Doanh nghiệp cần nới lỏng điều kiện vay vốn

ANTĐ - Kinh tế khó khăn, bất động sản ngưng trệ, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu... khiến nhiều ngành sản xuất lao đao với lượng hàng tồn kho lớn chưa từng thấy. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động đang rất cần hỗ trợ từ chính quyền để vượt qua khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp đang vật lộn với khó khăn (ảnh minh họa)

Tồn kho, thất nghiệp, ngừng hoạt động

Nói về tình hình doanh nghiệp (DN) năm 2012, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam cho biết, do kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhiều DN đã phải giải thể và ngừng hoạt động. Ngoài ra, DN còn phải đối mặt với giá xăng dầu, chi phí nguyên vật liệu tăng, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao,  sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Riêng tại Hà Nội, DN còn phải đối mặt với những khó khăn đặc thù như giá thuê đất năm 2012 tăng 12-14 lần, làm chi phí DN tăng cao. Tính lũy kế đến nay, cả nước có 40.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, riêng Hà Nội là 12.000 DN. 

Số người thất nghiệp do đó cũng tăng. Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, đến nay, thành phố có 41.000 lao động mất việc làm. Đa số DN đều phải cắt giảm từ 30- 40% kế hoạch sản xuất, kinh doanh, thậm chí phải ngừng sản xuất. Theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện chỉ còn 50% DN công nghiệp đủ việc làm trong những tháng cuối năm, còn lại là giãn hoặc ngừng sản xuất.

Chưa hết, đại diện DN ngành dệt may, da giày cho biết, việc dự kiến bãi bỏ chế độ ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày cho nguyên liệu sản xuất xuất khẩu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đặc biệt, đối với những đơn hàng đã ký, nay phải “cõng” thêm phần chi phí vay ngân hàng để nộp thuế sẽ có thể chuyển thành lỗ. Khả năng giành được đơn hàng là rất khó vì giá thành quá cao. Cũng ở thế mắc kẹt tương tự, các DN ngành sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị điện... than trời vì thị trường bất động sản đình trệ kéo theo sức mua sụt giảm nghiêm trọng, đẩy lượng hàng tồn kho lên mức cao khủng khiếp, ảnh hưởng xấu tới hoạt động của DN.

DN ngành ô tô xe máy cũng đang lao đao vì tồn kho quá lớn. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên sản phẩm của ngành này không bán được. Số liệu thống kê sơ bộ từ Sở KH-ĐT cho biết,  Công ty CP Ô tô Xuân Kiên giảm tới 76%, Công ty CP cơ khí chính xác số 1 giảm 32%, sản phẩm săm lốp ô tô của Công ty CP Cao su Sao Vàng giảm 25%, Công ty Ô tô 1-5 và Công ty Honda Việt Nam tồn kho khoảng 100.000 sản phẩm... Các siêu thị, trung tâm thương mại cũng phải đối diện với mức tiêu thụ giảm mạnh. Có siêu thị điện máy mức tồn kho lên tới 300 tỷ đồng. Nhiều siêu thị vừa và nhỏ phải đóng cửa. Có trung tâm thương mại miễn phí thuê mặt bằng cả năm nhưng vẫn không sao lấp đầy được mặt bằng cho thuê.

Mở rộng diện hỗ trợ doanh nghiệp

Trước thực tế kể trên, các DN Hà Nội đã có nhiều kiến nghị gửi tới các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ bớt khó khăn. Cụ thể, DN ngành thép, xi măng đề nghị Chính phủ xem xét gia hạn số tiền thuế thu nhập DN còn nợ chưa nộp của năm 2011 trở về trước trong 9 tháng và giảm mức thuế nhập khẩu cho một số loại phụ tùng. DN cũng đề xuất xem xét giảm thuế VAT xuống 5%, bởi nó sẽ ảnh hưởng ngay vào cơ cấu giá thành sản phẩm. Đặc biệt, Hiệp hội Dệt may mong muốn tiếp tục được hưởng ân hạn 275 ngày cho thuế nguyên phụ liệu nhập khẩu như trước đây.

Dù đánh giá cao chính sách hỗ trợ của UBND TP về lãi suất nhưng DN phản ánh vì điều kiện được thụ hưởng còn gây khó cho DN (phải không có nợ đọng thuế, phí, lệ phí và thuế xuất nhập khẩu) nên đề nghị UBND TP nới lỏng theo hướng “không có nợ thuế các loại quá 3 năm liên tiếp”...

Dự báo năm 2013 tiếp tục là một năm hết sức khó khăn, các sở, ngành TP Hà Nội cũng đề nghị, cần duy trì thực hiện hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các DN đến hết năm 2013. Cùng với đó, cần bổ sung thêm đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất. Liên quan tới hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay ngắn hạn (vốn lưu động), Sở KH-ĐT Hà Nội cho rằng, không có quy định cụ thể nào nói hỗ trợ lãi vay vốn lưu động là sai. Tuy nhiên, việc hỗ trợ lãi vay vốn lưu động trong thời điểm này cần xem xét một cách toàn diện, tổng thể vì thời gian hỗ trợ thường không dài. Hơn nữa, cần tính toán cẩn thận hiệu quả trước khi quyết định thực hiện, dựa trên cơ sở số liệu thống kê tổng vốn lưu động mà các DN đang vay tại các ngân hàng thương mại. Trên cơ sở đó, sẽ dự kiến khả năng ngân sách TP có thể cân đối, bố trí cho việc hỗ trợ lãi suất mà DN có thể được hưởng vì nguồn vốn lưu động mà DN đang vay tại các tổ chức tín dụng hiện nay là tương đối lớn.