Doanh nghiệp bất chấp pháp luật về bảo hiểm xã hội, không nhẽ… bó tay: Phải có công cụ hữu hiệu để răn đe

ANTD.VN - Bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ, thì thực tế, có nhiều doanh nghiệp đang làm ăn có lãi nhưng vẫn chây ỳ, thậm chí hàng tháng vẫn trừ tiền lương đóng BHXH của người lao động nhưng chiếm dụng, không nộp...

Doanh nghiệp bất chấp pháp luật về bảo hiểm xã hội, không nhẽ… bó tay: Phải có công cụ hữu hiệu để răn đe ảnh 1

Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Vũ Đức Thuật làm việc với các đơn vị nợ BHXH

Coi thường pháp luật và quyền lợi của người lao động

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nợ đọng BHXH gia tăng, nợ kéo dài là do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị thua lỗ, mất khả năng thanh toán.

Chẳng hạn, trong danh sách 500 doanh nghiệp có số nợ BHXH cao nhất toàn thành phố Hà Nội suốt từ đầu năm 2019 đến nay, hầu như tháng này Công ty May mặc xuất khẩu VIT Garment (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) cũng đứng ở vị trí dẫn đầu. Công ty này có hơn 860 lao động, tính đến hết tháng 7-2019, tổng số nợ BHXH đã lên tới xấp xỉ 26 tỷ đồng.

Đại diện Công ty này cho biết, vì đặc thù của ngành may mặc những tháng đầu năm là giai đoạn sản xuất thấp điểm, cho nên doanh nghiệp không có nguồn thu, phải chậm đóng. Mặt khác, do sử dụng nhiều lao động, số tiền BHXH mỗi tháng đơn vị phải đóng lên tới 2 tỷ đồng, cho nên chỉ cần chậm đóng là lãi tăng rất nhanh, khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn.

Đến hết tháng 7-2019, Mê Linh cũng chính là địa phương có tỷ lệ nợ BHXH cao nhất thành phố Hà Nội. Và một trong các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này cũng được lãnh đạo BHXH huyện Mê Linh lý giải là do trên địa bàn huyện có khu công nghiệp, với nhiều doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; nhiều doanh nghiệp sản xuất mang tính thời vụ hoặc đang ở tình trạng hoạt động khó khăn.

Đó là một thực trạng phổ biến. Song một nguyên nhân quan trọng không kém chính là ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành quy định về chính sách BHXH của các chủ sử dụng lao động chưa cao, thậm chí coi thường pháp luật, coi nhẹ quyền lợi của người lao động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã trích tiền lương tháng của người lao động đóng bảo hiểm, nhưng không nộp Quỹ BHXH, BHYT mà sử dụng vào mục đích khác.

Bằng chứng là từ 2018 đến nay, các đoàn thanh tra của TP Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm doanh nghiệp không chấp hành quy định về BHXH, song hiện có tới 88 đơn vị vẫn phớt lờ hoặc cố tình chây ỳ, không chịu nộp phạt, coi thường pháp luật. Tổng số tiền nợ BHXH của 88 đơn vị này lên tới gần 200 tỷ đồng.

Hành vi cố ý vi phạm pháp luật, vi phạm chồng vi phạm của các đơn vị, doanh nghiệp trên đã và đang làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của hơn 4.000 lao động ở Thủ đô.

Trở lại với huyện Thanh Trì, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BHXH huyện khẳng định với chúng tôi, trong số 5 doanh nghiệp đang có số nợ BHXH cao nhất trên địa bàn, có những doanh nghiệp đang làm ăn có lãi nhưng vẫn chây ỳ không nộp.

“Khi doanh nghiệp nợ BHXH, quyền lợi người lao động làm việc ở đó đương nhiên bị ảnh hưởng, cụ thể là khi họ nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác, cơ quan BHXH không thể giải quyết chế độ cho họ. Vì thế, vừa qua, Nhà nước đã có chính sách tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi cho các trường hợp này bằng cách chấp nhận giải quyết BHXH nếu doanh nghiệp nộp hết số nợ BHXH của chính người lao động đang cần giải quyết thủ tục” – ông Hùng chia sẻ.

