Đổ tiền hiện đại hóa quân đội bảo vệ vùng biển

ANTĐ - Việc Hạ viện Philippines thông qua quyết định chi ngân sách quốc phòng năm 2016 của nước này tăng thêm hơn 500 triệu USD, cho thấy tác động tiêu cực từ tình hình căng thẳng trên Biển Đông. 
Đổ tiền hiện đại hóa quân đội bảo vệ vùng biển	 ảnh 1

Tàu tên lửa Maestrale của Italia mà Philippines muốn mua

Theo RFI, mục tiêu của động thái này là nhằm tăng cường năng lực phòng thủ biển của Philippines trong bối cảnh đối đầu giữa Manila với Bắc Kinh trên Biển Đông tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Khoản ngân sách quốc phòng với 25 tỷ peso (gần 530 triệu USD) sẽ được Manila sử dụng vào việc mua thêm chiến hạm, phi cơ trinh sát và radar để cải thiện năng lực bảo vệ vùng biển của Philippines.

Với tư cách là các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc và Philippines trong những năm vừa qua liên tục có các hành động đối đầu như việc Trung Quốc bao vây bãi Cỏ Mây hiện Philippines đang chiếm đóng, hay trước đó là tranh chấp xung quanh bãi cạn Scarborough. Trong bối cảnh tình hình căng thẳng như vậy, Philippines cho rằng sức mạnh quân sự của mình còn khá hạn chế. Tổng thống Philippines B. Aquino từng thừa nhận: “Một số người đã mô tả không quân của chúng ta là chỉ có toàn “không” mà không có “quân”. 

Trên thực tế, trong khi Trung Quốc liên tục đóng và hạ thủy tàu chiến mới, thì hải quân Philippines vẫn duy trì các tàu chiến cũ, có hỏa lực yếu. Theo một bản báo cáo của Viện Hải quân Mỹ, Hải quân Trung Quốc hiện có 77 tàu chiến mặt nước, hơn 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ và khoảng 85 tàu chiến nhỏ có trang bị tên lửa. Trong khi đó, Hải quân Philippines chỉ có khoảng 100 tàu các loại, nhưng số đông đều đã “cao tuổi”, hỏa lực vừa phải. Chẳng hạn như đội tàu hộ tống của Hải quân Philippines có tàu hạ thủy từ thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai cách đây hơn 70 năm, trang bị hỏa lực thì vẫn là pháo hạm điều khiển bằng tay. 

Chính vì thế mà trong thời gian gần đây, Philippines cố gắng củng cố và tăng cường tiềm lực quân sự của mình. Philippines đã đặt hàng các tàu tuần tra, máy bay chiến đấu, máy bay vận tải và máy bay trực thăng tấn công mới. Tổng thống B. Aquino tiết lộ, trong năm nay, nước này sẽ tiếp nhận 21 chiếc trực thăng UH-1H, 4 chiếc trực thăng chiến đấu, súng trường, súng cối và máy sản xuất đạn mà chính phủ đã đặt mua. Ông cũng nói thêm rằng 10 chiếc máy bay trực thăng tấn công, 2 chiếc trực thăng hải quân, 2 chiếc máy bay hạng nhẹ, 1 chiếc tàu chiến và thiết bị bảo vệ lực lượng không quân sẽ được chuyển giao trong năm tới. 

Không chỉ vậy, theo kế hoạch, sắp tới Hải quân Philippines sẽ có nhiều tỷ USD trong chương trình hiện đại hóa quân đội để mua tàu tuần tiễu cao tốc, máy bay hải quân, thiết bị thông tin liên lạc hiện đại, phương tiện cứu hộ, nâng cấp căn cứ, xây dựng cơ sở huấn luyện. Song song với quá trình đó, Philippines tiến hành loại bỏ các tàu chiến, phương tiện cũ. 

Đi liền với việc tăng cường tiềm lực quân sự, Philippines còn tìm cách đẩy mạnh mối quan hệ liên minh quân sự chiến lược với Mỹ, gây dựng và tăng cường hợp tác về chính trị, kinh tế và cả về an ninh và quân sự với những nước khác ở trong và ngoài khu vực, tìm cách cải thiện quan hệ quốc phòng với các quốc gia phương Tây. 

Nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng, Philippines hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh là để duy trì thế cân bằng về quân sự trong khu vực. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy một xu hướng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là tăng cường chi tiêu quốc phòng. Một bản báo cáo mới đây của chuyên san quốc phòng Mỹ IHS Jane dự kiến chi phí quốc phòng toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng từ 435 tỷ USD lên thành 533 tỷ USD trong năm 2015 sắp kết thúc. Còn theo các chuyên gia phân tích, căng thẳng gia tăng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, đã đưa các kế hoạch hiện đại hóa quân đội lên hàng ưu tiên trong chính sách của nhiều nước.