Đỡ ùn tắc nhờ cầu ghép

ANTĐ - Một tháng sau khi thông xe, 2 cầu vượt tại ngã tư Chùa Bộc - Tây Sơn và Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng đã góp phần đáng kể trong việc làm giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các khu vực này.

“Điểm đen” về ùn tắc giao thông đã được giải quyết tạm thời nhờ cầu vượt lắp ghép 

(Ảnh chụp tại cầu vượt ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc 17h30 ngày 25-5)


Giao thông cải thiện đáng kể 

Khi chưa có cầu vượt, nút giao thông Chùa Bộc - Tây Sơn và Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng bị coi là “điểm đen” về ùn tắc giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm. Theo chị Vũ Thu Trang, sống tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân: từ ngày thông cầu, ùn tắc giảm đáng kể. Anh Phan Đăng Trung - người thường xuyên đi qua nút giao thông Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Hiệu quả của 2 cây cầu có thể thấy rõ vào các giờ cao điểm buổi sáng, mặc dù vẫn có những thời điểm lượng phương tiện tham gia trên cầu bị ùn ứ.

Việc xây dựng cầu lắp ghép là phù hợp với thực trạng hệ thống giao thông Hà Nội, có thể tiết kiệm kinh phí vì cầu lắp ghép có thể tái sử dụng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu luồng giao thông để chọn địa điểm tiếp tục xây cầu vượt cho thích hợp, tránh tạo nên những nút thắt cổ chai”…

Có thể thấy, so với các cầu vượt bê tông kiên cố với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng thì hai cầu ghép vừa hoàn thành tiết kiệm được ít nhất 60 - 70% tổng vốn đầu tư. Đặc điểm công nghệ chính của cầu là có kết cấu bằng cọc thép, phần thân trụ, xà mũ cũng được làm toàn bộ bằng kết cấu thép, thời gian thi công nhanh, dễ tháo, lắp và có thể sử dụng lại các cấu kiện, hoặc điều chỉnh kết cấu trong trường hợp cần điều chỉnh quy hoạch. Từ hiệu quả thực tế trên, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận xây dựng thêm hàng loạt cầu tại các nút giao thông: Cầu vượt tại nút giao đường Nam Hồng trên tuyến đường Mai Dịch - Nội Bài, một loạt cầu vượt kết cấu thép tại các nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, Bạch Mai - Lê Thanh Nghị, Nguyễn Chí Thanh - Láng. 

Chỉ là giải pháp tình thế 

Ngoài những ưu điểm nổi trội, một số ý kiến đã đưa ra những điểm hạn chế của cầu vượt lắp ghép: Kích thước nhỏ, dễ bị ùn tắc tại hai đầu cầu, không đảm bảo yếu tố thẩm mỹ. “Tôi thấy cầu lắp ghép nhỏ quá, chỉ sợ một thời gian ngắn nữa, ô tô xe máy lại chen chúc nhau qua cầu. Lúc đó giao thông có khi còn hỗn loạn hơn. Bên cạnh đó, phương tiện giao thông chính mà chúng ta hướng tới là xe buýt lại không được đi trên cầu nên nguy cơ gây ùn tắc cho những làn đường phía dưới là không nhỏ” - anh Lê Hải Nam ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa lo ngại.

Theo Thạc sỹ - kỹ sư Nguyễn Xuân Đạt, Công ty liên doanh Tư vấn đường sắt đô thị, việc xây dựng cầu vượt lắp ghép là giải pháp tình thế trong tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng và kinh tế khó khăn hiện nay. Do có giá thành rẻ, nên đến một thời điểm nào đó nếu những cây cầu này buộc phải phá đi thì cũng không lo bị lãng phí bởi coi như đã “hết khấu hao”. Không thể phủ nhận, giải pháp xây dựng cầu vượt lắp ghép có hiệu quả không nhỏ, nhưng có cũng bộc lộ một số tồn tại. Cầu vẫn hạn chế lượng xe đi lại, các xe tải trọng lớn không được đi trên cầu, gây xung đột với các luồng phương tiện ở bên dưới. Để khắc phục tình trạng này, ngày 8-5, cây cầu lắp ghép thứ 3 ở Hà Nội qua nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - đường Láng chính thức được khởi công, với vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng. So với hai cây cầu trước, cây cầu này rộng gấp đôi - 16m, dành cho 4 làn xe chạy hai chiều.

