Hồ đập miền Trung ồ ạt xả lũ

Đổ vấy cho nhau, chỉ dân chịu thiệt

ANTĐ - Trong vòng nửa tháng gần đây, người dân miền Trung liên tiếp gánh chịu tổn thất nặng nề từ 2 cơn bão có cường độ mạnh, gây lũ lụt khắp nơi. Song, ngoài yếu tố thiên tai, một phần lũ ngập tràn các tỉnh miền Trung hiện nay phải kể đến việc các hồ chứa ồ ạt xả lũ.

Dự báo chưa sát thực tế cùng việc quản lý hồ còn yếu khiến lũ thêm nặng nề

Hàng trăm hồ chứa không đảm bảo an toàn

Thống kê từ Tổng cục Thủy lợi cho thấy, hiện nay, trên cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động. Song, lực lượng quản lý, vận hành hồ còn mỏng, nhiều nơi không có đội ngũ đủ năng lực chuyên môn, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên nhiều hồ đã bị xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ sự cố.

Phần lớn lượng hồ chứa hiện tại nằm dọc các tỉnh miền Trung, nơi gánh tỷ lệ bão, lũ nhiều nhất trên cả nước. Số liệu từ các Chi cục Thủy lợi cho thấy, tại tỉnh Thanh Hóa có 610 hồ chứa, trong đó có đến 92 hồ không đảm bảo an toàn. Còn tại tỉnh Nghệ An có 625 hồ chứa tổng dung tích hơn 387 triệu m3 nước, đa số qua sử dụng trên dưới 40 năm. Hiện có tới 500/625 đập và thành hồ sạt lở, thấm, nứt, có nguy cơ vỡ trong mùa mưa. Tỉnh Hà Tĩnh có 345 hồ chứa, 57 đập dâng với tổng dung tích trên 785,6 triệu m3 nước. Trong đó, 100 hồ chứa và đập nhỏ đã xuống cấp, đặc biệt 17 hồ đập lớn... báo động đỏ...

Tại hầu hết các cuộc giao ban, chỉ đạo đối phó với bão, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng BCĐ PCLB Trung ương Cao Đức Phát đều yêu cầu phải có phương án chủ động xả lũ, tránh trường hợp nhiều hồ cùng xả một lúc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân. Ngoài ra, các đơn vị quản lý hồ cần tính toán, xả lũ trước khi bão về, mưa đến, nhưng gần như chẳng mấy đơn vị thực hiện. Như trường hợp nhà máy thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên Huế), báo cáo xả lũ từ 15h ngày 13-10, nhưng 9h sáng ngày 14-10, đoàn công tác đi kiểm tra vẫn thấy “án binh bất động”. 

Địa phương “tố” khí tượng dự báo kém

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng cho rằng, chúng ta có nhiều hồ chứa nhưng về chất lượng hồ đập, quy trình vận hành và cách vận hành chưa ổn. 

Tuy nhiên, đại diện các địa phương cũng “tố”, một phần của tình trạng xả lũ ồ ạt là do công tác dự báo chưa chuẩn. Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phản ánh, công tác dự báo mưa chưa được chính xác. “Như cơn bão số 10 vừa qua, mưa rất lớn ở Nam Thanh Hóa và Bắc Nghệ An nhưng không dự báo được. Nếu chúng tôi cứ nghe dự báo từ Trung tâm DBKTTV Trung ương thì nguy hiểm quá. Nên tăng cường các trạm quan trắc để công tác dự báo kịp thời và sát hơn”.

Cùng chung nhận định này, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, xảy ra sự cố tràn hồ Vực Mấu, gây ngập nghiêm trọng ở Hoàng Mai và Quỳnh Lưu trong cơn bão số 10 vừa qua là do dự báo mưa chưa chuẩn. Phó Chủ tịch Nghệ An phân trần: “Mưa ở Bắc Nghệ An đo được từ 400-600mm chỉ trong thời gian 10 tiếng, trong khi con số dự báo từ ngành khí tượng thấp hơn nhiều, nên hồ Vực Mấu với dung tích 75 triệu m3 nước bắt buộc phải xả”. Cũng theo ông Đinh Viết Hồng thì con số chênh lệch giữa lượng mưa của Trung tâm DBKTTV Trung ương với số liệu đo thực tế của các hồ đập rất khác nhau. Số liệu đo của Trung tâm DBKTTV Trung ương tại Tĩnh Gia- Thanh Hóa chỉ được 150mm, tại Quỳnh Lưu 388mm, trong khi số liệu từ các hồ đo được là 700-800mm. Ông Bùi Minh Tăng lý giải: “Phải xem xét lại phương tiện đo mưa đã được kiểm duyệt chưa, có đạt tiêu chuẩn Việt Nam hay không. Mọi phương tiện, dụng cụ đo cho dù được nhập khẩu nhưng chưa qua kiểm duyệt thì vẫn chưa xem là đạt chuẩn. Ngoài ra, còn cách lắp đặt, cách đọc chỉ số…”.

Trong khi chưa bên nào nhận là mình có lỗi thì hàng nghìn hộ dân ở Hà Tĩnh- Quảng Bình vẫn đang phải vật lộn trong cơn đại hồng thủy. Với cách “đá bóng” của các ngành cũng như địa phương như hiện nay thì trong tương lai gần, người dân vẫn chưa thể hy vọng thoát khỏi cảnh “nháo nhào chạy lũ”.

Thủy điện xả lũ, dân lại chạy

BCH PCLB tỉnh Nghệ An cho biết, trong 3 ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 11, lượng mưa lớn, kéo dài cộng với việc hồ thủy điện Bản Vẽ xả lũ với tổng lưu lượng từ 300 m3/s đến 1.000 m3/s đã khiến nước sông Lam lên rất nhanh, gây ngập úng ở nhiều vùng thấp, trũng của các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên. Nhiều hồ đập ở tỉnh Nghệ An rơi vào tình trạng báo động, phải đồng loạt xả tràn gây ngập úng ở hạ du. 

Hai đập thủy lợi Cồn Đẻn (dung tích 7.000m3) và Đập Phốp (dung tích 18.000m3) cùng ở xã Thanh Xuân (huyện Thanh Chương) đã bị vỡ vào chiều 16-10. Theo đại diện UBND huyện Thanh Chương, do lượng mưa quá lớn, mực nước tại tất cả các hồ đập ở địa phương đã vượt qua khe tràn. Hai đập bị vỡ ở Thanh Xuân không gây thiệt hại về người nhưng đã làm ngập nhiều hoa màu của người dân.