Doanh nghiệp điện tử "khát" lao động kỹ thuật

ANTD.VN - Theo đánh giá của Viện Khoa học lao động xã hội, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động làm việc trong ngành điện tử không cao, trong đó 68,75% chưa có bằng cấp, chứng chỉ.

Tại tọa đàm “Thúc đẩy việc làm bền vững tại các doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam” ngày 31-1, Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, những năm gần đây công nghiệp điện tử phát triển nhanh và trở thành một trong những ngành quan trọng nhất của kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp điện tử tăng mạnh từ 7,4% năm 2011 đã tăng lên 32,5% năm 2015. Sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật Bản ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.

Từ năm 2012, điện tử trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 22,9 tỷ USD năm 2012 lên hơn 71 tỷ USD năm 2017, gấp 2,5 lần dệt may và gấp gần 5 lần da giày.

Tuy nhiên, 95% kim ngạch xuất khẩu điện tử là nhờ các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI cũng vượt trội về công nghệ và quy mô lao động , trung bình một doanh nghiệp FDI có 807 lao động, doanh nghiệp nhà nước là 212 lao động, trong khi doanh nghiệp tư nhân chỉ có 25 lao động.

Chỉ trong 10 năm, số lượng doanh nghiệp điện tử tăng mạnh, từ 307 doanh nghiệp năm 2006 lên 1.165 doanh nghiệp năm 2015. Đồng thời, số lượng lao động việc làm trong doanh nghiệp điện tử cũng tăng từ 141.780 người năm 2009 lên 453.181 người năm 2016, trong đó, nhiều lao động nữ và lao động trẻ dưới 35 tuổi.

Theo đánh giá của Viện khoa học lao động xã hội, số lượng lao động làm việc trong ngành điện tử sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dù vậy, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động làm việc trong ngành cũng là vấn đề đáng ngại. Theo thống kê, 68,75% chưa có bằng cấp, chứng chỉ; 80% doanh nghiệp điện tử khó tuyển dụng lao động kỹ thuật.