Doanh nghiệp "ma" vẫn… lên sàn

ANTĐ - Một doanh nghiệp đã ngừng hoạt động (nhưng chưa hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế), địa chỉ trụ sở chính và chi nhánh văn phòng tại Hà Nội không hề có dấu hiệu tồn tại mà thay vào đó là quán ăn, phòng khám và là trụ sở của một doanh nghiệp khác.

Ảnh: Internet

Rõ ràng đây là những dấu hiệu đầu tiên của một công ty… “ma”. Thế nhưng hơn 2 tháng qua, cổ phiếu của doanh nghiệp này vẫn đường hoàng giao dịch trên sàn chứng khoán UPCoM. Cùng với thông tin trên, giờ đây, hàng nghìn nhà đầu tư đang như ngồi trên đống lửa khi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã cho ngừng giao dịch đối với cổ phiếu MTM của Công ty Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản miền Trung 

Lý giải cho quyết định ngừng giao dịch đột ngột đối với 31 triệu cổ phiếu MTM, đại diện HNX cho biết, quá trình giám sát cổ phiếu MTM, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức xác minh, kiểm tra tình hình hoạt động của MTM và tổ chức xác minh hoạt động của MTM tại trụ sở chính của công ty và kiểm tra mã số thuế của MTM trên trang web của Tổng cục Thuế. Kết quả kiểm tra phát hiện những dấu hiệu bất thường như trên, dù trước đó, chỉ cách đây hơn 2 tháng, cổ phiếu này đã chào sàn UpCoM một cách ồn ào với giá tăng chóng mặt.  

Lúc này, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là tại sao một doanh nghiệp thua lỗ, đã không còn hoạt động vẫn qua mặt được HNX để lên sàn, trách nhiệm của HNX ở đâu và ai sẽ bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp này? Về phía HNX thì cho rằng đã tổ chức quản lý và giám sát hoạt động của MTM theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, thực tế đến nay MTM chưa hề thực hiện nghĩa vụ báo cáo và báo cáo tài chính định kỳ như: chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015, báo cáo tài chính quý I-2016 và báo cáo thường niên năm 2015.

Trước đó, MTM nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày 3-11-2015. HNX cho rằng mình đã tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký giao dịch của MTM trên cơ sở những văn bản, tài liệu của MTM theo đúng quy định. Vì theo quy định hiện hành, hồ sơ đăng ký giao dịch cần có báo cáo tài chính năm liền trước năm đăng ký giao dịch đã được kiểm toán theo quy định của pháp luật. Như vậy, đến thời điểm MTM nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, tức cuối năm 2015 thì doanh nghiệp này chỉ phải nộp báo cáo tài chính của năm 2014 và báo cáo tài chính có kiểm toán giai đoạn từ 1-1-2015 đến 10-4-2015.

Lý giải của HNX là đúng về lý lẽ, song nó cho thấy sự thiếu trách nhiệm với nhà đầu tư. Bởi trong thời buổi thị trường đầy biến động như hiện nay, chuyện một doanh nghiệp nay làm ăn tốt, mai thua lỗ, phá sản là bình thường, do đó việc duyệt hồ sơ trên giấy, lại là thời điểm quá xa thực tế, không cần biết doanh nghiệp hiện có hoạt động hay không, tất yếu sẽ dẫn đến những rủi ro. Đây cũng chính là kẻ hở để những doanh nghiệp làm ăn bết bát, thậm chí sắp phá sản vẫn có thể lên sàn để huy động một lượng tiền lớn của nhà đầu tư trước khi khai tử như trường hợp MTM. 

Trong khi việc kiểm soát chất lượng doanh nghiệp lên sàn UPCoM còn lỏng lẻo so với 2 sàn niêm yết, thì rủi ro luôn thuộc về nhà đầu tư, bởi nếu không có thông tin “nội gián” thì cơ sở để họ cân nhắc đầu tư không có gì khác ngoài những báo cáo tài chính, bản công bố thông tin mà doanh nghiệp công bố và được các Sở Giao dịch chứng khoán đính kèm trong hồ sơ trên website.

Đó là chưa kể nhiều nhà đầu tư quá mạo hiểm khi đầu tư theo kiểu lướt sóng, không đầu tư giá trị, không cần tìm hiểu xem doanh nghiệp làm ăn thế nào mà chỉ nhăm nhe kiếm lời từ sự lên xuống tức thời của cổ phiếu. Do vậy, khi một cổ phiếu gặp vấn đề và đột ngột ngừng giao dịch do những yếu kém của doanh nghiệp thì hệ quả không khó đoán.