Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012:

Đỏ mắt chờ thí sinh

ANTĐ - Đến thời điểm này vẫn có nhiều trường công lập thông báo tuyển sinh đợt 3, thậm chí đợt 4 khiến nhiều trường dân lập tỏ ra vô vọng trong việc chờ đợi thí sinh đến nhập học dù vẫn còn hơn 1 tháng nữa thời hạn kết thúc mùa tuyển sinh năm nay.

Nhiều trường đại học xếp hàng mong thí sinh vào học

Công lập chờ thí sinh, dân lập “hết cửa”

Đến thời điểm này, nhiều trường công lập vẫn tiếp tục ra thông báo tuyển sinh đợt 3, 4. Nguyên nhân là còn rất nhiều ngành “trống” thí sinh. Đại học Huế công bố tới 741 chỉ tiêu bổ sung nhưng số hồ sơ nhận được đến thời điểm này vẫn tính ở hàng chục. Theo đó, nhiều khả năng trường này sẽ phải tạm ngưng đào tạo nhiều ngành do có rất ít thí sinh theo học như Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp, Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp, Công nghệ Kỹ thuật môi trường, Địa lý tự nhiên. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng thông báo xét tuyển chỉ tiêu bổ sung với con số lên đến hàng nghìn. Theo đó, có tới 20 ngành gồm cả những ngành “hot” như Kế toán tài chính ngân hàng, Kinh doanh quốc tế... cả bậc ĐH lẫn CĐ sẽ dành 1.450 chỉ tiêu cho thí sinh đạt điểm sàn trở lên. Tại Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội công bố tuyển nguyện vọng 3 với chương trình Cao đẳng Việt - Úc, chuyên ngành: Công nghệ thông tin và Quản trị Kinh doanh.

Điều này khiến cho việc các trường ngoài công lập đang bỏ trống nhiều chỉ tiêu. Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin Đà Lạt, Phạm Bá Dong cho biết, đến thời điểm này, trường vẫn còn 700 chỉ tiêu, trong đó các ngành Tin học, Ngoại ngữ, Môi trường, Sinh học gần như không tuyển sinh được. Nằm trong tốp này còn có các trường như ĐH dân lập Phương Đông với 2.400 chỉ tiêu được giao năm nay nhưng mới chỉ đạt 50% chỉ tiêu tuyển sinh. ĐH Quốc tế Bắc Hà còn 500 chỉ tiêu. ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Phan Chu Trinh, ĐH Võ Trường Toản... đều trong tình trạng nằm chờ cho đến hết thời hạn tuyển sinh vào cuối tháng 11 tới với rất ít hy vọng.

Kinh tế khó khăn ảnh hưởng tuyển sinh

Đây mà một trong những lý do mà các nhà tuyển sinh cũng như lãnh đạo Bộ GD-ĐT nêu ra trước tình trạng “ế ẩm” của nhiều trường ĐH, CĐ trong mùa tuyển sinh năm nay. Các gia đình đều phải cân nhắc kỹ vấn đề tài chính khi lựa chọn trường cũng như ngành nghề có cơ hội việc làm sau này. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, trong tình hình kinh tế các gia đình khó khăn nên việc cho con theo học những ngành mà sau này khó tìm được việc làm cũng cần cân nhắc, nhất là những ngành nghề được cho là “ăn khách” thì nay đã hết “nóng”. Theo phân tích của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đa số các trường không tuyển được đều là ngành kinh tế quản lý - “Với ngay cả trường đào tạo về kinh tế quản lý được coi là đầu đàn của cả nước là ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế thuộc ĐH Đà Nẵng hàng năm chỉ gọi NV1 là dư ngay lập tức nhưng năm nay chỉ đạt được 75-85%. Chứng tỏ khối kinh tế quản lý hiện nay không còn sức hút mạnh nữa”. Khó khăn tuyển sinh nằm ngay ở những trường công lập có uy tín thì những trường mới thành lập hoặc các trường ngoài công lập với xu hướng đào tạo chính là các ngành thuộc khối kinh tế càng bị ảnh hưởng lớn đến số lượng đầu vào khi thí sinh không lựa chọn những ngành nghề này nữa. 

Trước tình hình khó khăn chung hiện nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng giải thích rõ về việc “hạ điểm sàn” đối với những trường thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và chủ trương này bổ sung điều kiện ưu tiên xét tuyển cho học sinh thuộc 20 huyện (thị xã) vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo đặc biệt khó khăn khu vực Tây Nam bộ như học sinh 62 huyện nghèo theo quy định của Chính phủ. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, đây không phải mục đích lấp đầy chỉ tiêu cho các trường khu vực này mà nhằm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ tại các vùng kinh tế khó khăn. “Vấn đề đặt ra là nhiều học sinh đạt trình độ chấp nhận được ở khu vực này có thể đi học được để quay trở về làm việc, đồng thời thu hút đối tượng ở các khu vực khác đến học tập và công tác” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.