Doanh nghiệp du lịch vẫn chờ cơ hội phục hồi sau dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Làn sóng Covid thứ 4 xảy ra ngay thời điểm đầu mùa hè - mùa cao điểm của du lịch nội địa. Số lượng bệnh nhân Covid tăng lên gấp nhiều lần so với 3 lần dịch bùng phát trước đó. Nhiều tỉnh, thành khẩn trương thực hiện giãn cách, hạn chế đi lại... Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, lao đao còn “chưa đứng vững” nay lại tiếp tục lĩnh thêm cú bồi. PV ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng Giám đốc VietSense Travel Nguyễn Văn Tài về những khó khăn của doanh nghiệp ở thời điểm này cùng cả những cố gắng để duy trì tồn tại chờ ngày phục hồi.
Giám đốc VietSense Travel Nguyễn Văn Tài

Giám đốc VietSense Travel Nguyễn Văn Tài

- Phóng viên: Chúng ta đã đi được một nửa chặng đường của năm 2021, tức là đã gần 2 năm phải đối mặt với 4 làn sóng Covid-19. Lần đầu tiên biết thông tin về dịch bệnh, cảm xúc lúc đó của anh thế nào?

- Giám đốc VietSense Travel Nguyễn Văn Tài: Tôi còn nhớ, vào nửa cuối tháng 3-2020, dịp Tết Nguyên Đán, dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam và ngay lập tức tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của công ty VietSense Travel nói riêng và toàn ngành du lịch nói chung. Cảm xúc lúc đó nói chung là lo lắng vì hoạt động kinh doanh bị tê liệt nhưng chưa hoang mang và cũng chưa nhận thức hết về mức độ tàn phá khốc liệt của nó như sau này. Trước đây, đã từng chứng kiến bệnh dịch SARS vào năm 2003, nhưng khi đó dịch được kiểm soát tốt chỉ ở diện nhỏ và thời gian dập tắt dịch bệnh không quá dài, nên hoạt động kinh doanh du lịch được khôi phục nhanh chóng vì thế không thể so sánh quy mô và mức độ tàn phá như Covid-19 ở thời điểm hiện tại.

- Dịch bệnh kéo dài nằm ngoài dự liệu của tất cả chúng ta. Anh cùng công ty và các đồng nghiệp của mình đã có những cách gì để ứng biến?

- Cho đến trước lần dịch thứ 4 này thì ngoài những giai đoạn dịch bệnh diễn ra, lãnh đạo công ty chúng tôi đã rất linh hoạt ứng biến đưa ra những quyết định quan trọng để duy trì công ty: Một là khi hoạt động kinh doanh lữ hành của VietSense Travel bị đóng băng hoàn toàn và không có doanh thu, lúc này chi phí vận hành doanh nghiệp đều phải lấy từ quỹ dự phòng rủi ro eo hẹp vì thế đã phải đưa ra những quyết định không mong muốn để cắt giảm chi phí như đóng cửa văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh, thu nhỏ mặt bằng văn phòng trụ sở tại Hà Nội, giảm thời gian làm việc của cán bộ, nhân viên (nghỉ cách nhật luân phiên) và đặc biệt đau xót là phải cho nghỉ một số nhân sự cũng như giảm lương của những lao động còn lại.

Hai là luôn trong trạng thái sẵn sàng triển khai kinh doanh du lịch nội địa một cách nhanh nhất, nhiều nhất và hiệu quả nhất, tận dụng tối đa việc khai thác bán và cung cấp dịch vụ cũng như tổ chức các tour trong nước để khơi thông dòng tiền về công ty, tăng cường tích lũy để có nguồn lực ứng phó với những rủi ro bất định sau đó...Nhờ những quyết định đó mà cho đến giờ mà đội ngũ còn lại chỉ là những cốt cán nhưng công ty vẫn còn sống, quyền lợi của khách hàng đã mua của VietSense Travel vẫn được đảm bảo tốt.

- Hầu như tất cả chúng ta đều lo lắng ở thời điểm làn sóng đầu tiên, cảm giác lo lắng được giải tỏa ngay sau khi kiềm chế được dịch bệnh và các hoạt động thường nhật được mở cửa trở lại. Chắc hẳn, khi mở cửa trở lại anh và Công ty của mình đã lên những kế hoạch dài hơi cho lần “trở lại lợi hại hơn xưa?”

- Nhờ những nỗ lực của Chính phủ và ủng hộ của người dân sau mỗi lần dịch được dập, chúng tôi đều rất hồ hởi và tích cực bắt tay ngay vào những hoạt động kích cầu du lịch, tăng cường quảng bá và tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút du khách và đẩy mạnh kinh doanh hưỡng đến những chiến dịch như mùa hè 2020 và 30-4, 1-5-2021 đều đã thành công với các sản phẩm du lịch nội địa đa dạng, cùng với đó là một niềm tin sớm mở cửa quốc tế để để có thể phục hồi toàn diện ngành du lịch.

