Đoàn Sơn, người đội trưởng kỳ cựu của đội bóng Công an Hà Nội

ANTD.VN - Lứa em út chúng tôi gọi người cựu đội trưởng sinh ngày 24 tháng 10 năm 1939 của Đội bóng đá Công an Hà Nội những năm 50, 60, 70 thế kỷ trước là ông Đoàn Sơn, còn các anh cùng trang lứa lại gọi ông là Sơn "min".

Năm 1959 ông gia nhập đội bóng CAHN. Lúc đó ông gầy nên mấy nốt thủy đậu trên khuôn mặt nom rõ mồn một. Ăn tập một thời gian ông "béo" lên, da mặt căng lên thì những nốt đó hoàn toàn mất tăm, nhưng cái tên bắt chết khi mới vào đội đã thành nghệ danh sân cỏ của ông.

Ông quê tại Thanh Trì - Hà Nội nhưng gia đình cụ thân sinh đã vào nội thành sinh sống từ lúc ông còn chưa ra đời.

Ông Đoàn Sơn (hàng ngồi, thứ hai từ phải qua) cùng các cựu cầu thủ CAHN

Gia đình ông ở Khâm Thiên. Ông lăn lộn cùng đám trẻ đường phố với trái bóng tròn. Mê bóng đá nên ông thường bị lính Lê dương bạt tai đá đít khi trốn vào sân Mandin xem đá bóng. Lúc đó sân SEPTO còn nhỏ, chỉ có khán đài chứa khoảng vài trăm người và cũng không có các công trình phụ phục vụ cầu thủ và người xem nên các trận thi đấu đều tổ chức ở sân Mandin.

Ông hay cùng chúng bạn trèo lên mái nhà của doanh trại quân Pháp phía đường Nguyễn Tri Phương hoặc chót vót trên mấy cây cao trước nhà Võ Đại tướng ở đường Hoàng Diệu bây giờ để xem các trận đá bóng trong sân Mandin (sân Cột cờ). Ông vẫn nhớ có lần ông suýt chết khi đang ngồi trên mái nhà xem trận đội tuyển Thụy Điển đá với đội Tổng hành dinh Quân đội Pháp. Đội Pháp có cả cầu thủ Việt Nam ghi bàn. Trong sân khán giả tung lên trời mọi thứ đang cầm trên tay và đám trẻ đang ngồi trên mái nhà dốc cũng định nhảy cẫng lên khiến tí xíu nữa là lăn xuống đất.

Nhà ông hồi Pháp thuộc có 2 xe khách chạy tuyến Hà Nội – Hải Phòng, nhưng sau cải tạo công thương hồi năm 1959, lại trở thành dân nghèo thành thị vì vốn liếng của cả nhà đã dốc hết vào 2 chiếc xe vừa được quốc hữu hóa.

Đội CAHN những ngày đầu Giải phóng thủ đô với Bác sỹ Trần Duy Hưng

Năng khiếu và sự chuyên cần

Năm 1957, khi chưa vào đội bóng CAHN, ông đã được gọi vào đội tuyển bóng đá Thanh niên Hà Nội và đội tuyển Hà Nội do ông Lưu Đình Tòng làm đội trưởng.

Ở lớp 10 trường Ba Đình, hồi Pháp thuộc gọi là trường Victor Hugo ông theo học, có nhiều người tài giỏi, kể cả khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Vô địch bóng chuyền Đào Tiến Chương, vô địch quyền Anh Hồng Vân đều lên ngôi năm 1958. Cả NSND Đoàn Dũng cũng là bạn cùng lớp với ông. 

Anh em ông Sơn, từ ông cả Phúc, đến ông Đức, ông Ngọc, ông Long, ông Trường đều mê đá bóng. Thậm chí cháu ông là Đoàn Hải (nguyên Phó chủ tịch UBND quận 1 TP Hồ Chí Minh) suýt nữa cũng theo nghiệp ông, về đá cho đội CAHN. 