Cũng theo kỹ sư Nguyễn Xuân Đạt, do hiện vẫn chưa có quy hoạch giao thông nên phải làm cầu vượt để giải quyết tình thế. Trong tương lai, nếu xây dựng đường trên cao, đường tàu điện trên cao thì có thể phải phá dỡ các cầu vượt. “Tuy vậy, song song với việc khai thác những cây cầu này, chúng ta cần làm đúng quy hoạch giao thông, như xây dựng cầu vượt phải đảm bảo thông toàn tuyến và mỹ quan đô thị”, ông Đạt nói.

Có một điều mà nhiều người dân quan tâm là tuy hiện nay khu vực dưới các gầm cầu vượt lắp ghép còn khá thông thoáng nhưng không ai dám chắc đến một lúc nào đó chúng sẽ bị tận dụng làm bãi trông giữ xe rồi lại rơi vào tình trạng nhếch nhác, mất mỹ quan, không đảm bảo vệ sinh, an toàn về phòng chống cháy nổ. “Cầu vượt giao thông có vai trò quan trọng để giải quyết vấn đề ùn tắc, phân luồng  phương tiện tại các nút giao thông. Tuy nhiên, việc xử lý cảnh quan dưới gầm cầu vượt cũng có tác dụng tích cực để cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Không gian gầm cầu vượt cần được tổ chức không gian xanh, vườn hoa” - chị Lê Hải Thanh - nhân viên ngân hàng ở quận Tây Hồ mong muốn.

Nên dừng lại ở thí điểm

Xét về cục bộ việc xây dựng cầu vượt đã có hiệu quả vì nó giúp giảm bớt xung đột, nâng cao năng lực thông hành của các phương tiện. Tuy nhiên, cần phải đánh giá tác động của nó với các nút giao lân cận.

Còn về ý kiến cho rằng, xây cầu vượt phá vỡ cảnh quan đô thị, theo tôi, những cây cầu này nếu duy trì được vệ sinh môi trường sạch sẽ thì không phải là xấu vì cấu trúc của nó cũng không đến nỗi quá nặng nề và thô kệch đến nỗi phá vỡ cảnh quan. Nếu được thiết kế khéo và có chút thẩm mỹ thì nó cũng sẽ trở thành công trình tô điểm cho thành phố Hà Nội và cảnh quan của không gian nút.

Hà Nội đang xây dựng thêm một số cây cầu vượt nhẹ khác song, tôi vẫn lo tính chất giao thông mạng lưới của nó mang lại. Nếu không có mô hình giao thông tốt để đánh giá thì việc chúng ta xử lý được những nút bên ngoài sẽ dễ dẫn đến ùn tắc vào sâu trong nội thành, đây là điều tôi lo ngại nhất hiện nay. Tôi cho rằng, việc xây dựng các cây cầu vượt nhẹ cũng giống như hành động bịt ngã tư, chỉ nên dừng lại ở mức thí điểm. Làm thử vài cái ở những vị trí nóng nhất, sau đó đánh giá tác động tổng thể rồi mới làm thêm.

Ông Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT - trường Đại học GTVT

Đường thông thoáng hơn nhiều


Rõ ràng cầu vượt đã giúp giảm ùn tắc rất nhiều, mà cảnh quan cầu cũng khá đẹp, thoáng. Trước kia tôi không bao giờ đi thể dục qua ngã tư này vì bụi, khói. Bây giờ, hàng ngày tôi đi bộ thể dục qua đây thấy thông thoáng hơn. Tôi cho rằng Thủ đô cần tiếp tục xây những cầu lắp ghép để giải quyết ngay ùn tắc ở những nút có mật độ phương tiện cao, thậm chí phải tiến hành xây đường sắt, đường bộ trên cao. Rõ ràng, kết cấu hạ tầng giao thông yếu kém là nguyên nhân chính của ùn tắc. 

Ông Khổng Vũ Thoan (Phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa)