Đô thị xanh, văn hiến, văn minh

(ANTĐ) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đây là bản quy hoạch đặc biệt quan trọng, được xem là “khung” phát triển kinh tế - xã hội cho Hà Nội trong vòng gần 20 năm tới.

Năm 2030: Chạm ngưỡng 9 triệu dân
Mục tiêu của quy hoạch nhằm xây dựng, phát triển Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, đảm bảo thực hiện chức năng là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ, giao thương và kinh tế lớn của cả nước. Đồng thời, bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của Thủ đô nghìn năm văn hiến, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam...

Đáng chú ý, về kinh tế, quy hoạch đề ra tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ    2011-2015 đạt 12-13%/năm; thời kỳ 2016-2020 đạt khoảng 11-12% và thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 9,5-10%. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của Hà Nội đạt 4.100 - 4.300 USD/năm; đến năm 2020 đạt khoảng 7.100 - 7.500 USD/năm, năm 2030 đạt khoảng 16.000 - 17.000 USD/năm. Về xã hội, quy mô dân số đến năm 2015 sẽ đạt 7,2 - 7,3 triệu người; năm 2020 khoảng 7,9 - 8,0 triệu người và đến năm 2030 khoảng 9,2 triệu người. Hà Nội cũng tập trung giải quyết vấn đề lao động, việc làm, phấn đấu trung bình mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 135 - 140 nghìn người giai đoạn 2011-2015 và tăng lên 155 - 160 nghìn người giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 55% vào năm 2015 và 70-75% vào năm 2020.

Quy hoạch cũng chỉ rõ, TP Hà Nội sẽ tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, đến giai đoạn 2015 -2020 đưa vào vận hành ít nhất 2 tuyến đường sắt đô thị. Đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 35-45% nhu cầu đi lại của nhân dân. Hà Nội cũng sẽ phải nâng diện tích nhà ở lên 23 - 24m2/người vào năm 2015 và 25 - 30m2/người vào năm 2020 (tính trung bình cả khu vực đô thị và nông thôn).

Hà Nội cần tới 180-190 tỷ USD
Đô thị Hà Nội, theo định hướng của bản quy hoạch là một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại và có bản sắc trên nền tảng phát triển bền vững. Không gian đô thị Hà Nội sẽ được tổ chức theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp với trục hướng tâm, có mối liên kết với giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh. Cụ thể, Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc (có chức năng chính về khoa học - công nghệ và đào tạo); Sơn Tây (đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng); Xuân Mai (dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề); Phú Xuyên (công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa) và Sóc Sơn (phát triển dịch vụ, khai thác cảnh quan).

Đặc biệt, bản quy hoạch cũng chỉ ra, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống các trung tâm công cộng hiện có như trung tâm hành chính - chính trị quốc gia đặt tại Ba Đình, trung tâm hành chính - chính trị của thành phố đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Yếu tố xanh cũng được nhấn mạnh khi quy hoạch nêu rõ, khu vực ngoại thành sẽ hình thành các vành đai cây xanh gắn với phát triển các công viên sinh thái quy mô lớn. Quy hoạch cũng yêu cầu Hà Nội phát triển các vùng rau, hoa cây cảnh cao cấp, thực phẩm sạch, nhân rộng các mô hình các khu nông nghiệp công nghệ cao đã và đang hình thành tại Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh cũng như xác lập các khu du lịch sinh thái quy mô lớn tại khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Hương Sơn - Quan Sơn...

Cũng theo quy hoạch, nhu cầu vốn để phát triển kinh tế xã hội Hà Nội trong 20 năm tới được ước tính với những con số khổng lồ. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2011-2015 là từ 1.400 - 1.500 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế (tương ứng khoảng 69-70 tỷ USD) và khoảng 2.500 - 2.600 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 110-120 tỷ USD) thời kỳ 2016-2020.