[ĐỒ HỌA] Đẩy hoạt động của "cánh én bạc" MiG-21 lên giới hạn tối đa, Ấn Độ đang phải trả giá?

ANTD.VN - Nửa thế kỷ qua, không quân Ấn Độ đã ghi một kỷ lục thế giới khi đặt mua tới 874 chiếc MiG-21, nó đã trở thành loại máy bay chiến đấu chủ lực của không quân nước này trong suốt 50 năm. Ấn Độ lại tiếp tục nâng cấp để kéo dài thời hạn sử dụng của nó đến 2019 tức thêm 2 năm so với thiết kế ban đầu.

Hôm qua 18-7, một chiếc tiêm kích MiG-21 của Không quân Ấn Độ đã bị rơi ở quận Kangra thuộc bang Himachal Pradesh. Theo các báo cáo ban đầu, chiếc tiêm kích MiG-21 này cất cánh từ căn cứ sân bay Pathankot ở bang Punjab vào lúc 12h20 để thực hiện ban bay huấn luyện thường kỳ và đã bị nạn đâu đó vào khoảng 13h20 chiều qua.

Theo cảnh sát Ấn Độ, chiếc MiG-21 đâm xuống đất ở gần làng Patta Jattian. Hậu quả của vụ tai nạn này là chiếc MiG-21 (phiên bản MiG-21Bis) đã bị phá hủy hoàn toàn và phi công Meet Kumar - phi đội trưởng thiệt mạng.

Tiêm kích MiG-21

Tiêm kích MiG-21

Nửa thế kỷ qua, không quân Ấn Độ đã ghi một kỷ lục thế giới khi đặt mua tới 874 chiếc MiG-21, nó đã trở thành loại máy bay chiến đấu chủ lực của không quân nước này trong suốt 40 năm. Bỏ qua mọi điều tiếng, người Ấn lại tiếp tục nâng cấp để kéo dài thời hạn sử dụng của nó đến 2019, như vậy là kéo dài tuổi thọ hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu.

Nguyên nhân của việc Ấn Độ phải đẩy MiG-21 hoạt động lên giới hạn tối đa xuất phát từ việc Dự án chế tạo “máy bay chiến đấu hạng nhẹ” LCA trong nước liên tục trì trệ và gói thầu mua 126 chiếc máy bay Rafale của Pháp bị trì hoãn và cuối cùng chỉ có khoảng 1/4 số tiêm kích này được duyệt mua, trong khi đó số lượng máy bay còn thiếu hụt của Ấn Độ ngày càng lớn.

Trước đây, Ấn Độ dự kiến cho MiG-21 nghỉ hưu vào năm 2017, nhưng do dự án LCA kéo dài thêm 3 năm, kế hoạch mua sắm máy bay của Pháp cũng chưa được khởi động nên không quân nước này đã quyết định nâng thời hạn sử dụng của MiG-21.

Hiện Ấn Độ chỉ còn khoảng 250 chiếc vẫn đang “tại ngũ” trong tổng số 874 chiếc từng được biên chế. Không quân Ấn Độ quyết định nâng cấp hệ thống radar đa chế độ Super Kopyo do Nga sản xuất và hệ thống dẫn đường quán tính, sử dụng con quay hồi chuyển laser điều khiển vòng Totem 221G của Pháp chế tạo, năng lực chiến đấu của biến thể này được đánh giá vượt trội so với nguyên bản. Tuy vậy chúng vẫn không thể đáp ứng cho tác chiến hiện tại, vì vậy dù kéo dài tuổi thọ cho MiG-21 đến giới hạn tối đa thì cũng đến lúc buộc phải cho chúng loại biên. New Delhi đang tìm kiếm nhà thầu cho gói cung cấp hơn 100 tiêm kích mới, dự tính trong năm sau sẽ mời thầu chính thức.