Phát động phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020:

Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

ANTĐ - Sau 2 ngày làm việc tích cực, khẩn trương và trách nhiệm, chiều 7-12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã bế mạc tại Hà Nội. 
Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ảnh 1

Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đánh giá, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong 5 năm qua đã có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ trong những năm tới, khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh cùng với toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tác động mạnh đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.

Kinh tế thị trường, tiến bộ công bằng xã hội, dân chủ - pháp quyền, hợp tác và đấu tranh vì lợi ích quốc gia, vì hoà bình - phát triển và cùng chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu là xu hướng chung của nhân loại. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố có biểu hiện gia tăng. Trong khu vực, các nước lớn tăng cường sức mạnh quân sự và cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt.

Tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông diễn biến phức tạp và rất khó lường. Trong nước, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn và có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo quản lý điều hành nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề trong khi nguồn lực còn hạn hẹp. Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

“Bối cảnh quốc tế và trong nước đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tăng cường đoàn kết nhất trí, chung sức, đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016” - Thủ tướng phát biểu. 

Thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng   Nguyễn Tấn Dũng đã phát động Phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn 2016-2020 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị sau Đại hội này, các ban, bộ ngành, các địa phương; mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, căn cứ chủ đề của Đại hội, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 và tình hình thực tế của mình, phát động mạnh mẽ phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

“Với tinh thần đó, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Hưởng ứng phát động phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự đồng tình cao với chủ đề thi đua: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và những nội dung thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. “Động lực của thi đua là lòng yêu nước của mỗi người Việt Nam, yêu nước thì phải chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hai giải pháp căn bản để phát huy sức mạnh tinh thần và vật chất của nhân dân, của đất nước là đoàn kết và sáng tạo. Hai mục tiêu chính của thi đua là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.

“MTTQ Việt Nam bày tỏ quyết tâm và niềm tin sâu sắc phong trào thi đua mà Thủ tướng Chính phủ vừa phát động với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” sẽ được đồng bào cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài hưởng ứng nhiệt liệt và biến thành hiện thực, vì đất nước Việt Nam thân yêu, vì hạnh phúc của mỗi gia đình và người dân Việt Nam” - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu; đồng thời dẫn lại lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày     11-6-1948: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chẳng những chúng ta có thể thắng lợi, mà chúng ta nhất định thắng lợi trong thi đua ái quốc…”.

“Thi đua cần có mục tiêu cụ thể, thiết thực”
Tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề; tiếp tục đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung và hình thức, phương thức tổ chức, tránh sự nhàm chán, tẻ nhạt.

Đối tượng thi đua cần phải rộng rãi nhưng cũng phải làm rõ ai thi đua với ai, hạn chế tối đa những chênh lệch về năng lực và điều kiện phấn đấu trong thi đua; bảo đảm hài hòa 3 lợi ích: lợi ích của người lao động; lợi ích của tập thể, địa phương, đơn vị; lợi ích của xã hội.
(Trích phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX)

Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX: Những bông hoa tỏa hương, dâng hiến

GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan (Giảng viên cao cấp trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên), “Giải thưởng Kovalevskaia năm 2014; Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh; Giải thưởng Tôn Đức Thắng”

Cống hiến hết mình

“Theo tôi, những thành công mà mỗi chúng ta có được là từ sự nỗ lực của mỗi cá nhân, xuất phát từ trách nhiệm và lòng yêu nghề, từ tâm huyết với cơ quan, với ngành, từ nhu cầu được làm việc, nhu cầu được cống hiến, từ cái suy nghĩ rất đơn giản là: Đã không làm thì thôi, đã làm là làm cho bằng được, làm với chất lượng và hiệu quả cao nhất, sáng tạo nhất mà bản thân mình có thể cố gắng được.

Song, qua mấy chục năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tôi nhận thấy rằng, phần thưởng lớn nhất của tôi chính là đã tham gia đào tạo được nhiều kỹ sư, bác sĩ thú y, thạc sĩ và tiến sĩ chất lượng cao; là những kết quả khả quan mà tôi và cộng sự đã thu được sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và được ứng dụng rộng rãi trong việc phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Từ đó, góp phần phát triển chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con cả nước, đặc biệt là bà con các dân tộc đang sinh sống ở khu vực trung du miền núi phía Bắc”.

Đại úy Sằn A Phật (Phó Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh)

Trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng 

“Ngay sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân năm 2007, được phân công trở về quê hương công tác, tôi thấy thật vinh dự nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Trải qua 7 năm công tác, tôi đã quản lý trên 40 thôn, khe, bản. Với sự nỗ lực của bản thân, tôi đã tranh thủ mọi thời gian, quyết tâm học tiếng để rồi thông thạo 4 thứ tiếng dân tộc thiểu số là: Tày, Hoa, Sán chỉ và Dao. Qua giao tiếp bằng tiếng dân tộc, tôi đã nhanh chóng gần gũi, tạo được thiện cảm, sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào dân tộc với người chiến sĩ công an nhân dân. 

Nắm được nhiều tình hình ở cơ sở, tôi đã tham mưu và góp phần giải quyết nhiều vụ việc phức tạp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi không coi những việc làm trên là thành tích hay chiến công, tôi chỉ biết đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cán bộ, chiến sỹ công an và tôi nghĩ rằng không chỉ riêng tôi mà những người chiến sỹ an ninh khác cũng đang ngày đêm bám bản, bám làng ở các địa bàn vùng sâu, vùng  xa, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng giúp đỡ bà con từng việc nhỏ hàng ngày để góp phần cho bà con có được cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc”.

Bà Đỗ Thị Thúy (Công nhân bậc 6/6, Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định)

Yêu nghề, kiên trì thực hiện công việc

“Là công nhân trực tiếp sản xuất, trong 25 năm qua tôi luôn rèn luyện cho mình thói quen, trước mỗi ca sản xuất thường vào sớm 20 phút để chuẩn bị trang bị bảo hộ lao động, thực hiện nghiêm quy trình giao nhận ca. Muốn phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch và đảm bảo chất lượng sản phẩm, càng đòi hỏi người công nhân đứng máy phải có tay nghề vững vàng, cẩn thận, đồng thời phải cố gắng rất lớn, bền bỉ, dẻo dai. Ý thức được điều này tôi luôn chấp hành đúng quy trình thao tác, quy tắc kỹ thuật, thường xuyên tích cực kiểm tra, xử lý nhanh, chuẩn xác các sự cố. Bản thân tôi cũng như nhiều người công nhân trong mỗi ca sản xuất phải đi bộ trên 10km, phải tập trung cao độ phát hiện, xử lý kịp thời các mối đứt, hoặc tình trạng sự cố của máy… điều này đã trở thành kỹ năng thuần thục trong tôi suốt mấy chục năm qua”.

Em Nguyễn Thế Hoàn - (Sinh viên Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG
Hà Nội - 2 lần đoạt HCV Toán quốc tế)

Từ nước mắt, mồ hôi của cha mẹ đến tấm HCV

“Sinh ra và lớn lên tại vùng đất thuộc quê lúa Thái Bình, em vẫn nhớ như in hình ảnh bố mỗi buổi chiều muộn trở về nhà với những chiếc bánh mì nhỏ chỉ vài trăm đồng cho chúng em. Lớn thêm, em dần nhận ra, chiếc bánh mì đó là một phần bữa trưa của bố, bố để dành mang về làm quà cho em, mặc dù công việc nặng nhọc, mà bữa trưa chỉ lót dạ bằng bánh mì...
Cuối năm cấp II, em quyết tâm đăng ký dự thi vào khối chuyên Toán của trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, nhưng tài chính luôn là một vấn đề lớn đối với gia đình em và việc học tập trên Thủ đô thì dường như là một gánh nặng quá lớn lên đôi vai bố mẹ. Họ đã phải cùng nhau lên Thủ đô, làm những công việc chân chính nhưng nặng nhọc với thu nhập ít ỏi, để cho em có những tháng ngày theo đuổi đam mê. Có lẽ, đối với em, bố mẹ là những người quan trọng nhất cuộc đời, tạo cho em những động lực tuyệt vời nhất. 
Trên con đường chông gai của 3 năm cấp III vất vả, em cũng đã gặt hái được những thành công   mà em gọi đó là những điều ngoài sức tưởng tượng. Đó là những giải Học sinh giỏi Quốc gia, rồi những tấm Huy chương Vàng tại những kỳ thi Olympic Toán quốc tế. Sự thành công đó, không phải đến từ cá nhân em, mà nhờ một tập thể những người đã luôn  ở bên em trong những lúc khó khăn để động viên, chia sẻ và tiếp thêm động lực - đặc biệt là bố mẹ, những người thân yêu nhất của em. Và em sẽ biến những giọt nước mắt, những giọt mồ hôi vất vả đó của bố mẹ thành những tấm huy chương khác trong tương lai”.