Đồ khuyến mãi trở thành hàng “hot”

ANTĐ - Tuần trước, khi ra chợ Phùng Khoang mua ba lô cho con trai, chị Nguyễn Thị Hòa (ở ngõ 489 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngạc nhiên khi thấy chủ cửa hàng đưa ra sản phẩm trên đó có ghi tên của một hãng sữa nổi tiếng kèm theo lời giới thiệu: “Đây là hàng khuyến mãi của công ty. Chất liệu “xịn” mà giá rất mềm”…

Những món đồ khuyến mãi tặng kèm này được bày bán khá phổ biến trên thị trường

Tiêu thụ mạnh do giá rẻ

Ngoài ba lô, quầy hàng này còn bày bán khá nhiều sản phẩm khuyến mãi khác, từ khăn mặt, áo mưa, giấy ăn đến áo phông, cặp xách, giỏ đựng đồ, hộp đựng thực phẩm, cốc chén bát đĩa… Điểm chung là trên các mặt hàng này đều in tên các nhãn hiệu nổi tiếng là hàng tặng cho khách, một số sản phẩm còn có dòng chữ “hàng tặng, không bán”. Đây hầu hết là những mặt hàng của các chương trình khuyến mãi do các nhà sản xuất, phân phối sản phẩm cung cấp.

Thấy chị Hòa băn khoăn về những sản phẩm, chủ cửa hàng giới thiệu, vào những đợt khuyến mãi lớn, để kích cầu, nhà sản xuất thường tặng quà cho khách hàng: Mua bột nêm tặng hộp Lock and Lock, mua bột giặt tặng chậu nhựa, mua ti vi được tặng bộ ấm chén sứ, mua sữa tặng ba bô, áo mưa…Tuy vậy, do số lượng hàng khuyến mãi còn tồn kho quá lớn nên nhà sản xuất đã bán ra thị trường với giá rẻ để thu hồi vốn?! Là hàng tặng kèm nên chất lượng các sản phẩm này khá tốt, mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt…

Điều đáng nói là các món hàng quà tặng khuyến mãi đang được bán tràn lan tại các chợ hay trên mạng với giá chỉ bằng nửa giá trị thực của sản phẩm nên đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng. Chị Vũ Thu Trà ở ngõ 194 Đội Cấn, quận Ba Đình chia sẻ, chị thường xuyên mua đồ quà tặng khuyến mãi bởi giá rẻ hơn hẳn, song chất lượng khá tốt vì các nhãn hàng thường chọn đồ có chất lượng làm quà tặng cho khách hàng để giới thiệu sản phẩm.

Mặc dù hầu hết những người bán hàng đều cho rằng đây là hàng thừa, hàng tồn song theo tìm hiểu của chúng tôi, một phần nguồn hàng khuyến mãi được bán trên thị trường là hàng tặng kèm, nhưng nhiều chủ cửa hàng cố tình ăn chặn, không đưa cho khách hàng hoặc là số hàng còn lại sau khi thời gian chương trình khuyến mãi kết thúc. Có thể nói, việc buôn bán hàng khuyến mãi đã đem lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho không ít cá nhân do số vốn bỏ ra không lớn nhưng thu lợi nhanh, hàng tiêu thụ mạnh. Và với không ít người tiêu dùng có suy nghĩ đơn giản, việc tìm mua hàng khuyến mãi không chỉ giúp họ tiết kiệm chi phí mà còn được sở hữu những món hàng có chất lượng. 

Đừng tiếp tay cho hành vi ăn chặn

Về hiện tượng trên, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 97 Luật thương mại năm 2005 đã quy định, thương nhân khi thực hiện các hình thức khuyến mãi phải công khai các thông tin như tên của hoạt động khuyến mãi, thời gian khuyến mãi, ngày bắt đầu, ngày kết thúc và số lượng quà tặng, địa bàn hoạt động khuyến mãi…Các chương trình khuyến mãi phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch, được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và không được xâm hại đến lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Thương nhân không được lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để thực hiện khuyến mãi nhằm phục vụ cho mục đích riêng… song hiện nay, việc cung cấp thông tin về các chương trình khuyến mãi của các doanh nghiệp khá mập mờ, như đánh lừa khách hàng: Không nói rõ về thời gian, số lượng quà tặng khách hàng được nhận khi mua sản phẩm, cố tình không đưa hay đánh tráo quà tặng…Đây chính là lý do khiến các mặt hàng khuyến mãi được tuồn ra thị trường và bày bán tràn lan như hiện nay. 

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, Luật Thương mại cấm hành vi khuyến mãi thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hoá, dịch vụ để lừa dối khách hàng. Do vậy, trong trường hợp khách hàng phát hiện mình bị ăn chặn, bị “ỉm” hàng khuyến mãi thì có thể thông báo đến Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết, đồng thời có thể yêu cầu bồi thường các thiệt hại phát sinh (nếu có).

Ðể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, bán hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, mỗi khách hàng trước khi đi mua hàng cần tìm hiểu kỹ về chương trình khuyến mãi, yêu cầu các cửa hàng thực hiện nghiêm túc chương trình như đã cam kết. Ngoài ra, để hành vi “ăn chặn ” hàng khuyến mãi không còn đất sống, mỗi người tiêu dùng không nên ham rẻ, tiếp tay cho các đối tượng kinh doanh mặt hàng này.