Doanh nghiệp nhỏ đuối sức do thiếu quan hệ

ANTĐ - Theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), gần đây, có xu hướng doanh nghiệp nào quan hệ tốt với chính quyền sẽ tiếp cận tốt hơn đối với các tài nguyên, nhất là đất đai và thể chế.

Doanh nghiệp nhỏ đuối sức do thiếu quan hệ ảnh 1Chưa nhiều doanh nghiệp tư nhân được hỗ trợ phát triển

Bình luận về hiện trạng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, ông Tô Hoài Nam cho biết, dấu hiệu đáng suy nghĩ là sự phân tầng và chia rẽ trong liên kết. Trước đây, khi nói đến công ty nào đó mới nổi, các doanh nghiệp cho rằng đó là chuyện của người khác, lộc của người khác. Hiện nay, doanh nghiệp lại cho rằng, các doanh nghiệp đó “lên đời” chủ yếu nhờ lo lót, chạy chọt. Chúng ta cần phải xem xét diễn biến này để đánh giá lại hành vi kinh doanh của doanh nghiệp. 

Theo Phó Chủ tịch VINASME, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay cần nhất một chính sách tốt trong môi trường bình đẳng, không lợi dụng các mối quan hệ để phát triển, không cần chính sách bắt buộc doanh nghiệp nhỏ và vừa phải trở thành doanh nghiệp lớn. “Song song với việc cung cấp thông tin pháp luật, các chương trình hỗ trợ, cần công khai tiến độ các dự án để doanh nghiệp có thể tiếp cận” - ông Tô Hoài Nam kiến nghị.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho biết, trên 50% GDP của cả nước hiện nay do khối doanh nghiệp tư nhân đóng góp. Song, Việt Nam có quá ít doanh nghiệp tư nhân quy mô tương đối lớn và lớn.

Đã vậy, số này lại tập trung đầu tư vào đất đai và vào các lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, xây dựng, khai thác mỏ… những lĩnh vực có thể tận dụng được cơ chế “xin-cho”. Rất ít doanh nghiệp đầu tư dài hạn trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ công nghệ cao, sáng tạo.

Ông Phạm Đình Đoàn cho rằng: “Khả năng tiếp cận nguồn lực của doanh nghiệp tư nhân chưa được bình đẳng, làm giảm khả năng sinh lời và ảnh hưởng tới sự tồn tại của họ. Tình trạng thương mại hóa quan hệ với một số “ưu đãi ngầm” làm cho những lợi ích kinh tế chỉ có thể đạt được nhờ sự “thân cận” với các cơ quan công quyền, chứ không phải nhờ năng lực và nỗ lực của chính doanh nghiệp.

Do đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân rất khó phát triển, ngay cả khi họ hoạt động hiệu quả. Nếu vẫn tiếp tục loanh quanh với sự ưu ái, nuông chiều như vậy thì kinh tế tư nhân không thể phát triển mà chỉ làm tổn hại tới động lực phát triển lành mạnh của kinh tế Việt Nam”.

Phải có ý thức phục vụ doanh nghiệp

Giáo sư Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương đặt vấn đề: “Cơ quan công quyền phải có ý thức về việc phục vụ doanh nghiệp chứ cứ hành doanh nghiệp là chết rồi. Chúng ta phải bỏ bằng được cơ chế xin - cho”.

Theo vị chuyên gia này, không một quốc gia nào trên thế giới phát triển nhờ vào doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp tư nhân phải gánh vác trọng trách này. Vì vậy, doanh nghiệp tư nhân mà èo uột thì kinh tế khó lòng phát triển được. Thể chế kinh tế theo đó phải hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tư nhân.