Doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa: Quản như thế nào?

ANTD.VN - Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không chỉ chậm, mà việc quản trị doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa cũng đang bộc lộ điểm yếu.

Giải bài toán quản trị để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa

TS Cấn Văn Lực- chuyên gia Tài chính, ngân hàng cho rằng, kỹ năng quản trị doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần đang bộc lộ điểm yếu.

Cụ thể, hiện thế giới có hai cấp độ quản trị doanh nghiệp đó là không cần Ban kiểm soát hoặc có Ban kiểm soát nhưng kiểm soát độc lập, kiểm soát cả thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT).

Tuy nhiên, ở Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp có Ban kiểm soát nhưng Ban kiểm soát thuộc HĐQT, không có nhiều quyền hạn, yếu kém năng lực kiểm soát.

Vai trò của Ban kiểm soát chủ yếu hoạt động kế toán và khá mờ nhạt. Do đó, hiệu quả hoạt động của Ban kiểm soát và doanh nghiệp đều hạn chế.

Chưa kể, các doanh nghiệp cũng không tuân thủ nguyên tắc công bố và minh bạch thông tin.

Bên cạnh đó, theo tiêu chuẩn của WB, OECD thì cổ đông nhỏ phải có sự công bằng trong các quyết sách như các cổ đông đa số, còn ở Việt Nam, các quyết sách vẫn nằm trong tay cổ đông lớn. Thậm chí, quyền lực tập trung vào một người là Chủ tịch HĐQT.

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được tiến hành từ lâu, song đến nay, tiến độ cổ phần hóa vẫn rất chậm so với kế hoạch.

Ông Đặng Quyết Tiến- Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, theo công văn của Thủ tướng, giai đoạn 2017-2020 phải cổ phần hóa 127 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tới nay mới đạt 26/127 doanh nghiệp trong kế hoạch được phê duyệt. Cổ phần hóa nhằm đổi mới hoạt động, khiến doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tuy nhiên, với những tồn tại lớn nêu trên, quản trị doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa đặt ra nhiều vấn đề.

Để khắc phục những vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khách- Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, phải thúc đẩy sự thay đổi trong quản trị, bằng cách tách biệt chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước; Thực hiện công khai, minh bạch; Thể chế hóa công tác giám sát, đánh giá doanh nghiệp Nhà nước bằng quy định pháp luật.

Có như vậy, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước mới mang lại hiệu quả thực sự.