Lập lại trật tự hành lang đường bộ:

Đổ tiền tỷ có an toàn?

ANTĐ - Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) cùng tiến trình cụ thể giao các bộ, ngành địa phương thực hiện. Song, đã qua 2 giai đoạn mà tình trạng vi phạm HLATĐB lại diễn biến phức tạp hơn.

Cần 713.000 tỷ đồng để giải tỏa

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1856/QĐ-TTg (năm 2007) lập lại trật tự HLATĐB trên tất cả các tuyến quốc lộ. Tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã vạch rõ nhiệm vụ cụ thể từng giai đoạn mà các bộ, ngành cũng như UBND các tỉnh, thành phải thực hiện.

Nếu đúng như tiến trình Thủ tướng giao, giai đoạn 3 đã bắt đầu hơn 1 năm, nhưng đến nay, không ít tỉnh, thành vẫn chưa xong giai đoạn 2.

Ông Phạm Minh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&ATGT - Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tình trạng vi phạm HLATĐB ngày càng đa dạng, phức tạp, ngoài lấn chiếm, xây dựng trái phép nhà ở, lều quán, còn xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư bám dọc các tuyến đường bộ, dẫn đến tình trạng đô thị hóa các tuyến đường bộ, phá vỡ quy hoạch phát triển, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng số vụ tai nạn và gây ùn tắc giao thông.

713.000 tỷ đồng là số tiền khổng lồ để lập lại trật tự HLATĐB

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các tồn tại là do sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất trong thực hiện các quy định của pháp luật. “Một số địa phương cho phép xây dựng các công trình trong HLATĐB, kể cả những tuyến tránh đô thị”, ông Tâm nói. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chậm trễ ở các địa phương là do thiếu kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng.

Báo cáo của 4 Khu và 30 Sở GTVT cho thấy, diện tích sử dụng đất trong HLATĐB cần giải tỏa là gần 99,6 triệu m2, trong đó đất hợp pháp hơn 80,5 triệu m2, đất lấn chiếm hơn 10 triệu m2 và đất cấp sai là hơn 1,15 triệu m2. Dự kiến số tiền cần để lập lại trật tự HLATĐB từ nay tới năm 2020 là 713.000 tỷ đồng. Song nhiều ý kiến cho rằng, để có từng ấy kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước là không khả thi.

Lo ngại tái lấn chiếm

Theo ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An- giai đoạn III của kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB tốn nhiều tiền và phức tạp nhất khi phải thực hiện đền bù, giải toả xong HLATĐB, các công trình ảnh hưởng đến an toàn đường bộ trên toàn quốc. Nếu cần 713.000 tỷ đồng cho công tác này thì từ nay đến năm 2020, mỗi năm phải chi 70.000 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ, nếu trách nhiệm thực hiện giai đoạn III giao cho địa phương thì địa phương không làm được vì không có tiền. Vì vậy, ngành GTVT cần có lộ trình và kế hoạch thực hiện phù hợp với nguồn kinh phí từ Chính phủ, bộ, ngành.

Trong quá trình thực hiện lập trật tự HLATĐB đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai tại các địa phương. Như nhiều nơi cấp sổ đỏ trong HLATĐB, hay nhiều dự án nâng cấp đường bộ, chủ đầu tư không đền bù phần đất HLATĐB…

Nhận định về tình hình vi phạm HLATĐB, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ II cho rằng, vi phạm HLATĐB diễn ra trên tất cả các tuyến quốc lộ với mức độ đa dạng, phức tạp. Đặc biệt, cùng với tốc độ đô thị hóa thì vi phạm HLATĐB diễn ra ngày càng lớn và phức tạp hơn. Ông Sơn cho biết: “Nhiều địa phương không xác định được trách nhiệm của mình, coi việc lập lại trật tự HLATĐB là trách nhiệm riêng của ngành giao thông”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Hiền - Phó Tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ VII nêu ý kiến, hiện khu này được giao quản lý 19 quốc lộ trên 20 tỉnh, thành, đã rà soát được hơn 4.300 trường hợp vi phạm, chuyển hồ sơ đến các địa phương để ra quyết định cưỡng chế, giải tỏa, nhưng đến nay, vẫn chưa có địa phương nào ra quyết định. Bởi vậy, việc giải tỏa của đơn vị phải tạm ngừng. Dù tại NQ 32/2007/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ đã quy định cụ thể, xử lý kỷ luật chủ tịch UBND cấp huyện, xã nếu để tái lấn chiếm HLATĐB, song tình trạng tái lấn chiếm vẫn xảy ra phổ biến.