Đổ xô đi tiêm vaccine dịch vụ

ANTĐ - Sau liên tiếp những sự cố liên quan đến tiêm chủng mở rộng thời gian qua, nhiều người dân ở thành thị đổ xô đưa trẻ đi tiêm vaccine dịch vụ. Trong khi đó, tại một số BV và các điểm tiêm chủng mở rộng lại tự ý ngừng tiêm mũi vaccine liều sơ sinh hoặc yêu cầu gia đình trẻ phải ký cam kết trước khi tiêm chủng.

Cần đảm bảo an toàn tiêm chủng để khôi phục niềm tin của người dân

Mất tiền mua sự “an tâm”

Theo ghi nhận của chúng tôi vài ngày gần đây, tại khu vực dịch vụ tiêm vaccine của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ở 131 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), số trẻ đến tiêm chủng tăng đáng kể so với ngày thường. Trong số này có những trẻ ở các quận khác cũng được bố mẹ lặn lội đưa đến đây tiêm chủng chứ không tiêm tại trạm y tế phường nơi cư trú. Bế đứa con vừa tròn 1 tuổi ngồi chờ đến lượt, chị Lưu Thị Ngọc Oanh, ở phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) chia sẻ, chị đưa con đến tiêm mũi vaccine phòng viêm gan A, giá dịch vụ ở đây là 350.000 đồng/mũi. Trước đó, chị cũng đã đưa bé đến đây tiêm mũi vaccine tổng hợp phòng bạch hầu-ho gà-uốn ván-viêm gan B (Hib) với giá 700.000 đồng/mũi, tiêm đầy đủ 3 mũi tổng cộng hết 2,1 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn cho bé uống vaccine phòng tiêu chảy do rota virus, loại này cũng phải uống đủ 3 lần và mỗi lần là 760.000 đồng… 

Giống như chị Oanh, nhiều bà mẹ trẻ cho biết, từ lúc trẻ sinh ra đến 15 tháng tuổi, chỉ tính riêng tiền vaccine dịch vụ mà họ phải chi ra để tiêm cho con đã lên đến gần chục triệu đồng, dù đa số các loại vaccine quan trọng nhất trong năm đầu đời ở trẻ đều nằm trong diện tiêm chủng miễn phí. Chị Oanh tâm sự: “thi thoảng lại có một vụ tai biến tử vong ở trẻ do tiêm chủng khiến tôi rất lo lắng nhưng không đưa đi tiêm vaccine thì cũng lo, vì vậy đành chấp nhận tốn một chút để cho con được tiêm loại vaccine tốt nhất”.

Trước đó, kết quả kiểm tra đánh giá gần 100 điểm tiêm chủng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2013 được Bộ Y tế công bố cho thấy, có nhiều sai sót liên quan đến quy trình tiêm chủng ở các điểm tiêm chủng mở rộng như: 37,1% số nhân viên y tế có kỹ thuật tiêm chưa chuẩn; 27,84% bố trí điểm tiêm chưa hợp lý; tư vấn sau tiêm chủng chưa đầy đủ chiếm gần 29%; sai sót về dây chuyền lạnh bảo quản vaccine chiếm gần 27%; đặc biệt một số trường hợp còn được chỉ định tiêm sai… Thực trạng này càng khiến niềm tin của người dân với công tác tiêm chủng bị lung lay.

Không nhất thiết cứ phải tiêm dịch vụ

Ngày 31-7, trao đổi với báo chí về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, vaccine dịch vụ được sử dụng tại các điểm tiêm chủng tự nguyện chủ yếu là vaccine vô bào hay còn gọi là vaccine thế hệ mới. Loại vaccine này đắt tiền hơn và cũng ít gây ra những phản ứng phụ hơn, do đó nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế đã lựa chọn sử dụng loại vaccine này để “mua” sự yên tâm. Tuy thế không có nghĩa là vaccine giá rẻ, tức loại vaccine thế hệ cũ đang sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là có chất lượng thấp hay không an toàn. 

TS Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, vaccine thế hệ cũ hay vaccine vô bào (dịch vụ) chỉ khác nhau ở chỗ phản ứng phụ nhiều hay ít chứ không khác nhau về tác dụng phòng bệnh. “Phản ứng phụ ở đây là phản ứng nhẹ thường gặp như sốt, sưng tại chỗ tiêm, gây khó chịu cho các bậc cha mẹ sau khi cho con em đi tiêm, chứ không phải là phản ứng gây chết người, tỷ lệ gây phản ứng nặng rất ít. Còn số lượng trẻ tiêm mở rộng gặp tai biến tử vong nhiều hơn số trẻ tiêm vaccine dịch vụ là vì tỷ lệ trẻ đi tiêm chủng mở rộng đông hơn rất nhiều số trẻ được tiêm dịch vụ. Hơn nữa, dù là vaccine thế hệ cũ hay vaccine thế hệ mới thì trước khi được đưa ra sử dụng rộng rãi đều phải trả qua quá trình 5-7 năm, thậm chí hàng chục năm với rất nhiều bước kiểm định, thử nghiệm…, quy trình hết sức chặt chẽ” – ông Bình phân tích.  

Cũng theo TS Nguyễn Văn Bình, tiêm chủng mở rộng nằm trong mục tiêm chủng bắt buộc theo điều 25 của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, được nhà nước bảo trợ tiêm miễn phí cho trẻ. Do đó, các phụ huynh, những người bảo hộ trẻ có trách nhiệm phải đưa con trong diện tiêm chủng đến các địa điểm để tiêm chủng. Khi điều kiện kinh tế đất nước và đời sống nhân dân khá hơn thì có thể hướng tới xã hội hóa công tác tiêm chủng, đẩy mạnh tiêm dịch vụ, song điều quan trọng là phải căn cứ vào tình hình dịch tễ hiện tại của đất nước, của từng địa phương, để có chỉ định cho phù hợp.

Mỗi điểm không tiêm quá 50 trẻ/ 1 buổi

Lý giải về việc tồn tại nhiều sai phạm trong quy trình tiêm chủng, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, do quy định tiêm chủng mở rộng ở mỗi điểm tiêm hiện nay được triển khai trong 1 ngày/ 1 tháng nên số lượng trẻ đi tiêm mỗi buổi rất lớn. Tính bình quân, mỗi điểm tiêm chủng mở rộng của Hà Nội hiện phải tiêm khoảng 138 trẻ mỗi buổi. Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Văn Bình cho biết, qua kiểm tra đánh giá thực trạng tiêm chủng tại 30 địa phương, Bộ Y tế nhận thấy việc tiêm chủng quá đông dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra sai sót nên đã yêu cầu mỗi điểm tiêm chủng mở rộng không tiêm quá 50 trẻ/ 1 buổi tiêm. 

Bắt người nhà ký cam kết trước khi tiêm chủng là sai phạm

Sau sự cố tai biến liên quan đến tiêm chủng tại BV huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), một số BV trên cả nước đã tự ý ngừng tiêm chủng mũi viêm gan B liều sơ sinh cho trẻ, thậm chí có BV ở TP Hồ Chí Minh còn yêu cầu người nhà của trẻ phải ký cam kết trước khi tiêm chủng. Về điều này, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình cho biết, các BV hay các điểm tiêm chủng dừng tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh là sai bởi Bộ Y tế chỉ dừng tiêm 2 lô vaccine gây tai biến ở Quảng Trị, các lô khác vẫn tiêm bình thường. Tương tự, việc yêu cầu người nhà của trẻ ký cam kết tại BV trước khi tiêm chủng là không cần thiết và trái với quy định trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.