Doanh nghiệp logistics: Tăng trưởng hay bị thôn tính?

ANTD.VN - Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Bộ Công Thương), số lượng doanh nghiệp logistics (dịch vụ hậu cần) được thành lập rất nhiều trong những năm gần đây, cho thấy tiềm năng phát triển của ngành này tại Việt Nam.

Ngành logistics có nhiều tiềm năng phát triển

Ngày 24-12, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức chương trình Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics gắn với đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu”.

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - EU năm 2019 tăng 13,6 lần.

Các quốc gia Đức, Anh, Pháp là những thị trường logistics lớn nhất ở EU, do quy mô nền kinh tế, mật độ dân số, cơ sở hạ tầng và chức năng cửa ngõ. Trong khi đó, Hà Lan và Bỉ là các quốc gia có doanh thu logistics/người cao nhất.

Lợi nhuận lớn nhất là từ các cảng biển lớn, vận tải chiếm tới 46% tổng giá trị thị trường logistics.

Ngày 30-6-2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) đã được ký và hiện hiệp định đang trong quá trình phê chuẩn nội bộ để chính thức có hiệu lực. Theo đó, dịch vụ logistics như vận tải, hỗ trợ vận tải… có các cam kết mở cửa mạnh hơn đáng kể so với Hiệp định thương mại quốc tế (WTO).

Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 - 20%, dự kiến EVFTA sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành dịch vụ logistics Việt Nam, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU đầy tiềm năng với 512 triệu dân.

Đánh giá cao cơ hội cho ngành logistics Việt Nam, song ông Nguyễn Cảnh Cường- tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cho rằng, các chủ doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải lựa chọn: Tăng trưởng hay bị thôn tính. Khi thị trường được mở rộng, các doanh nghiệp sẽ phải đồng thời đối diện với gia tăng sức ép, cạnh tranh và có thể bị mất nhân lực giỏi vào tay đối thủ.

“Logictics là một ngành đặc biệt, dù không tạo ra sản phẩm trực tiếp nhưng nếu vận hành tốt thì giảm được nhiều lãng phí về hư hỏng sản phẩm, thời gian, qua đó có dư địa để tăng năng suất lao động…”- ông Nguyễn Cảnh Cường nói.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, các doanh nghiệp logistics được thành lập rất nhiều trong thời gian gần đây. Nếu EVFTA được phê chuẩn, logistics sẽ có nhiều cơ hội khai thác thị trường này.