Doanh nghiệp giảm dự trữ, người dân bớt chi tiêu

(ANTĐ) - Thời điểm Tết Nguyên đán đã đến gần, tuy nhiên, khác những năm trước, không khí mua sắm chuẩn bị Tết của người tiêu dùng Thủ đô năm nay có phần trầm lắng. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp Tết cách đây 2-3 tháng, đến nay công tác chuẩn bị cũng đã cơ bản hoàn tất.

Thị trường Tết Kỷ Sửu 2009:

Doanh nghiệp giảm dự trữ, người dân bớt chi tiêu

(ANTĐ) - Thời điểm Tết Nguyên đán đã đến gần, tuy nhiên, khác những năm trước, không khí mua sắm chuẩn bị Tết của người tiêu dùng Thủ đô năm nay có phần trầm lắng. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp Tết cách đây 2-3 tháng, đến nay công tác chuẩn bị cũng đã cơ bản hoàn tất.

Rau, củ, quả sẽ không đội giá quá cao trong dịp Tết
Rau, củ, quả sẽ không đội giá quá cao trong dịp Tết

Hàng hóa nhiều

Khảo sát của Trung tâm Thông tin (Bộ NN&PTNT) về tình hình tiêu dùng trong dịp Tết Kỷ Sửu 2009 cho thấy, mức tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng khoảng 38% so với ngày bình thường. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức tăng trong những năm gần đây (những năm trước tăng từ 50-60%).

Trong đó, mức tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán tại thị trường Hà Nội tăng trung bình khoảng 27%. Theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm và giò, chả sẽ tăng mạnh nhất trong dịp Tết này.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng về thực phẩm trong dịp Tết trên địa bàn  Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội đã giao cho các doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa để bình ổn thị trường. Hiện 120 doanh nghiệp trên địa bàn đã vào cuộc triển khai dự trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết.

Theo dự báo, mức tiêu thụ đối với thịt lợn khoảng 13.000 tấn/tháng (tăng 30% so với tháng bình thường), thịt gia cầm khoảng 4.000 tấn/tháng, thịt trâu, bò khoảng 3.000 tấn/tháng, thủy hải sản khoảng 6.500-7.000 tấn/tháng, rau, củ, quả mức tiêu thụ vào 80.000 tấn/tháng, và gạo tiêu thụ khoảng 70.000 tấn/tháng.

Sáng qua 5-1, ông Trần Mạnh Cảnh - Phó Tổng Giám đốc Hapro cho biết: “Đến thời điểm này, Hapro đã chuẩn bị đầy đủ một số mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ những ngày Tết. Trong đó, thịt các loại là 380 tấn, gạo các loại 382 tấn, rau, củ quả là 120 tấn, dầu ăn đạt 1,1 triệu lít và 400.000 chiếc bánh chưng...”.

Phó Tổng Giám đốc Siêu thị BigC, ông Nguyễn Thái Dũng cho biết, kế hoạch chuẩn bị hàng Tết đã được siêu thị vạch ra từ tháng 9, tháng 10, siêu thị cũng đã mở rộng thêm diện tích bán hàng là 2.500m2, lắp đặt thêm máy thanh toán để đảm bảo không xảy ra tình trạng xếp hàng ùn tắc trong dịp mua sắm Tết.

Đồng thời, các trung tâm thương mại, siêu thị khác như Metro, Intimex, Fivimart đã hoàn tất kế hoạch dự trữ đầy đủ các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng. Các công ty Xuất nhập khẩu Lương thực Hà Nội, Thái Dương, Lương thực Hà Sơn Bình đã dự trữ 2.625 tấn gạo nếp và gạo chất lượng cao.

Công ty Xăng dầu khu vực I dự trữ 41 triệu lít xăng dầu. Các công ty cổ phần Phúc Thịnh, Đầu tư và PTNT Hà Nội... dự trữ 600 tấn lợn sạch, 610 tấn thịt gia cầm an toàn, 3 triệu quả trứng gà sạch trong tháng Tết, chưa kể một lượng lớn hàng được chuẩn bị ở các chợ.

Sức tiêu dùng trong dịp Tết năm nay sẽ giảm đáng kể
Sức tiêu dùng trong dịp Tết năm nay sẽ giảm đáng kể

Sức mua yếu

Mặc dù chỉ còn khoảng 2 tuần nữa bước vào Tết nhưng không khí mua sắm, chuẩn bị vẫn khá im ắng. Ghi nhận của phóng viên ANTĐ tại một số siêu thị: BigC, Fivimart, Hapromart... cho thấy, lượng người đi mua sắm không nhiều, dường như các nơi đều thiếu đi sự ồn ào náo nhiệt của thời điểm giáp Tết.

