Doanh nghiệp dệt may đứng ngồi không yên vì sợ tăng lương

ANTD.VN - Để đối phó với việc thực hiện các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), doanh nghiệp sẽ sa thải lao động hay giảm phụ cấp để bù đắp chi phí.

Tại Hội thảo tác động của các chính sách mới trong lĩnh vực lao động, tiền lương và BHXH đến doanh nghiệp dệt may, chuyên gia lao động nghi ngờ bài toán hài hòa lợi ích giữa đảm bảo quyền lợi của người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp đang xuất hiện những sai số. 

Nhiều doanh nghiệp không khỏi hoang mang nếu chính sách vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp thì sẽ làm suy giảm sức cạnh tranh, thậm chí khiến doanh nghiệp phá sản. Điều này có hại cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Đề nghị bỏ lương tối thiểu vùng

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chi phí nhân công: tiền lương, BHXH, kinh phí công đoàn… đang chiếm khoảng 72-78% giá thành sản phẩm nên nếu chi phí lao động tăng cao sẽ khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may giảm. Đánh giá những tác động của các chính sách đến ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may cho rằng, tính từ năm 2008-2017, lương tối thiểu vùng đã tăng 10 lần với tỷ lệ cao, trong đó doanh nghiệp trong nước tăng bình quân 21,9%, còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,2%, trong khi năng suất lao động chỉ tăng 3,65%. 

Việc tăng lương tối thiểu vùng làm tăng nền đóng BHXH, tăng chi phí nhân công cho doanh nghiệp. Qua khảo sát hơn 20 doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may, chi phí của doanh nghiệp tăng lên rất lớn. Với mức lương tối thiểu tăng lên 6,5% từ năm 2018, riêng chi phí đóng quỹ công đoàn của toàn ngành lên tới 500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, những quy định về mở rộng đống tượng đóng BHXH (bắt buộc đối với người lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng), kết cấu tiền lương đóng BHXH cũng khiến doanh nghiệp băn khoăn.

Đề cập đến vấn đề tác động của các chính sách tiền lương đến doanh nghiệp dệt may, ông Hoàng Minh Khang, đại diện Công ty CP Thời trang quốc tế Thuận Thành cho hay: “Lương tối thiểu vùng tăng khiến chi phí đầu vào tăng tạo áp lực tiêu cực tới doanh nghiệp. Để ký được các đơn hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp phải bù lương cho người lao động vì tay nghề không đáp ứng được yêu cầu. Các cơ quan quản lý nên nghiên cứu cơ chế lương thỏa thuận, khuyến khích người lao động có kỹ năng và bỏ chính sách lương tối thiểu vì lương tối thiểu không thúc đẩy năng suất lao động.”

Hành lang bảo vệ lao động yếu thế

Lý giải những thắc mắc của doanh nghiệp về vấn đề tiền lương, đóng BHXH, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, từ ngày 1-1-2018, những khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc gồm lương và các khoản phụ cấp cố định ghi trong hợp đồng lao động. Một số đơn vị sử dụng lao động chưa hiểu đúng về mức phụ cấp sẽ làm căn cứ để đóng BHXH, cho rằng cách tính từ ngày 1-1-2018 sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Trên thực tế, chỉ những khoản bổ sung có ghi trong hợp đồng lao động mới phải tính đóng BHXH.

 Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp về chính sách lương tối thiểu, ông Mai Đức Thiện cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định mức lương tối thiểu vùng năm 2018 với mức tăng 6,5%. Cơ sở xác định mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 dựa trên 2 chỉ số là chỉ số giá tiêu dùng và năng suất lao động. 

Theo tính toán, tổng mức chi phí của doanh nghiệp và người lao động cho các loại quỹ là khoảng 35%, trong đó doanh nghiệp là 23,5% và người lao động ở mức 11,5%. Nhìn vào con số tuyệt đối mức chi phí này ở các doanh nghiệp trong nước cao hơn so với các quốc gia khác trong khu vực (các nước khoảng 13-14% cho cả hai bên). Tuy nhiên, các nước khác trong khu vực đóng trên nền lương thực tế còn Việt Nam đóng trên nền lương tối thiểu vùng.

Theo các nhà nghiên cứu về chính sách, kinh tế Việt Nam đang vận hành theo cơ chế thị trường và tiền lương được tính toán dựa trên sự thỏa thuận giữa chủ sử dụng và người lao động. Lương tối thiểu là mức sàn để đảm bảo cho người lao động yếu thế, có trình độ, tay nghề thấp nhận được mức lương đủ để trang trải cho cuộc sống tối thiểu. Một nền kinh tế thị trường phải có lương tối thiểu để đảm bảo cho những lao động có tay nghề, làm đủ ngày công, không vi phạm kỷ luật được chủ lao động trả cho một mức lương cơ bản không quá thấp, để duy trì cuộc sống, tái sản xuất sức lao động. Do đó, sẽ không có việc bỏ mức lương tối thiểu vùng.