Hồi thành lập đội CAHN ngày 10/10/1956, Chủ tịch thành phố Trần Duy Hưng và Giám đốc Sở công an Nguyễn Văn Long đã kiến nghị với ông Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, xét đặc cách tuyển dụng một số người ở đội bóng Cảnh binh Hà Nội tham gia đội. Những danh thủ cựu Cảnh binh Hà Nội như các ông Luyến, Thưởng, Tuất, Bùi Hợi, Tòng "cháy"… đã khiến lối đá đội CAHN uyển chuyển và giàu tính đột biến, khác với lối đá tập thể nghiêm ngặt của đội Thể Công, khiến những trận đấu giữa hai đội cùng thành phố lúc nào cũng là ngày hội bóng đá của Thủ đô.

Ông thuận chân phải, có tư duy chiến thuật nhưng nổi trội nhất của ông lại là sức bền.

Thời đá bóng ở CAHN, chỉ duy nhất có 1 năm ông bị xếp thứ 2, sau Từ Như Hiển, còn đến tận những năm gần giải nghệ, ông luôn được xếp hạng số 1 trong các bài kiểm tra sức bền thường kỳ.

Trong sinh hoạt và ăn tập, ông là người nghiêm túc. Nói như ngôn ngữ thời @ thì ông là người có tính chuyên nghiệp cực cao. Ông được lãnh đạo tín nhiệm cử làm đội trưởng đội bóng, phụ giúp huấn luyện viên đốc thúc việc ăn tập của anh em.

Khi lớp trẻ chúng tôi mới gia nhập đội, thày Vũ Văn Hạc nêu tấm gương của ông Đoàn Sơn để chúng tôi có ý thức trong việc nâng cao thể lực: “Các em phải noi theo anh Sơn. Có lần đá ở Thanh Hóa, biết thịt có mùi nhưng anh Sơn vẫn bịt mũi ăn để đảm bảo đủ sức cho chiều thi đấu”.

Nghe thì biết vậy nhưng thực tế bọn tôi đều thán phục sức ăn của ông Đoàn Sơn. Ông là người ăn khỏe nhất đội và cũng là người rời sân tập muộn nhất trong đội CAHN.

Ông Đoàn Sơn và vợ

Vinh quang đời cầu thủ

Cùng đội CAHN, ông Đoàn Sơn thuộc thế hệ vàng luôn cống hiến cho người hâm mộ bóng đá Thủ đô những trận thi đấu say đắm lòng người trên sân cỏ. Người hâm mộ thuộc hết đội hình ra sân của đội bóng thành phố và suốt chặng đường thi đấu, ông luôn ra sân trong đội hình xuất phát.

Hình như duy nhất lần đá với đội bóng Péc-mơ của Liên Xô cũ, ông phải vào sân từ đầu hiệp 2. Trận đấy ông sử dụng cú đá mu sở trường sút tung lưới đội Péc-mơ. Cú đá phạt quen thuộc của ông làm sân Hàng Đẫy như bị nổ tung vì phấn khích.

Khi giải nghệ, biết ông có khả năng tổ chức và tư duy, Bộ Công an rút ông lên làm công tác phát triển bóng đá cho ngành và các địa phương. Hồi đó nhiều tỉnh thành đều lập các đội bóng đá của ngành công an. Ông thay mặt Bộ làm việc với Ban giám đốc CAHN và ông Tô Hiền là người phụ trách đội bóng, xin biệt phái các cầu thủ CAHN về làm nòng cốt cho các đội địa phương. Hàng chục lượt cầu thủ CAHN lứa Lăng "ngựa", Cường "tây", Giai "ghẻ" v.v… đã là những cầu thủ trụ cột của các đội bóng công an Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bắc Giang…

Nghỉ hưu, ông lại chăm chút cho bóng đá nữ khi tham gia huấn luyện đội nữ Quảng Ninh từ những ngày bóng đá nữ mới phát triển ở Quảng Ninh, Sài Gòn và Hà Nội.

Lối đá của ông không hoa mỹ, nhưng như con ong cần mẫn xây tổ, ông luôn dốc hết sức mình để đội CAHN luôn là một đội bóng mạnh, được yêu mến bậc nhất trong lòng người hâm mộ bóng đá Thủ đô.

Ba chức Vô địch quốc gia, hàng loạt chức Á quân và hàng chục lượt tham gia Đội tuyển bóng đá Việt Nam là những mốc son trong cuộc đời cầu thủ của ông Đoàn Sơn.