Doanh nghiệp nhỏ phải biết tạo dựng thương hiệu

ANTD.VN - Các doanh nghiệp nhỏ nhưng biết làm thương hiệu vẫn đủ sức chinh phục người tiêu dùng trong nước và phát triển bền vững.

Doanh nghiệp nhỏ phải biết tạo dựng thương hiệu ảnh 1Thương hiệu sản phẩm giúp người tiêu dùng nhận biết rõ hơn về chất lượng sản phẩm. Ảnh: Lam Thanh

Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, nếu không muốn bị lấn át bởi các thương hiệu nước ngoài thì doanh nghiệp chỉ còn cách phải xây dựng thương hiệu cho hàng hóa của mình.

Là quốc gia sản xuất chè lớn thứ bảy và xếp ở vị trí thứ chín thế giới về xuất khẩu chè nhưng Việt Nam lại chưa được biết đến là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu chè lớn trên thế giới. Nguyên nhân do sản phẩm chè của Việt Nam chưa quan tâm tới xây dựng thương hiệu.

Trong khi đó, ra mắt năm 2012, thương hiệu bột giặt nội địa Aba lại là một ví dụ của việc xây dựng thương hiệu thành công. Aba phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu từ khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, sau đó “tấn công” vùng nông thôn Bắc Trung bộ, tập trung vào vùng Tây Bắc và Đông Bắc. Sau 5 năm có mặt trên thị trường, Aba hiện đang là đối thủ nặng ký nhất với thương hiệu dẫn đầu là Omo - sản phẩm của tập đoàn đa quốc gia Unilever. 

Tương tự, sữa Mộc Châu, sữa Dutch Lady, nước uống đóng chai Number One hay bánh Cosy… cũng nhanh chóng gia tăng được thị phần nhờ chiến lược xây dựng thương hiệu phù hợp. Chẳng hạn, sữa Mộc Châu, sữa Dutch Lady chọn thị trường nông thôn và bán với giá thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh, trong khi Number One và Cosy lại chọn cách thay đổi mẫu mã.  

Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc bộ phận nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đại diện Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc cho hay: “Một số doanh nghiệp lớn ở lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, nước giải khát… đang bị đe dọa bởi các doanh nghiệp nhỏ. Người tiêu dùng đang có xu hướng lựa chọn sản phẩm cao cấp, nhưng không phải dòng xa xỉ mà chỉ ở mức trên trung bình. Doanh nghiệp nếu có uy tín và sản phẩm đáp ứng yêu cầu này dễ xây dựng thương hiệu hơn”.

Đánh giá về vai trò của thương hiệu đối với doanh nghiệp, Tiến sỹ Declan P Bannon - trường Đại học Anh tại Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp có thương hiệu tốt thì có thể bán bất kỳ sản phẩm nào và chất lượng sẽ tạo ra thương hiệu. Đương nhiên, khi đó doanh nghiệp tăng doanh thu và tiếp tục phát triển, thay vì co cụm sản xuất hay “lẹt đẹt” mãi với hàng tồn kho.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nếu không muốn bị lấn át bởi các thương hiệu lớn, doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn cách phải xây dựng thương hiệu cho chính mình. Vậy thương hiệu như thế nào sẽ hấp dẫn người tiêu dùng? Theo chuyên gia thương hiệu Nguyễn Quốc Thịnh (Đại học Thương mại), người tiêu dùng hiện đại không chỉ kỳ vọng vào giá trị sử dụng của sản phẩm, mà họ còn mong muốn có được các giá trị khác như: bảo vệ môi trường, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ... Sản phẩm đáp ứng được những đòi hỏi này sẽ dễ có thương hiệu hơn.