Tại quận Hà Đông, ông Hoàng Đức Hiếu, Phó Giám đốc BHXH quận Hà Đông cũng từng chia sẻ với chúng tôi rằng, không ít doanh nghiệp làm ăn có lãi vẫn cố tình không đóng BHXH. “Truy thu nợ BHXH là đòi quyền lợi cho người lao động, ấy vậy mà nhiều khi thu được nợ BHXH của doanh nghiệp nào đó, cán bộ BHXH mừng rớt nước mắt như vừa thu được khoản tiền khó đòi của chính mình mang cho vay" – ông Hiếu kể.

Chế tài chưa nghiêm, chỉ ngành BHXH khó làm được

Một thực trạng cần chú ý nữa là ngoài sự coi thường pháp luật, coi nhẹ quyền lợi người lao động của các chủ sử dụng lao động thì chính nhận thức của một bộ phận người lao động về chính sách BHXH còn hạn chế, hoặc tâm lý lo sợ mất việc nên không dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình…

Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có hơn 37.500 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 2.084,9 tỷ đồng, tăng hơn 1.105,1 tỷ đồng so với tháng 12-2018. Từ thực tiễn ở cơ sở, lãnh đạo BHXH nhiều quận, huyện của Hà Nội chung kiến nghị rằng, việc xử lý nợ BHXH cần được thực hiện từng bước, từ tổ chức gặp gỡ, đối thoại để vận động đến thanh tra, kiểm tra, xử phạt.

Tuy vậy, do chế tài xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến nợ, trốn đóng BHXH hiện chưa đủ sức răn đe, nên khi đã thanh kiểm tra nhiều lần mà các doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ, đặc biệt là với các doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận, thì cần thiết phải khởi tố hình sự - xem đây là công cụ hữu hiệu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH Thành phố Hà Nội cho biết, một mặt, BHXH Thành phố đã đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố tiếp tục chỉ đạo công đoàn cơ sở khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp nợ đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động trên địa bàn.

Song trên thực tế, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án gặp nhiều khó khăn. Tính từ tháng 1-2016 đến nay, cơ quan BHXH đã bàn giao hồ sơ gần 500 đơn vị nợ BHXH đề nghị tổ chức công đoàn khởi kiện, song hiện chưa có vụ nào được tòa án thụ lý, giải quyết.

Mặt khác, Liên ngành của thành phố gồm Công an, Thanh tra, Cục thuế, Liên đoàn lao động, Sở LĐ-TB&XH, BHXH TP đang đề nghị xem xét xử lý hình sự đối với một số doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm.

“Trong tháng 7 vừa qua, BHXH Thành phố đã tập trung vào việc thu thập hồ sơ các đơn vị vi phạm. Chúng tôi đang đề nghị CATP Hà Nội chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã tiếp nhận hồ sơ các đơn vị, doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHYT, BHXH, BHTN do cơ quan BHXH chuyển đến để điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật” - Giám đốc BHXH TP Hà Nội nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng điều 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự 2015 về tội gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Theo đó, Điều 6 của Nghị quyết xác định, cơ quan BHXH sẽ tham gia tố tụng với tư cách là bị hại trong các vụ án hình sự mà bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự. Với quy định này, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các Điều 214, 215, 216, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan BHXH gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hy vọng với những tháo gỡ về chính sách, pháp luật và những giải pháp mạnh của các cơ quan quản lý như vậy, tình trạng nợ đọng BHXH sẽ được kéo giảm trong thời gian tới, để quyền lợi chính đáng của mỗi người lao động đều được đảm bảo.

Đối thoại với các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, bản thân các doanh nghiệp dù đang gặp khó khăn cũng vẫn cần cân đối, ưu tiên nguồn kinh phí dành cho các khoản đóng bảo hiểm cho người lao động; có lộ trình, kế hoạch cụ thể để thanh toán nợ trong năm 2019, hạn chế đến mức thấp nhất các khoản nợ mới phát sinh.

Với các doanh nghiệp cố tình chậm đóng, thành phố sẽ đề nghị cơ quan công an xem xét, can thiệp kịp thời để bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng.