Doanh nghiệp muốn bắt tay nhà khoa học

ANTĐ - Doanh nghiệp thành công là khi biết biến những kiến thức khoa học thành sản phẩm công nghệ hữu ích. Chặng đường dài từ ngày đầu khởi nghiệp đến khi có thành quả không nhất thiết cần một người lãnh đạo thông minh, nhưng nhất định cần một người quyết chí. Những thông điệp này vừa được doanh nhân tiên phong trong công nghệ “bật mí” với doanh nhân Việt Nam.

Doanh nghiệp muốn bắt tay nhà khoa học ảnh 1Đầu tư công nghệ mới giúp các doanh nghiệp chủ động phát triển sản phẩm theo kịp xu hướng khu vực và thế giới

Nhiều nhà khoa học thiếu đất “dụng võ”

Là Giám đốc Tài chính và chiến lược của Công ty Misfit Wearables - một tên tuổi đáng gờm trong lĩnh vực thiết bị công nghệ cao tại thủ phủ công nghệ thế giới Silicon Valley (Mỹ), có trụ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) tại TP.HCM, bà Lê Diệp Kiều Trang cho biết, sản phẩm chăm sóc sức khỏe (Shine) của công ty được sản xuất tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, “bộ não” của sản phẩm lại do kỹ sư Việt Nam thiết kế.

Theo nữ doanh nhân nổi tiếng này, Việt Nam có nguồn lực lớn về con người, đặc biệt là những người giỏi về công nghệ, nhưng nhiều nhà khoa học của Việt Nam lại chưa có đất “dụng võ”. “Phần lớn người Việt Nam sau khi du học về chỉ có một con đường là đi dạy học. Đây là công việc đáng trân trọng, nhưng họ muốn được vận dụng kiến thức vào nghiên cứu, chứ không chỉ đi dạy hay làm công việc gì đó do lợi thế từ gia đình, từ xã hội” - Giám đốc Misfit Wearables nhấn mạnh. 

Từ thực tiễn hoạt động của công ty, nữ giám đốc này cho biết, khi làm sản phẩm Shine, những kỹ sư giỏi toán của công ty đã viết một thuật toán rất cao siêu. Tuy nhiên, khi tích hợp thuật toán này vào sản phẩm, để dùng được người dùng mất 15 phút. Tốn nhiều thời gian như vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu của người dùng và dù thuật toán đó có tốt đến mấy cũng không được sử dụng. “Các nhà khoa học cần giải bài toán sản phẩm chứ không phải giải bài toán khoa học” - bà Lê Diệp Kiều Trang nói. 

Thấu hiểu những chia sẻ tâm huyết của bà Lê Diệp Kiều Trang, ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, cách đây nhiều năm, khi Rạng Đông đứng trước khó khăn, lãnh đạo công ty đã mời các nhà khoa học của Đại học Bách khoa Hà Nội đến giúp đỡ. Sau khi tham quan thực tiễn, một nhóm nhà khoa học đã dành thời gian nghiên cứu và đưa ra nhiều sáng kiến, giúp công ty tận dụng nguồn sản phẩm thải bỏ, tiết kiệm hàng triệu USD.

Tổng Giám đốc Rạng Đông kể lại: “Tôi đã cảm ơn các nhà khoa học, nhưng bất ngờ, các nhà khoa học lại cảm ơn tôi vì họ được vận dụng những kiến thức sách vở vào thực tế. Các nhà khoa học của Việt Nam có kiến thức phong phú, hiểu biết vô cùng lớn, kỹ năng nghiên cứu tốt nhưng lại thiếu kỹ năng giải quyết những vấn đề công nghệ sản xuất cần. Do đó, cần có môi trường cho các nhà khoa học phát huy được khả năng của mình”.

Thành công bằng niềm tin và ý chí

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - ông chủ của Tập đoàn Công nghệ cao Mỹ Lan từ Canada về nước đã từng bước xây dựng, để biến tỉnh Trà Vinh thành một nơi được ví là “Silicon Valley của Việt Nam” cho biết, tuổi đời trung bình của công nhân trong doanh nghiệp này là 27 tuổi. Theo quan niệm của nhiều người, độ tuổi này còn quá trẻ để được giao những trọng trách trong công ty. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Mỹ quan niệm: “Nếu công nhân làm hỏng thì không trách, chỉ trách người không chịu làm.

Đó là bí quyết thành công. Thêm nữa, cần tạo cơ hội cho người trẻ”. Theo ông chủ doanh nghiệp này, Việt Nam có nhiều người giỏi về hóa học, công nghệ thông tin… nhưng quan trọng là họ “không biết mình đang làm cái gì? Trả lời được câu hỏi này rồi họ sẽ làm rất dễ” - ông Nguyễn Thanh Mỹ thẳng thắn nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đoàn Thăng cũng thừa nhận, có khi nhà khoa học đưa ra 10 sáng kiến, thực hiện thành công chỉ có 2 - 3 sáng kiến, tiêu tốn hàng tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp vẫn cần có niềm tin để các nhà khoa học được thực hiện, được thử sức. Khi thành công, những sáng tạo này sẽ mang lại lợi ích vô cùng lớn.

Tiếp tục câu chuyện thành công, bà Lê Diệp Kiều Trang cho rằng, một người không thể làm nên thế giới công nghệ mà phải có nhóm, có đội để kết nối với nhau. “Đây là trở ngại đối với người Việt. Người Việt vẫn thường nghiên cứu khoa học một mình. Theo tôi, mỗi người chỉ làm được một việc, nếu làm cả một sản phẩm, thì sản phẩm ấy sẽ không có sức cạnh tranh” - nữ doanh nhân thẳng thắn. Đặc biệt, theo bà Lê Diệp Kiều Trang, muốn khởi nghiệp và thành công, nhất định phải quyết chí. “Nói thực, số người quyết chí ở Việt Nam chưa nhiều đâu. Đừng nói là do chính sách chưa tốt, mà phải do chính mình trước đã” - đại diện Misfit Wearables thẳng thắn nói.