Doanh nghiệp làm ăn toàn cầu nhưng lại muốn... chính sách riêng

ANTD.VN - Doanh nghiệp kiến nghị chỉnh sửa quy định khống chế lãi vay tại Nghị định 20, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho rằng: “Doanh nghiệp làm ăn thì muốn toàn cầu nhưng mà chính sách lại muốn riêng thì khó”.

Vấn đề khống chế chi phí lãi vay quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP là một trong những nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm nêu ra tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018 diễn ra sáng 27/11 tại Hà Nội.

Doanh nghiệp than khó

Trước đó, Nghị định 20 ra đời nhằm thay thế quy định hiện hành về giá giao dịch liên kết. Trong đó, khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 quy định: Tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không vượt quá 20% chỉ số EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao). Mặc dù được quy định trong Nghị định 20 về giá giao dịch liên kết nhưng điều khoản này được áp dụng đối với cả khoản vay từ bên liên kết và bên độc lập.

Trước vấn đề này, nhiều doanh nghiệp trong nước lo ngại Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con. Trong khi thực tế chuyển giá hiện này chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp nước ngoài do lợi dụng được chênh lệch thuế giữa các quốc gia, còn doanh nghiệp trong nước thì có chung một mặt bằng thuế nên nguy cơ chuyển giá là khá thấp.

Nhiều doanh nghiệp than gặp khó vì quy định khống chế lãi vay tại Nghị định 20

Đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng, một số quy định tại Nghị định 20 là không phù hợp. Đơn cử, Vietcombank chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ, gần như không thể có hoạt động chuyển giá nhưng vẫn phải chịu khống chế lãi vay ở mức 20%.

Với những khó khăn trên, các doanh nghiệp tham gia Hội nghị đề xuất Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 20 cho phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp trong nước.

Cần xem xét ảnh hưởng đến số đông doanh nghiệp như thế nào

Trả lời những thắc mắc của các doanh nghiệp, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, chính sách thuế Việt Nam càng ngày càng phục vụ việc hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Theo đó, Nghị định 20 là thực hiện trên cơ sở khuyến nghị của các nước OECD và G20 yêu cầu các nước phải tập trung chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu.  

“Nước ta là nước thứ 100 gia nhập diễn đàn BEPS về chống xói mòn nguồn thu. BEPS đưa ra khuyến nghị về khống chế lãi vay từ 10-30%. Chính phủ đã cân nhắc chọn mức 20% trên cơ sở khảo sát 12.000 tập đoàn trên toàn cầu. Như vậy ta đã tính tới thực tế của Việt Nam” – ông Cao Anh Tuấn cho biết.

Về vấn đề vay giữa các bên liên kết và vay với bên độc lập phải xử lý như nhau, ông Cao Anh Tuấn cho biết, BEPS cũng đã khuyến nghị bài học của nước Anh. Theo đó, nếu chỉ khống chế với giao dịch liên kết thì hệ quả là toàn bộ các công ty đa quốc gia nước này đã tái cơ cấu khoản nợ qua ngân hàng trung gian, các công ty liên kết, mẹ con, thành các khoản vay giáp lưng qua các ngân hàng thương mại, hoàn toàn né tránh được quy định khống chế lãi vay của Chính phủ Anh.

“Hiện tượng này cũng đã được ghi nhận. Thực tế, chúng tôi thanh tra 1 doanh nghiệp FDI có chuỗi siêu thị rất nổi tiếng ở Việt Nam. Công ty dồn lợi nhuận về 1 công ty thuộc tập đoàn có tỷ lệ lãi vay trên 40-50% tổng chi phí. Sau khi trả lãi vay tại nước gần Việt Nam - nơi có mức thuế thấp, thì đã hạch toán lỗ. Một số công ty cũng thực hiện vốn hóa các khoản vay giáp lưng để hạch toán khấu trừ chi phí lãi vay. Vì vậy, các giao dịch liên kết không chỉ khống chế với khoản vay liên kết mà cả giao dịch độc lập nhưng biến tướng dưới các khoản vay giáp lưng” – ông Tuấn cho biết.

Vì vậy, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, doanh nghiệp phải vào cuộc chơi toàn cầu, không thể đứng ngoài cuộc. “Doanh nghiệp làm ăn thì muốn toàn cầu nhưng mà chính sách lại muốn riêng thì khó” – ông Cao Anh Tuấn nói.

Tuy vậy, đại diện ngành thuế cũng cho biết, do Chính phủ chỉ đạo xem xét lại quy định này nên “chúng tôi cũng nghiêm túc nghiên cứu lắng nghe”. Theo đó, ngành thuế đã giao cho các đơn vị liên quan mời một số doanh nghiệp, tập đoàn trong nước trao đổi để xem xem các doanh nghiệp tính đúng chưa, mức độ ảnh hưởng ra sao...

“Tại sao không có doanh nghiệp FDI nào thực hiện kinh doanh trên Việt Nam kêu về vấn đề này, vì họ biết rõ cái này là cuộc chơi toàn cầu. Chúng tôi đã khảo sát 37.000 doanh nghiệp FDI là công ty con của các công ty đa quốc gia đóng tại Việt Nam thì hiện chưa nhận được một văn bản kiến nghị nào về khống chế lãi vay” – ông Cao Anh Tuấn nói.

Cũng theo thông tin từ lãnh đạo Tổng cục Thuế, trong hơn 600.000 doanh nghiệp chỉ có hơn 4.500 doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai theo Nghị định 20. Trong số này có 10% doanh nghiệp kê khai không lãi, đang lỗ. Hàng năm, ngành Thuế thanh kiểm tra 20% số lượng doanh nghiệp, giảm lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.

“Các doanh nghiệp phát biểu chúng tôi ghi nhận, nhưng nếu nói không phù hợp thực tế thì chúng tôi phải căn cứ vào số liệu thống kê, xem ảnh hưởng so với số đông như thế nào để có giải pháp” – ông Cao Anh Tuấn cho hay.