- Và bây giờ, đã là làn sóng thứ 4, căng thẳng hơn 3 lần trước, dịch đã lan ra nhiều tỉnh thành, ca nhiễm tăng đến hơn 4.000. Ở làn sóng thứ 4 này, doanh nghiệp của anh nói riêng và doanh nghiệp du lịch nói chung đã phải xoay trở như nào để không “biến mất”?

- Đến bây giờ khi dịch đang diễn biến nghiêm trọng tại nhiều quốc gia và là lần thứ 4 ở Việt Nam thì doanh nghiệp du lịch chúng tôi đã lâm vào thế kiệt quệ. Để tồn tại thì doanh nghiệp chỉ còn cách giữ lại những cốt cán chia sẻ cùng doanh nghiệp với mức lương cơ bản để sống thắt lưng buộc bụng, còn lại thì giải phóng những nhân viên khác để họ kiếm việc làm ở những lĩnh vực khác ít bị ảnh hưởng hoặc tự kinh doanh để mưu sinh.

Doanh nghiệp thì chắc là sẽ không biến mất nhưng sống ở trạng thái nào và sẽ thích ứng ra sao nếu dịch kéo dài. Điều làm chúng tôi lo lắng nhất là hồi phục như thế nào sau khi dịch được kiểm soát. Bởi lẽ, lực lượng lao động lành nghề là những chuyên viên, nhân viên thì sau một thời gian dài dịch bệnh, đã chuyển sang lĩnh vực khác và làm quen với nghề đó.

Phục hồi nguồn nhân lực ngành du lịch sau dịch là vấn đề đau đầu của không ít doanh nghiệp

Phục hồi nguồn nhân lực ngành du lịch sau dịch là vấn đề đau đầu của không ít doanh nghiệp

- Chúng tôi - những phóng viên theo dõi du lịch vẫn bảo với nhau rằng, thương các doanh nghiệp du lịch nội địa lắm lắm, vì đó là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề đầu tiên và lâu dài nhất. Đã bao giờ các doanh nghiệp du lịch có ý định xin hỗ trợ từ Chính phủ không, và nếu có thì hỗ trợ như thế nào?

- Chúng tôi luôn tin rằng, Nhà nước, Chính phủ sẽ không để chúng tôi bị bỏ lại phía sau, nhưng cho đến giờ thì chưa có gói hỗ trợ nào đến được với chúng tôi. Lúc này chúng tôi đã “yếu” lắm rồi, không còn biết trông chờ vào đâu ngoài việc hy vọng Nhà nước, Chính phủ sớm có những giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp chúng tôi và người lao động. Gần đây tôi thấy tin Đà Nẵng có chính sách cho người lao động vay tiền không thế chấp và một số trợ cấp cho doanh nghiệp và người lao động, hy vọng Hà Nội và các tỉnh thành khách cũng chủ động có những hỗ trợ trực tiếp như vậy.

- Suốt thời gian Covid, tôi thấy nhiều CEO của Công ty Du lịch đổi hướng kinh doanh, thậm chí có người còn rao bán đất. Còn tôi, thấy trên mạng xã hội cá nhân của anh có đăng thông tin rằng CEO VietSense Travel mở nhà hàng bán thịt dê. Chuyện thật hay đùa?

- Nhà hàng là lĩnh vực nằm trong chiến lược dài hơi với tham vọng xây dựng mô hình dịch vụ khép kín phục vụ tour du lịch chứ không phải giải pháp, vì đây cũng là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch như là lữ hành. Sau một thời gian dài trước dịch lần 4 thì chúng tôi đã mời được một số nhà đầu tư nhỏ góp vốn để mở nhà hàng và mọi thứ diễn ra trong giai đoạn dịch được kiểm soát nhưng không may đến khi khai trương thì dịch Covid-19 bùng phát lần 4.

Mỗi doanh nghiệp, mỗi CEO tùy vào hoàn cảnh và có những hướng đi riêng, với cá nhân tôi thì hiện tại, dù khó khăn nhưng vẫn cầm cự được và tin tưởng, Nhà nước, Chính phủ sẽ có chính sách để dù dịch nhưng vẫn có thể duy trì, vẫn bám nghề và đợi cơ hội phục hồi, phát triển sau này, hiện thực hóa chuỗi dịch vụ du lịch khép kín gồm vận chuyển, nhà hàng, lưu trú... để phục vụ cho chính tour của chúng tôi.

Khi khai trương nhà hàng là lúc dịch bùng phát vì thế chúng tôi đã chuyển đổi phương thức phục vụ từ việc kinh doanh ẩm thực tại chỗ sang bán online để phù hợp thực tế và không bị gián đoạn kinh doanh. Cho đến nay thì hàng ngày quán vẫn hoạt động dưới dạng tiếp thị online, nhận đơn trực tuyến và giao hàng tận nhà cho du khách, dù không mang lại lợi nhuận vì chỉ bán được đồ ăn nhưng cũng vẫn đủ để duy trì hoạt động cơ bản.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!