Doanh nghiệp, nhà xưởng vô tư nhả khói "đầu độc" người dân ga Cổ Loa (2)

ANTD.VN - Không có giấy phép bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất; không có giấy phép xây dựng và không có thẩm quyền cho thuê đất, nhưng “cụm” công nghiệp nằm trong khu vực đất của chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh (ở khu Trung, thôn Dục Nội, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) vẫn ngang nhiên tồn tại, hoạt động từ nhiều năm nay.

Qua sự việc ô nhiễm môi trường ở khu vực ga Đông Anh, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã tìm hiểu và được biết hiện quanh khu vực ga Cổ Loa có hơn 20 tổ chức, doanh nghiệp và cơ sở tư nhân hoạt động sản xuất gỗ dán, ván ép, cơ khí, tái chế phế liệu, đúc phôi thép, chiết xuất dầu từ việc đốt lốp cao su phế thải... Quá trình hoạt động đã xả khói, bụi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm trong lĩnh vực sử dụng đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp, nhà xưởng vô tư nhả khói "đầu độc" người dân ga Cổ Loa (2) ảnh 1Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động sản xuất gây ô nhiễm xung quanh khu vực ga Cổ Loa đều không có giấy phép bảo vệ môi trường, không có giấy phép xây dựng nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại

Xử phạt hàng loạt cơ sở nhưng vẫn hoạt động “chui”

Thiếu tá Hoàng Ngọc Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế (CSKT), CAH Đông Anh, Hà Nội cho biết: “Qua công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình, cơ quan công an xác định, khu vực ga Cổ Loa hiện có 22 đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động. Các đơn vị này không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giao đất của UBND các cấp. Hầu hết các đơn vị này chưa có các thủ tục pháp lý về công tác bảo vệ môi trường, hoạt động gây ô nhiễm, không có biện pháp thu gom, xử lý triệt để khí thải gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân...”.

Đội trưởng Đội CSKT, CAH Đông Anh cho biết thêm, tháng 11-2017, CAH đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành UBND huyện Đông Anh tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất đai và công tác bảo vệ môi trường đối với 16 cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực ga Cổ Loa, xã Việt Hùng. Đoàn liên ngành đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 đơn vị (5 tổ chức và 3 cá nhân) về các hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường với số tiền 585 triệu đồng, kèm theo hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ có thời hạn và bắt buộc khắc phục hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Đáng chú ý, gần đây nhất (từ ngày 29-3 đến 24-4-2018), đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Đông Anh đã tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai đối với 7 đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực ga Cổ Loa của Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh. 

Quá trình làm việc xác định, Chi nhánh Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh sử dụng 62.052m2 để xây dựng nhà xưởng hoạt động sản xuất bê tông và cho 7 đơn vị khác  thuê đất để sản xuất, kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hà Nội. Ngoài ra, nằm trong khu vực này còn có Công ty Cổ phần sản xuất và kinh doanh vật tư thiết bị VVMI sử dụng 14.477m2 để xây dựng công trình, nhà xưởng hoạt động sản xuất cơ khí cho 4 đơn vị thuê đất để xây dựng công trình, nhà xưởng khi chưa có sự chấp thuận của Sở TN-MT TP Hà Nội.

Quá trình kiểm tra xác định các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn này chưa có hồ sơ, thủ tục pháp lý về đất đai, công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nhà xưởng không được cấp giấy phép xây dựng; hoạt động gây ô nhiễm môi trường, vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp, nhà xưởng vô tư nhả khói "đầu độc" người dân ga Cổ Loa (2) ảnh 2Một góc khu hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp quanh ga Cổ Loa gây ô nhiễm nghiêm trọng 

Vi phạm có hệ thống mà chính quyền địa phương không biết?

Ngày 21-6, trao đổi với phóng viên về việc người dân sống trong khu vực ga Cổ Loa thuộc khu Trung, thôn Dục Nội, xã Việt Hùng nhiều lần có đơn kiến nghị, cầu cứu về tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra, ông Ngô Tuấn Phi, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Hùng cho biết, do cơ chế phát ngôn phải là Chủ tịch xã nên đã từ chối một số câu hỏi liên quan đến việc các doanh nghiệp hoạt động gây ô nhiễm, mặc dù những nội dung này thuộc mảng kinh tế, xây dựng mà ông Ngô Tuấn Phi phụ trách. Tuy nhiên, ông Ngô Tuấn Phi cũng thừa nhận, việc một số doanh nghiệp ở khu vực nêu trên hoạt động ít nhiều cũng gây ô nhiễm. Nhưng do chính quyền không đủ thẩm quyền xử lý vì không thể xác định mức độ ô nhiễm như thế nào.

Liên quan đến việc quản lý đất đai và trật tự xây dựng, trước câu hỏi của phóng viên vì sao nhiều nhà xưởng có diện tích hàng trăm mét vuông được xây dựng, hoạt động nhưng chính quyền làm ngơ không xử lý, ông Ngô Tuấn Phi cho rằng do các cơ sở này thuê đất thuộc chi nhánh Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh, nên chính quyền xã không thể làm gì được. Thế nhưng sau đó, ông Ngô Tuấn Phi lại thừa nhận việc cấp phép xây dựng thì xã không có quyền, nhưng nếu dựng nhà xưởng như trên thì xã được phép kiểm tra, đình chỉ và việc này xã hoàn toàn có thẩm quyền giải quyết (?!) 

Trước sự việc trên, nhiều câu hỏi được đặt ra, “cụm” công nghiệp này chỉ cách trụ sở UBND xã Việt Hùng không xa (khoảng gần 1km) và được xây dựng, hoạt động từ nhiều năm nay, lẽ nào chính quyền địa phương không biết? Việc các cơ sở xả thải, khói bụi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà người dân nhiều lần có đơn kiến nghị, cầu cứu, nhưng chính quyền xã vẫn không hay?

Tại thông báo ngày 11-5-2018 do ông Nguyễn Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh ký về kết quả kiểm tra quản lý đất đai, trật tự xây dựng,  bảo vệ môi trường đối với chi nhánh Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh; Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Thịnh Kim thể hiện trong đó chi nhánh Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh cho 7 công ty và cá nhân thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Về hồ sơ bảo vệ môi trường, chi nhánh Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh đã hết hạn khai thác nước cách đây nhiều năm, nhưng vẫn hoạt động sản xuất bê tông đúc sẵn với công suất 5.000m3/năm, kết cấu thép 3.000m3/năm; chi nhánh không có giấy tờ hợp pháp về nguồn gốc sử dụng đất, 6 công trình nhà xưởng và nhà văn phòng có diện tích gần 10.000m2 chủ yếu được xây dựng từ năm 2011-2016 đều không có giấy phép xây dựng.

Việc chi nhánh Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh tự ý cho tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng để sản xuất là vi phạm trong quản lý đất đai, cần xử lý nghiêm. 

“Qua công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình, cơ quan công an xác định, khu vực ga Cổ Loa hiện có 22 đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động. Các đơn vị này không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giao đất của UBND các cấp. Hầu hết các đơn vị này chưa có các thủ tục pháp lý về công tác bảo vệ môi trường, hoạt động gây ô nhiễm, không có biện pháp thu gom, xử lý triệt để khí thải gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân...”.

Thiếu tá Hoàng Ngọc Nam (Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế, CAH Đông Anh, Hà Nội)

(Còn nữa)