Giao thương với Trung Quốc: Không thể cầm đằng lưỡi (Bài 1)

Doanh nghiệp có phần lo lắng

ANTĐ - “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” là vấn đề lớn của mỗi quốc gia trong bối cảnh hội nhập. Với Việt Nam, vấn đề này càng cấp thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt trong mối giao thương với Trung Quốc khi tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng. Các chuyên gia kinh tế đầu ngành, các hiệp hội ngành hàng ngày 3-7 đã cùng thảo luận, tìm đường hướng cho tự chủ nền kinh tế mà vẫn hội nhập, phát triển.

Thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu

Trung Quốc hiện đang là quốc gia cung cấp nhiều nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất nhất cho Việt Nam. Bởi vậy, khi quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc “có vấn đề”, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành hàng của Việt Nam có phần lo lắng. Bà Đặng Phương Dung - Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may phụ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu với tỷ lệ 86%. Trong đó, riêng Trung Quốc chiếm tới 46%. “Đây là “nút thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam. Mặt khác, doanh nghiệp may mặc chỉ tập trung gia công, giá trị gia tăng thấp dẫn đến thu nhập cho người lao động không cao, biến động lớn về lao động và đe dọa sự phát triển ổn định của ngành”- bà Đặng Phương Dung nói. Như vậy, chỉ cần một nửa nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc “gặp trục trặc” thì doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã gặp khó khăn đầu vào cho sản xuất. 

Tương tự như dệt may, lĩnh vực cơ khí cũng đang phải nhập ngoại nhiều sản phẩm, thiết bị, mà phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn Thụ- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (Vami) chia sẻ: “Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu cơ bản như: luyện kim, hóa chất, công nghiệp phụ trợ không có đủ nguồn hàng, chủ yếu là nhập ngoại. Hầu hết các dự án công nghiệp lại dùng cơ chế chỉ định thầu hoặc cơ chế đấu thầu giá thấp nên đều lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc”. Thống kê của Vami cho thấy, từ năm 2003 đến 2011, nhà thầu  Trung Quốc làm tổng thầu EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) 5/6 dự án hóa chất; 2/2 dự án chế biến khoáng sản; 49/62 dự án xi măng và nhiều dự án giao thông. Riêng nhiệt điện, nhà thầu Trung Quốc nắm 16/27 dự án. 

Việc trao quá nhiều dự án cho Trung Quốc đã dẫn đến hệ quả là hầu hết đều chậm tiến độ từ 3 tháng đến 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều. Một số thiết bị phụ trợ chất lượng thấp thường bị thay thế. Thậm chí, “họ thay đổi thiết bị so với cam kết ban đầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu, thay đổi hoặc bổ sung nhà cung cấp khiến giá hợp đồng bị đội lên, trong khi sản phẩm cơ khí của Việt Nam ít có cơ hội chen chân vào những dự án này. Có thể nói, ngành cơ khí Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu phần lớn các dự án công nghiệp, không dành phần việc nào cho cơ khí trong nước”- chủ tịch Vami lo lắng. Thế nên đa dạng hóa nguồn cung cấp máy móc thiết bị ngành cơ khí cần phải được triển khai thực hiện.

Coi trọng chất lượng trong xuất khẩu nông sản để chủ động mở rộng thị trường
(Trong ảnh: Chuối xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long )

Phập phù đầu ra cho sản phẩm

Mối lo lắng sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng do căng thẳng ở Biển Đông với Trung Quốc không chỉ xảy đến với các doanh nghiệp phải nhập nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất, mà cả những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này cũng khá căng thẳng. Theo ông Đinh Văn Hương- Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này “sống dở chết dở” và đi đến phá sản do nguồn nguyên liệu bị Trung Quốc thao túng. Nông sản xuất khẩu khi thừa, khi thiếu, không ổn định đã gây khó khăn trong việc phát triển các doanh nghiệp chế biến nông sản. Bên cạnh đó, thương nhân Trung Quốc “tập” cho người nông dân và thương lái Việt Nam cách làm ăn cẩu thả, gian dối, chất lượng thấp, sử dụng hóa chất độc hại và nhiều rủi ro. “Khi Trung Quốc không mua nữa thì với chất lượng hàng hóa đó, doanh nghiệp không thể bán vào thị trường khác”- ông Đinh Văn Hương nhấn mạnh. 

Chia sẻ cụ thể hơn về những rủi ro này, ông Phạm Vũ Hà- Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam cho hay, 85% sản lượng xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam là sang thị trường Trung Quốc. Sản phẩm tinh bột sắn, sắn lát Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Một số thị trường khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… khối lượng không đáng kể hoặc đang trong giai đoạn thăm dò và thị trường này cũng đặc biệt khó tính, đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao và nghiêm ngặt trong khi sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, doanh nghiệp sắn lại đang bị ùn ứ, tồn đọng sản phẩm do thương nhân Trung Quốc “quay lưng”, chuyển sang mua hàng từ Thái Lan! Một số doanh nghiệp tồn kho nhiều như: công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi tồn 27.000 tấn; Công ty TNHH MTV Thực phẩm và Đầu tư   Fococev Hồ Chí Minh tồn kho 25.000 tấn… Chỉ tính riêng tinh bột sắn, đến 20-6-2014, lượng tồn kho đã lên tới 150.000 tấn. 

Tương tự, theo ông Nguyễn Tôn Quyền- Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, làm ăn với thương nhân Trung Quốc, người trồng rừng Việt Nam đã “chặt phá rừng, bán cây non” cho Trung Quốc và cạnh tranh không lành mạnh. 

(Còn nữa)