Đo nồng độ cồn bằng lõi cuộn giấy vệ sinh

ANTĐ - Trung bình mỗi ngày, nước Mỹ có khoảng 30 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác. Còn ở Việt Nam, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm. Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Việt Nam, mỗi năm, nước ta có khoảng 43% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người tử vong có liên quan đến sử dụng thức uống chứa cồn. Mới đây, một học sinh 13 tuổi, người Mỹ gốc Ấn Độ đã phát minh ra thiết bị có thể giúp nhà chức trách làm thay đổi số liệu đáng buồn trên.
Đo nồng độ cồn bằng lõi cuộn giấy vệ sinh ảnh 1

Thử sức để thay đổi

Krishna Reddy (ảnh), một học sinh 13 tuổi đến từ Wichita, bang Texas (Mỹ), đã quyết định mang thiết bị của mình tới Cuộc thi Young Scientist Challenges (tạm dịch: Thử thách dành cho nhà khoa học trẻ), nơi kết nối và chắp cánh ước mơ khoa học cho các thanh thiếu niên có niềm đam mê khoa học, do kênh truyền hình Discovery Education và 3M tổ chức. Với phát minh “Thiết bị đo nồng độ cồn làm từ lõi giấy vệ sinh” của mình, Krishna Reddy đã lọt vào top 10 “các nhà khoa học trẻ” trong vòng chung kết sẽ diễn ra vào ngày 12 và 13-10. 

Ban giám khảo cuộc thi cho biết, thiết bị của Krishna Reddy tuy rất đơn giản nhưng hiệu quả không kém những thiết bị tiên tiến mà Chính phủ Mỹ trang bị cho lực lượng cảnh sát giao thông. Theo kế hoạch của nhà chức trách Mỹ, trong vòng 5 năm tới, sẽ lắp đặt cảm biến trong tất cả phương tiện lưu thông trên khắp 50 bang của nước này và sử dụng công nghệ chiếu tia hồng ngoại để đo nồng độ cồn qua da ở đầu ngón tay. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để triển khai công nghệ này rất tốn kém, đồng thời cũng khó thực thi trong vòng 5 năm.

Chỉ cần lõi giấy vệ sinh

Theo Krishna Reddy, thiết bị đo nồng độ cồn của em gồm 3 phần chính: một máy ảnh kỹ thuật số, một chiếc đèn flash có khả năng chiếu sáng tốt và điều quan trọng nhất nhưng rất dễ kiếm là lõi cuộn giấy vệ sinh. Thiết bị này không chỉ sử dụng để đo nồng độ cồn hoặc các chất kích thích mà còn phát hiện được liệu người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng thuốc ngủ, thuốc giảm đau hay không. Nó thu kết quả bằng cách phân tích phản xạ của đồng tử trong mắt người với ánh sáng.

Khi một người được kiểm tra có uống rượu, bia hoặc sử dụng thuốc giảm đau, đồng tử trong mắt họ sẽ co lại. Còn nếu người đó sử dụng LSD (một loại ma túy gây ảo giác cực mạnh) hoặc cocaine thì đồng tử sẽ giãn ra. Khi bật đèn flash, người sử dụng thiết bị này sẽ dùng lõi cuộn giấy vệ sinh để hướng ánh sáng vào đồng tử, rồi sử dụng máy ảnh kỹ thuật số để ghi lại quá trình co giãn của đồng tử. Reddy đã viết một phần mềm để xử lý thông tin có được trong quá trình kiểm tra.

Reddy chia sẻ,  em hy vọng thiết bị này sẽ giúp phát hiện được những lái xe có sử dụng rượu, bia, chất kích thích nhằm giảm những vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Nếu thắng giải trong cuộc thi chung kết, Krishna Reddy có thể nhận được 25.000 USD để phục vụ cho con đường học hành và nghiên cứu khoa học sau này của em.