Không những vậy, hiện nay, không ít người tiêu dùng Thủ đô có tâm lý, giáp Tết đi mua một thể. Chị Lan trú tại quận Cầu Giấy cho biết: “Mấy năm trở lại đây, nhà tôi không có thói quen mua sắm Tết sớm nữa, khoảng 25-26 (tháng Chạp) mới bắt đầu mua, mà cũng chỉ mua cho vài ngày Tết, mồng 2 đã có chợ rồi. Hơn nữa, cả nhà đã thống nhất, năm nay mua sắm tiết kiệm, không mua tràn lan như các năm”.

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, khá nhiều doanh nghiệp và siêu thị đã giảm số lượng hàng dự trữ Tết so với các năm, thậm chí nhiều siêu thị còn e dè bởi, sức mua của người dân giảm, dự trữ hàng nhiều sẽ không tiêu thụ hết trong dịp này. Ngoài ra, các siêu thị cũng cân nhắc tình trạng hàng lậu, hàng nhái, hàng giả tung hoành trong dịp Tết.

“Tốc độ tiêu dùng đến thời điểm này tại hầu hết các hệ thống siêu thị của Hapro chưa có sự chuyển biến nhiều. Vì vậy, có thể nói, mức tiêu dùng của người dân Thủ đô trong dịp Tết năm nay không cao, chỉ tăng hơn so với ngày thường khoảng 20%. Do sức tiêu dùng chậm, nên khả năng xảy ra đột biến về giá là rất ít. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, siêu thị hiện còn lo sợ hàng dự trữ nhiều mà người mua thì ít” - ông Cảnh cho biết.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thái Dũng cũng đưa ra nhận định, mức  tiêu dùng đến thời điểm này chỉ tăng khoảng 5-7% so với ngày thường (các năm trước tăng khoảng 20-25%). “Khả năng xảy ra tình trạng đột biến giá đối với các mặt hàng thực phẩm trong dịp Tết này là rất hiếm bởi nhu cầu của người dân khá thấp, thị trường không thực sự sôi động như hàng năm, mặc dù còn khoảng 2 tuần nữa là Tết nhưng chưa thấy biến chuyển gì nhiều. Hơn nữa, xăng dầu liên tiếp giảm giá trong thời gian vừa qua cũng là yếu tố tác động mạnh đến nhà sản xuất không tăng giá” - ông Dũng nói.

Dự báo, mặt bằng giá cả hàng hóa Tết này có thể chỉ “đội” thêm từ 5-7%. Ông Vũ Vinh Phú nhận định: “Giá hàng hóa Tết sẽ không tăng nhiều, vì từ đầu năm đến nay giá cả đã tăng quá cao, ngoài ra, người dân đang phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định chi tiêu nên sức mua hàng hóa sẽ chỉ tăng từ 15-20% so với Tết Mậu Tý 2008. Đây cũng là một yếu tố làm cho giá bán hàng Tết 2009 sẽ không có sự tăng giá đột biến”.

Ngân Tuyền

Hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam

(ANTĐ) - Theo Ban quản lý cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), hiện các doanh nghiệp của Trung Quốc đang tập kết một lượng lớn hàng tiêu dùng để chuẩn bị xuất sang Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái.

Trong đó, chủ yếu là các mặt hàng quần áo mùa đông, giày dép, đồ điện tử gia đình, đồ chơi, rượu các loại, bánh kẹo, hoa quả ôn đới… với tổng trị giá khoảng 23,44 triệu NDT (tương đương hơn 59 tỷ đồng). Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu Móng Cái tăng khá chậm, khoảng 10,6%, trong khi nhập khẩu lại tăng tới 83,2% (kim ngạch nhập khẩu đạt 1.005,2 triệu USD).

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện cũng đang tràn ngập các mặt hàng Trung Quốc. Các chợ như Tân Thanh, Đồng Đăng, Đông Kinh, Kỳ Lừa… lượng hàng Trung Quốc chiếm thị phần tới 85-90%, chủ yếu là thực phẩm, hoa quả, quần áo, giày dép… được nhập qua đường tiểu ngạch. Theo Chi cục QLTT Lạng Sơn, hiện nay ngay cả các mặt hàng thực phẩm chế biến của Trung Quốc cũng đã tràn vào nội địa, giá rẻ chỉ bằng 50% so với mặt hàng cùng loại của Việt Nam.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Cao Lộc -Lạng Sơn) cho biết, hiện mỗi ngày có khoảng 350-400 xe từ Lạng Sơn sang Trung Quốc lấy hàng, tăng gấp 1,5 lần so với tháng trước và sẽ còn tăng lên gấp đôi trong thời gian từ nay đến Tết Kỷ Sửu.

Hạ Quỳnh