[ĐỒ HỌA] Trực thăng diệt ngầm có thể mang bom hạt nhân của Liên Xô bất ngờ xuất hiện tại Syria

ANTD.VN - Ngày 29-8, Hải quân Syria đã tổ chức lễ duyệt binh rầm rộ trên biển Địa Trung Hải nhằm kỷ niệm 70 ngày thành lập. Đáng chú ý có sự xuất hiện của trực thăng hạng nặng săn ngầm Mi-14 nổi tiếng của Liên Xô.

Trực thăng săn ngầm Mi-14 có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân tiêu diệt toàn bộ tàu ngầm trong bán kính 1.000 m. Đây được coi là loại trực thăng săn ngầm khủng khiếp nhất thế giới mà con người từng chế tạo.

Mi-14 (NATO định danh là Haze) được phát triển dựa trên cơ sở mẫu trực thăng săn ngầm Mi-8 nổi tiếng của hải quân Liên Xô trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh, khi Moscow và Washington liên tục chạy đua phát triển các loại thiết bị tinh vi nhằm săn đuổi, tiêu diệt tàu ngầm đối phương tại các vùng biển sâu.

Nguyên mẫu đầu tiên của Mi-14 có tên V-14, bay chuyến thử nghiệm đầu tiên vào ngày 1-8-1967. Cải tiến quan trọng nhất của Mi-14 so với Mi-8 là thiết kế khung thân. Nhằm thu hẹp tối đa khoảng cách trong việc săn đuổi tàu ngầm, các kỹ sư quân sự Liên Xô đã biến chiếc Mi-14 thành một trực thăng "lưỡng cư" đặc biệt với lớp vỏ hình chiếc thuyền được gia cố phần dưới thân giúp nó có thể hạ cánh dễ dàng trên mặt nước và chịu được gió bão cấp 4.

Các phi công Liên Xô rất ưa chuộng loại máy bay này bởi thiết kế cabin rộng rãi kết hợp với công nghệ hạn chế rung, giúp phi hành đoàn thoải mái trong các chuyến tuần tra kéo dài nhiều giờ vào ban đêm. Mi-14 có khả năng chuyên chở 32 binh sĩ và 12 cáng cứu thương.

Trực thăng săn ngầm Mi-14

Trực thăng săn ngầm Mi-14

Được mệnh danh là "sát thủ tàu ngầm", Mi-14 có khả năng tác chiến xa bờ 300 km,  hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết; bay được liên tiếp 5,5 giờ với quãng đường lên tới 1100 km. Do đó, nó có thể tìm kiếm tàu ngầm đối phương trong khoảng thời gian dài mà không phải hạ cánh trên tàu khu trục như các loại trực thăng K-27 hoặc K-28.

Về khả năng tác chiến điện tử, Mi-14 được trang bị hệ thống thủy âm sonar Oka-2 hoạt động tương đối ổn định, hệ thống phao âm Bakou với 36 phao dự phòng, trong đó 18 phao có khả năng giám sát cùng lúc. Ngoài ra, Mi-14 còn được lắp đặt hệ phát hiện điểm từ trường bất thường MAD và hệ thống dò tìm tàu ngầm bằng sóng âm VGS hiện đại.

Radar Initziativa-2M của Mi-14 có khả năng phát hiện mục tiêu trong phạm vi 220 km, được lắp đặt phía dưới mũi của máy bay để tăng khả năng tìm kiếm và độ nhạy.

Trực thăng săn ngầm Mi-14 của hải quân Syria

Trực thăng săn ngầm Mi-14 của hải quân Syria

Về vũ khí, Mi-14 được trang bị nhiều loại ngư lôi và bom chống ngầm khác nhau do Liên Xô phát triển như AT-1, APR-2 có trọng lượng lên đến 250 kg. Năm 1983 các kỹ sư Liên Xô đã lắp đặt tên lửa AS-7 Karen lên Mi-14, tuy nhiên quá trình bắn thử nghiệm đã thất bại. Đặc biệt, Mi-14 có khả năng mang theo một quả bom hạt nhân chống tàu ngầm "Scalp". Loại bom này có sức công phá tương đương với 1.000 kg thuốc nổ TNT, sức công phá mà vụ nổ tạo ra có thể tiêu diệt hoặc đánh dạt tàu ngầm đối phương trong phạm vi 1000 m.