Đỡ tắc đường, nhưng mệt phờ cơm nước

ANTĐ - Nhiều người dân đã phải chấp nhận những thay đổi không nhỏ về thói quen sinh hoạt trong ngày đầu tiên đổi giờ học, giờ làm. Có khá nhiều phản ứng khác nhau nhưng mong muốn chung vẫn là có thể giảm được ùn tắc giao thông.

Giờ tan trường, quán ăn gần cổng trường Kim Liên chật cứng học sinh

Trưởng phòng, hiệu trưởng đều... ra cổng

Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện đổi giờ học, một trong những lo ngại lớn nhất của các trường học là tình trạng ùn tắc vào thời điểm giao ca giữa sáng và chiều cũng như vào cuối giờ khi các trường THCS, tiểu học đều cùng tan học vào 17h. Đây là lý do khiến phần lớn các hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục đều phải túc trực ở cổng trường để theo dõi và trực tiếp can thiệp nếu xảy ra tình trạng này. 12h15 tại cổng trường THCS Giảng Võ, một phụ huynh có con học ở đây cho biết, mặc dù trường, có tới 3 cổng cho học sinh ra vào nhưng đường đi xung quanh khu vực trường vẫn ùn tắc bởi nhiều phụ huynh đưa đón con bằng xe ô tô. Tình trạng này lại tái diễn vào 17h khi trường Tiểu học Kim Đồng cùng nằm trong khu vực này cũng tan học cùng thời điểm. “Chưa khi nào lại thấy thầy hiệu trưởng và trưởng phòng GD-ĐT quận đích thân đứng giám sát ở cổng trường như vậy” - một giáo viên trường THCS Giảng Võ cho biết.

Về tình trạng này, ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình cho biết, lãnh đạo phòng đã phải bố trí người kiểm tra tại tất cả các điểm trường có số lượng học sinh lớn như Giảng Võ, Phan Chu Trinh, Thăng Long... “Có hiện tượng ùn tắc do thời gian giao ca giữa ca sáng và chiều hơi gấp trong khi những trường này có số lượng học sinh đông. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của CAP và lực lượng dân phòng nên tình trạng ùn tắc không nghiêm trọng”, ông Hùng nói. Được biết, tình trạng này cũng xảy ra ở một số trường trên các địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng do trường chỉ có 1 cổng nhưng số lượng học sinh đông lại đến và về cùng một thời điểm.

Giáo viên muộn giờ dạy vì tắc đường

Một trong những tình huống hi hữu đã xảy ra hôm qua tại một trường THCS ở quận Đống Đa khi hàng loạt giáo viên báo về trường không thể đến dạy học đúng giờ tiết 1 vì bị tắc đường. Nguyên nhân là do ngày đầu tiên khối THCS chuyển giờ học từ 7h30 xuống 8h sáng. Đây cũng là thời điểm cán bộ công chức đi làm nên ở các khu đông dân cư như khu tập thể cũ học sinh, giáo viên và người dân phải chen lấn nhau để đi học và đi làm.

“Tôi phải mất ít nhất 15 phút để vào được trường vì ùn tắc cả đoạn đường từ Nguyễn Lương Bằng rẽ vào Hồ Đắc Di. Đây là ngày đầu tiên đổi giờ nên học sinh đi học cũng đúng thời điểm người dân khu tập thể Nam Đồng đi làm nên ùn tắc khá nghiêm trọng. 8h vào tiết học đầu tiên nhưng chỉ có hơn 20 giáo viên vào được trường, còn lại đều bị muộn mất 5, 10 phút vì không lường trước tình hình” - một giáo viên quận Đống Đa cho biết.

Phụ huynh chờ con tan trường trong tiết trời tối, lạnh

Phụ huynh lo con đói

Em Nguyễn Khắc Toàn, học sinh trường THPT Đống Đa cho biết, lần đầu tiên phải học cho đến khi trời tối nên cũng thấy khá sốt ruột và khổ hơn nữa là bụng cứ réo ùng ục vì... đói. “19h tối mới tan học từ trường về đến nhà mất hơn 30 phút đi xe đạp, vậy ít nhất 8h em mới được ăn tối trong khi đó bữa trưa vẫn phải đúng giờ sinh hoạt chung của cả gia đình là 12h, thế thì làm sao mà không đói cơ chứ”- Toàn cho biết. Lo con đói là một trong những nỗi băn khoăn của rất nhiều phụ huynh khi nhà trường đổi giờ học. Chị Nguyễn Thu Hương có con học tại trường THPT Thăng Long cho biết: “Chắc chắn là cu cậu nhà mình không thể chịu nhịn được đến bữa tối rồi, kiểu gì thì cũng phải làm bát mỳ hay mấy cái bánh ở căng tin nhà trường. Thế là giờ lại phát sinh thêm khoản quà chiều”. Đây cũng là tình trạng chung của các gia đình có con đang học bậc THPT khi theo quy định trường chỉ tan học sau 19h. “Cả gia đình có bữa tối là đông đủ nhất, giờ thì có muốn cũng khó sắp xếp được vì chẳng mấy gia đình nào có con nhỏ, bố mẹ già lại chờ được đến 20h mới ăn tối. Mà ăn như thế cũng không tốt cho sức khỏe” - chị Hương băn khoăn.

“Trong khi mọi nhà ăn bữa trưa thì học sinh THCS vẫn phải ngồi học” - cô P.T.Hà, giáo viên trường Đống Đa cho biết. Thông thường học sinh THCS sẽ về trước 12h trưa, tuy nhiên do học muộn lại 30 phút buổi sáng nên các em sớm nhất cũng phải 12h15 mới hết tiết 5. “Học sinh nào nhà xa thì chắc chắn lại nhỡ bữa cơm trưa với gia đình hoặc cả nhà sẽ phải ăn cơm trưa muộn trong khi vẫn phải đảm bảo giờ làm buổi chiều” - cô Hà lo lắng khi bản thân cũng có tới vài ngày phải dạy đến hết tiết 5 mới được về chuẩn bị cơm trưa cho các con - “Chỉ mong là những thay đổi này góp phần hạn chế được tắc đường chứ không thì...”.