù xe ở mọi lô đều cùng chủng loại. Thời gian và chi phí giao nhận xe cho khách vì thế tăng lên so với trước đây. 

Vì lý do này, từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng xe nhập khẩu giảm mạnh. Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết hầu hết xe nhập khẩu đang “vướng” Nghị định 116, các hãng đang kiến nghị tới Chính phủ. Thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 15 ngày đầu tháng 1-2018, cả nước chỉ nhập khẩu 60 ô tô nguyên chiếc các loại. Trong đó, xe 9 chỗ ngồi trở xuống chỉ có 6 chiếc, còn lại 10 chiếc trên 9 chỗ ngồi và 27 chiếc xe tải.

Tổng trị giá xe nhập đạt 5,6 triệu USD. Trong đó, riêng 6 chiếc ô tô con có tổng trị giá hơn 282.000USD, tương đương 6,4 tỷ đồng. Nếu so với 15 ngày đầu tháng 1-2017, lượng xe trên chỉ bằng một phần nhỏ. Thống kê cho thấy, cùng thời điểm năm ngoái, cả nước nhập tới 5.000 ô tô nguyên chiếc các loại (nhiều gấp 83 lần so với cùng kỳ 2018), trị giá gần 116 triệu USD. Trong đó, xe 9 chỗ ngồi trở xuống chiếm hơn 75% (3.701 chiếc), xe trên 9 chỗ ngồi 11 chiếc, xe tải 1.120 chiếc.

Diễn biến trên cho thấy doanh nghiệp ô tô “ngoại” đang gặp khó khăn tại thị trường Việt Nam. Kéo theo việc lượng xe nhập giảm, chi phí tăng, xe của các hãng này không tránh khỏi đội giá và giảm khả năng cạnh tranh. 

Doanh nghiệp nội cũng than khó cạnh tranh

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công cho biết, Nghị định số 116/2017 của Chính phủ Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô (Nghị định 116), thể hiện rất rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo dựng những tiêu chuẩn phù hợp nhất cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ô tô, khuyến khích các doanh nghiệp có định hướng, chiến lược đầu tư dài hạn, nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Nghị định 125/2017 của Chính phủ quy định lộ trình miễn thuế nhập khẩu linh kiện CKD đối với các nhà sản xuất đáp ứng đủ các điều kiện về sản lượng, các tiêu chuẩn khí thải, dung tích xi lanh đối các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ, xe khách, xe tải. “Đây là chính sách rất cần thiết để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đẩy mạnh đầu tư trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tối ưu hóa chi phí, nâng cao sản lượng các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa và hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang các thị trường lân cận”, ông Lê Ngọc Đức nói.

Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công, các ưu đãi đưa ra (cụ thể theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP) là chưa đủ mạnh để tạo ưu thế đáng kể cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN, mà mới chỉ thu hẹp khoảng cách về khả năng cạnh tranh giữa sản phẩm xe ô tô lắp ráp trong nước với xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc.

Theo tính toán của doanh nghiệp, mức giảm giá bán lẻ cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp theo cơ sở từ Nghị định 125/2017/NĐ-CP tối đa hiện nay chỉ dao động từ 12-15%, trong khi đó nếu được giảm thuế từ 30%-0%, các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc sẽ có thể giảm từ 23-25% giá bán lẻ so với hiện hành.

Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp phải gánh rất nhiều chi phí khác nhau liên quan đến đầu tư, vận hành nhà máy, các chi phí kho bãi để đáp ứng được khối lượng linh kiện nhập khẩu rất lớn cũng như các chi phí để truyền thông, quảng bá, phân phối sản phẩm để tạo ưu thế. “Vì vậy với các ưu đãi theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP đưa ra, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn để cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN”, đại diện Hyundai Thành Công nói.

Tương tự, đối với Nghị định 116/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp nội cho rằng giải pháp chỉ mang tính ngắn hạn. Về dài hạn khi các quy trình phối hợp giữa nhà nhập khẩu và hãng xe nước ngoài được thống nhất, sẽ không có nhiều khó khăn đáng kể để đưa các sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam. Kéo theo đó, xu hướng nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao và đối với thị hiếu người Việt rất ưa chuộng sản phẩm có nguồn gốc nhập khẩu, đây sẽ là thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất lắp ráp trong nước trong việc tìm đầu ra. Vì vậy, Huyndai Thành Công kiến nghị tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy sản xuất xe nội địa.

Thiệt thòi thuộc về người tiêu dùng

Trước diễn biến như trên, nhiều ý kiến cho rằng xe “ngoại” không xuất khẩu thì doanh nghiệp “ngoại” thiệt. Đối với doanh nghiệp nội, nếu cứ chờ được ưu đãi thì thị phần vẫn thuộc về doanh nghiệp “ngoại”. Tuy nhiên, đó có thể là câu chuyện lâu dài. Trước mắt, động thái từ các nhà sản xuất cho thấy người tiêu dùng mới chịu thiệt. Ngay sau khi Honda và Toyota tuyên bố không xuất khẩu xe sang Việt Nam, giá nhiều loại xe đã tăng. 

Anh Nguyễn Nam, khách hàng đang có nhu cầu mua xe cho biết: “Cách đây ít ngày, tôi đặt xe tại showroom trên đường Lê Văn Lương, bên bán nói chắc còn phải chờ lâu mới có xe. Giá xe cũng dự kiến tăng mạnh”. Đại diện một công ty chuyên nhập khẩu ô tô cũng cho hay lô xe của đơn vị này nhập từ châu Âu sắp về Việt Nam và có đầy đủ giấy VTA của nước sản xuất chứng nhận. “Dĩ nhiên để có giấy VTA xuất xe sang Việt Nam, cơ quan kiểm định nước xuất khẩu phải kiểm tra chứng nhận lại và rất mất thời gian, chi phí. Điều này có nghĩa là các hãng vẫn có thể nhập xe về Việt Nam nhưng giá không giảm, người tiêu dùng chịu thiệt”, vị này nhận định.