Doanh nghiệp bán lẻ nội không ngại “đối thủ” ngoại

ANTĐ - Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cho rằng, nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam không phải là thách thức, mà mang lại nhiều cơ hội. 

Nhiều nhà bán lẻ nội đang ngày có uy tín và mở rộng quy mô

Sáng nay (4-6), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Mở cửa thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và thách thức”

Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương, từ năm 2009, các nhà bán lẻ nước ngoài đã tận dụng cơ hội để mở rộng chuỗi cửa hàng của họ. Tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy đây cũng là thời cơ tốt. “Do đó từ 2009 đến nay, các doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn đầu tư, thậm chí, họ đã “vùng dậy”. Thị trường xuất hiện nhiều thương hiệu Việt, tiêu biểu như Ocean Mart, Hiway.

Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ Việt Nam đã đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhanh nhậy hơn trong việc chuyển giao công nghệ trong ngành bán lẻ, nhân công được sử dụng chuyên nghiệp hơn. "Do vậy việc các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng đầu tư ở Việt Nam không phải là nguy cơ mà là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đang nắm bắt và mở rộng thị trường”- ông Nguyễn Trọng Tuấn đánh giá.

Tháng 1-2007, Việt Nam gia nhập WTO. Kể từ đó thị trường bán lẻ của Việt Nam đã phát triển và đồng hành cùng các doanh nghiệp FDI. Trước đó, Việt Nam cũng cho phép một số tập đoàn như BigC (Pháp), Metro (Đức), đã đầu tư một chuỗi bán buôn, bán lẻ. Sau đó, chúng ta gia nhập WTO, một số các tập đoàn bán lẻ của nước ngoài đã tham gia rất nhiều như: Lotte, Parkson, Aone và một số tập đoàn khác.

Cho đến nay, tập đoàn Wal-Mart của Mỹ đã làm việc với Bộ Công Thương để tìm hiểu về thị trường Việt Nam. Ông Trần Nguyên Năm- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, năm 2015 các tập đoàn nước ngoài sẽ tiếp tục vào Việt Nam vì đây vẫn là thị trường tiềm năng.

Có kinh nghiệm, bề dày trong phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại và khá thành công, ông Trần Nhật Linh - Giám đốc kênh bán hàng phi truyền thống Công ty Cổ phần Thế giới di động cho rằng, việc nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam là “cơ hội để mình thay đổi và thành công. Riêng đối với Thế giới di động thì chúng tôi đánh giá, cơ hội lúc nào cũng có, quan trọng là phải có chiến lược, bước đi phù hợp trong giai đoạn này”- Đại diện Thế giới di động tự tin khẳng định.

Phân tích rõ hơn, ông Trần Nhật Linh cho hay, BigC hay Metro đang đi theo mô hình đại siêu thị, còn Thế giới di động đi sâu vào chuyên ngành, tức là phát triển những cửa hàng nhỏ. Doanh nghiệp này hiện có hệ thống cửa hàng tại khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nếu xét về lĩnh vực sản phẩm viễn thông thì các đại siêu thị chắn chắn họ không thể có doanh thu và thị phần lớn hơn Thế giới di động.

“Đó cũng là hướng đi phù hợp mang lại sự thành công của Thế giới di động. Nhưng tựu chung lại, cơ hội này chỉ có được khi doanh nghiệp lấy khách hàng là trọng tâm, thì lúc đó mới biết cần thay đổi những gì để chớp lấy cơ hội”- ông Trần Nhật Linh nhấn mạnh.

Hiện nay, kinh doanh của thị trường bán lẻ hiện đại hiện dao động trên 20%, chợ truyền thống trên dưới 80%.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết: “Cho đến giờ phút này mặc dù đã bị ra khỏi 30 thị trường mới nổi hấp dẫn đầu tư nước ngoài nhưng Việt Nam vẫn là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn có bước phát triển đáng khích lệ, tăng trưởng xấp xỉ khoảng 6%”.

Theo ông Nguyễn Quốc Bảo- Chủ tịch Hội đồng Quản trị DT 24, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Hồ Chí Minh, để thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) vào thị trường bán lẻ, gia tăng nguồn lực và tạo sự cạnh tranh công bằng cho trong nước thì việc mở cửa là chuẩn bị cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đồng thời vẫn phải đảm bảo cạnh tranh công bằng.

Về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị thành phố Hà Nội cho rằng, cần giảm thuế VAT dần dần, trước mắt xuống còn một nửa hiện nay (5%). Chỉ cần như vậy thì doanh số của các siêu thị sẽ tốt hơn, sức cầu tiêu dùng lớn hơn.