Doanh nghiệp Hàn Quốc hy vọng cơ hội đầu tư vào Triều Tiên

ANTD.VN - Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đang tràn đầy hy vọng sau khi Hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore kết thúc tốt đẹp. Viễn cảnh một bán đảo Triều Tiên hòa bình có thể mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này. 

Doanh nghiệp Hàn Quốc hy vọng cơ hội đầu tư vào Triều Tiên ảnh 1Công nhân Triều Tiên làm việc cho một doanh nghiệp Hàn Quốc tại Khu công nghiệp chung Kaesong, nơi đã bị đóng cửa cách đây 2 năm

Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã cam kết thiết lập quan hệ song phương “mới” và nỗ lực chung để xây dựng một nền hòa bình “bền vững” cũng như thúc đẩy sự thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên. Cho đến nay, Triều Tiên vẫn đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên hợp quốc liên quan đến các vụ thử hạt nhân và tên lửa những năm gần đây, một rào cản lớn ngăn chặn làn sóng đầu tư từ bên ngoài vào Triều Tiên. Điều mong chờ nhất từ giới đầu tư là thỏa thuận Mỹ - Triều có thể mở ra cơ hội dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng, từ đó cho phép các công ty Hàn Quốc cũng như nhiều nước khác xâm nhập vào thị trường Triều Tiên, quốc gia có dân số khoảng 25 triệu người. 

Trong tuyên bố mới nhất, Liên đoàn các nhà tuyển dụng Hàn Quốc khẳng định: “Chúng tôi hoan nghênh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và hy vọng sự kiện này có thể giúp hồi sinh các nền kinh tế trong khu vực thông qua trao đổi kinh tế và hợp tác”. Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng cho một kỷ nguyên mới về hợp tác kinh tế liên Triều một khi điều kiện chín muồi. 

Tập đoàn Hyundai có vốn đầu tư 1,25 tỷ USD vào Triều Tiên bày tỏ hy vọng rằng hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên sẽ mở đường cho sự hợp tác kinh tế liên Triều. Lotte, tập đoàn lớn thứ năm của Hàn Quốc với chuỗi  cửa hàng bách hóa đến khách sạn và nhà hàng thức ăn nhanh cũng như nước giải khát và bánh kẹo đã quyết định thành lập một nhóm đặc trách để khám phá các cơ hội kinh doanh ở Bình Nhưỡng. Lãnh đạo một số công ty xây dựng Hàn Quốc cũng cho biết đang từng bước chuẩn bị cho những cơ hội tiềm năng tại Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mô hình phát triển mà Triều Tiên muốn theo đuổi hiện nay lại không phải Mỹ hay Hàn Quốc, mà là Trung Quốc với mô hình kinh tế thị trường do Nhà nước kiểm soát. Đối với Triều Tiên, tấm gương Trung Quốc thay đổi từ một nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường rất lôi cuốn bởi nó được tích lũy cùng với sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội. Xét về vị trí địa lý, hệ thống kinh tế, quy mô thị trường, giai đoạn phát triển kinh tế, hợp tác kinh tế Trung - Triều có những thuận lợi không thể thay thế. 

Hơn nữa, Bắc Kinh vốn được coi là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng. Giao thương với Trung Quốc chiếm 90% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên. Từ tháng 3-2018, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã 2 lần sang Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong khi đó, một phái đoàn cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 5-2018 đã có chuyến tham quan 11 ngày tại các trung tâm công nghiệp chuyên về ứng dụng công nghệ cao trong giao thông đô thị và những đột phá khoa học mới nhất của Trung Quốc. 

Phái đoàn cấp cao nói trên tới Trung Quốc chỉ một vài tuần sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, đồng thời hứa “xây dựng nền kinh tế xã hội”. Vì vậy, một nhà kinh tế học tại Viện Hội nhập xã hội Triều Tiên, nhận định: “Nhà lãnh đạo Kim đàm phán với Tổng thống Donald Trump vì ông ấy cần Mỹ rút lại các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên sau đó, tất cả các vấn đề phát triển kinh tế sẽ đều tập trung vào mối quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”.