Đỗ tốt nghiệp THPT trên 99%: Lo không thực chất

ANTĐ - Ngày 17-6, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT thông báo sơ bộ về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, theo đó tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay cao hơn năm 2013 với hơn 99%. Các chuyên gia giáo dục lo ngại về tính thực chất của kết quả trên.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao vẫn luôn gây tranh cãi về việc có nên bỏ thi tốt nghiệp hay không

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần đạt tuyệt đối

Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này, thống kê tỷ lệ tốt nghiệp của 46 tỉnh, thành phố trên cả nước với giáo dục THPT là 99,01% (năm 2013 là 98,97%); giáo dục thường xuyên là 86,97% (năm 2013 là 78,08%). Như vậy, kết quả sơ bộ cho thấy tỷ lệ đỗ năm nay cao hơn. Nhiều tỉnh có tỷ lệ đỗ cao như Quảng Bình với 99,32%; Bến Tre 99,67%; Sóc Trăng 99,59%; Quảng Ngãi 98,48%; Lâm Đồng 98,83%...

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, kỳ thi đã bước đầu giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, trở nên nhẹ nhàng hơn, do đó đã nhận được sự đồng thuận chung của xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện lộ trình đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, với nhiều chuyên gia giáo dục, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như vậy lại phản ánh khía cạnh khác. PGS Văn Như Cương, trường THPT Lương Thế Vinh nhớ lại, khi nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân thực hiện đổi mới giáo dục thì kết quả tốt nghiệp THPT chỉ đạt dưới 70%. Tỷ lệ này được đánh giá là phản ánh đúng thực chất. Ngay cả Hà Nội, cách đây khoảng 10 năm cũng chỉ có vài trường THPT đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%. Tỷ lệ này năm nay có tới 92 trường trên tổng số 230 trường.

 

Không phủ nhận rằng, năm nay Bộ GD-ĐT đã có nhiều đổi mới về đề thi theo hướng tăng cường câu hỏi đòi hỏi vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết vấn đề thay vì chỉ ghi nhớ, trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Học sinh cũng tránh được rủi ro trong thi cử vì được sử dụng kết quả học tập vào xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo ngại là vẫn xảy ra tình trạng “tháo khoán” cho học sinh ở một số hội đồng thi được ghi lại trong các clip công khai trên trang mạng xã hội. Đấy là chưa kể tới khả năng có phần “nới rộng” kết quả đánh giá, kiểm tra trong năm lớp 12 của các thầy cô để “giúp” học sinh đỗ tốt nghiệp.

Có nên bỏ thi tốt nghiệp?

Trước tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao, PGS Văn Như Cương cho rằng tổ chức một kỳ thi vất vả, tốn kém mà chỉ để loại vài chục thí sinh thì quá lãng phí sức người, sức của. “Nên xét tốt nghiệp cũng là một ý kiến hay bởi nếu để nhà trường tự xét thì tỷ lệ tốt nghiệp không phải là tuyệt đối vì thầy cô biết được sức học của học sinh như thế nào” - PGS Văn Như Cương nhận định. Tuy nhiên, phân tích ở góc độ khác, PGS.TS Lê Trọng Thắng, ĐH Mỏ-Địa chất cho rằng: “Nếu không tổ chức thi tốt nghiệp thì học sinh sẽ không học. Tuy nhiên, tổ chức thi thế nào để phản ánh đúng thực chất mới là điều quan trọng”.

Đặt vấn đề về việc có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT với tỷ lệ đỗ gần 100% như hiện nay hay không, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GD-ĐT không đặt mục tiêu thi đỗ tốt nghiệp THPT bao nhiêu phần trăm mà là xác định xem học sinh đáp ứng như thế nào với yêu cầu kiến thức kỹ năng cơ bản. “Kỳ thi này không phải để chọn ra bao nhiêu học sinh đỗ, bao nhiêu học sinh trượt. Mục đích của kỳ thi là để quay trở lại tác động đến việc dạy học ở bậc phổ thông. Vì vậy, việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là phương án Bộ GD-ĐT chưa tính đến trong năm học tới” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng cho rằng việc tiến tới kỳ thi quốc gia duy nhất không có nghĩa là bỏ một trong hai kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh ĐH, CĐ. Và có một điều chắc chắn đó là sẽ không bao giờ bỏ kỳ thi tốt nghiệp dù có nhiều dư luận cho rằng với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như hiện nay thì kỳ thi này không có nhiều ý nghĩa trong việc đánh giá học sinh.

Đầu vào thấp, một trường ở Hà Nội chỉ có 30% học sinh đỗ tốt nghiệp

Với 94 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay, trường THPT Phú Bình, có hai cơ sở đặt ở huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai, Hà Nội chỉ có chưa tới 30 em đỗ tốt nghiệp. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đây là trường có đầu vào học sinh thấp so với mặt bằng chung nên tỷ lệ đỗ tốt nghiệp phản ánh đúng thực chất. Được biết, đây cũng là một trong số 15 trường THPT ngoài công lập ở Hà Nội nằm trong danh sách các trường có thể không được giao chỉ tiêu do không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào.