Dọa tự tử để phản đối phán quyết của Tòa án coi chừng phải ngồi tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua đã liên tiếp xảy ra vụ việc bị can, bị cáo, đương sự tự tử hoặc dọa tự tử trong và ngoài trụ sở Tòa án nhằm phản đối phán quyết của HĐXX. Trong nhiều trường hợp, điều này không những không mang lại hiệu quả như mong muốn mà cá nhân thực hiện còn có thể bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Theo Luật Tổ chức tòa án, Tòa án là nơi thể hiện công lý, Tòa án có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân – Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Một bản án trước tiên phải đòi hỏi đúng luật, công bằng trên cơ sở pháp luật.

Tuy vậy, vẫn có một số người dân, đương sự, bị cáo chưa thật sự tin tưởng vào hoạt động của Tòa án. Họ tự hủy hoại, sức khỏe, tính mạng của bản thân để phản đối phán quyết của Hội đồng xét xử.

Theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân chưa thật sự tin tưởng vào pháp luật, vào hoạt động tố tụng của Tòa án. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức một số người cầm cân, nẩy mực còn hạn chế nên đã có những phán quyết chưa thực sự công tâm, khách quan.

Trong một số vụ việc, phản ứng gay gắt từ phía bị can, bị cáo, đương sự cho thấy những sai phạm của HĐXX dẫn tới bản án phải xem xét lại, Song, nếu bị can, bị cáo nào cũng dùng chiêu bài tự tử, dọa tự tử để gây sức ép cho HĐXX để được giải quyết vụ án theo ý muốn chủ quan của mình là không thể chấp nhận được. Theo quy định hiện hành, hành vi này sẽ bị xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 318 BLHS 2015 về Tội gây rối trật tự công cộng quy định, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng… thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, các đối tượng có hành vi quá khích có thể bị xử lý hình sự về Tội chống người thi hành công vụ. Điều 330 BLHS 2015 nêu rõ, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội có tổ chức; 2 lần trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên…thì bị phạt tù từ 2-7 năm.