Họa sĩ Lê Tiến Vượng

Đồ họa cho mình “nhà lầu xe hơi”

ANTĐ - Lê Tiến Vượng được biết tới trước hết là một nhà thơ nhưng lĩnh vực khiến anh nổi tiếng nhất lại là sáng tác logo và vẽ minh họa cho các báo. Trong giới, người ta gọi anh là “Vượng logo”, bởi đi đâu cũng có thể nhận thấy những logo do anh thiết kế, từ các cơ quan hành chính cho tới công ty tư nhân, khách sạn. Nhân dịp triển lãm “Lê Tiến Vượng hội họa & design” vừa khai mạc tại 16 Ngô Quyền (Hà Nội), chúng tôi có cuộc trò chuyện với họa sĩ Lê Tiến Vượng.

Đồ họa cho mình “nhà lầu xe hơi” ảnh 1


- Thưa họa sĩ Lê Tiến Vượng, đã hơn 20 năm, vì sao đến giờ anh mới làm triển lãm cá nhân?

- Có lẽ là do tôi mải miết với công việc quá. Hội họa và đồ họa đều mê và cứ cuốn tôi đi, thỉnh thoảng bạn bè triển lãm chung bảo “góp” vài cái thì góp chơi, sau đó thì bỗng thấy phải nghỉ ngơi một chút và cũng thấy cần phải “báo cáo” với bạn bè một vài đóng góp nho nhỏ với “làng” mỹ thuật Việt Nam. Và thế là tôi đăng ký mở triển lãm cá nhân. Ban đầu tôi định làm riêng hội họa trước rồi sang năm làm đồ họa sau. Nhưng nghĩ thấy mình có cả “mâm cỗ đủ món” mà lại hôm nay vài món, mai vài món nghe nó nghèo nghèo thế nào ấy và tôi quyết định bày cả lên. 

- Tại triển lãm, thấy phần tranh có vẻ “lép vế” so với phần các tác phẩm minh họa và logo – mặc dù giá tranh thì có, và tính bằng USD, còn minh họa và và đồ họa thì không?

- Do căn phòng trưng bày hình chứ U, khó trưng bày 50-50 được nên tôi đành thiết kế 2/3 là đồ họa và 1/3 là hội họa. Thêm nữa đồ họa gồm nhiều tác phẩm trông tưng bừng hân hoan nên có vẻ lấn lướt cũng đúng thôi. Về hội họa, mình chọn và trưng bày chủ yếu là những tác phẩm về làng quê, và những bức tranh có thể nói là đi cùng năm tháng với những lũy tre xanh mướt, những cổng làng cổ kính, những mái nhà rơm rạ, những bến sông, con thuyền, những ngôi chùa rêu phong dưới tán cây cổ thụ… Những địa danh có thật giờ chỉ là dấu tích đã phôi phai sẽ hiện lên khi mọi người đến chiêm ngưỡng những tác phẩm này, bên cạnh đó là những vần thơ lục bát do mình viết minh họa sống động thêm cho mỗi bức tranh cũng là điều thú vị. Và tranh của mình bán không rẻ vì đây là những bức tranh thấm đẫm thời gian, thẫm đẫm hồn cốt quê hương mà mình rất tâm đắc. Còn đồ họa thì tất cả các tác phẩm chỉ có ý nghĩa giới thiệu công bố là chính vì nó đã được trả tiền cả rồi.

- Anh đã nắm bắt được thế mạnh của mình là đồ họa, cụ thể là sáng tác logo từ khi nào?

- Chính xác thì logo đã chọn mình, chứ mình không hề có mơ ước thành “Vượng logo”. Cái ngày “định mệnh” gắn tôi với logo là năm 1992, khi tôi thi tuyển vào Báo Thiếu niên Tiền phong và đã trúng tuyển, cùng thời gian đó Trung ương Đoàn phát động cuộc thi toàn quốc vẽ logo và áp-phích. Tôi nhanh nhảu tham gia và đoạt giải nhất luôn cả hai loại. “Thừa thắng xông lên”, đâu có thi là tôi tham gia… Sau đó thì tôi đã đoạt 11 giải thưởng  lớn từ Tỉnh huy, Bộ huy, tập đoàn huy, công ty, xí nghiệp, bệnh viện, trường học… Ngoài ra là hàng trăm giải nhỏ, giải phụ… Hiện nay bộ sưu tập logo của tôi có hơn hai trăm chiếc các loại.

- Anh quan niệm thế nào là một logo đẹp?

- Một logo đẹp cần phải có bố cục đẹp, đơn giản, khúc chiết, dễ xem, dễ nhớ, dễ vẽ lại hay mô tả lại, còn logo mà không đáp ứng được những yêu cầu trên chắc chắn không thành công. Khi tham gia giảng dạy cho các bạn sinh viên tôi cũng luôn khuyên các em nên tìm đọc và tập làm thơ, tập gieo vần, tập viết slogan có thanh có điệu… 

- Không chỉ là một họa sĩ, anh còn là một nhà thơ, có chút ảnh hưởng nào giữa những tác phẩm mỹ thuật và thơ của Lê Tiến Vượng không, thưa anh? 

- “Logo như một bài thơ/ Họa sĩ phải thức trong mơ vẽ vời/ Một bản tình ca không lời/ Thắp lên ngọn lửa sáng ngời nhân gian”. Với mình, mỗi logo như một bài thơ bằng ngôn ngữ của đồ họa, chỉ cần với số nét ít nhất, số màu ít nhất, bố cục đơn giản và khúc chiết nhất nhưng phải nói lên, nói trúng và đúng được cái bản chất, ước vọng, khát khao của đơn vị yêu cầu thiết kế. Thơ cũng thế, với số câu ít nhất được cô đọng trong vài câu, được gieo vần tinh tế nhưng lại nói được mênh mang cảm xúc. Thực tế là tại triển lãm của mình, mảng logo được các bạn sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp quan tâm nhiều, họ chụp lại, bàn bạc phân tích đôi khi nhờ tôi giải đáp thêm… Từ thực tế, tôi và mọi người đã thấy trên các tác phẩm Hội họa cũng như Đồ họa đều thấm đẫm chất thơ. 

- Có vẻ hiện nay, ngành đồ họa giúp các họa sĩ… dễ sống hơn?

- Vâng, chính xác thì cả hai mảng hội họa và đồ họa giúp tôi sống khá thoải mái. Thời gian đầu những năm 1980 thời còn bao cấp rất khó khăn, vừa đi học vừa đi làm mà túi lúc nào cũng nhẵn nhụi, có đồng nào thì toàn mua màu, mua sách hết, bạn bè yêu đương cả mình sợ và không có tiền… Năm 1985, đi bộ đội về tôi thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, đi học toàn mặc quần áo bộ đội vì chẳng có bộ nào khác, tháng 10 năm đó có triển lãm Thủ đô, tôi tham gia với bức bột màu vẽ một góc phố Bạch Mai cổ kính, họ yêu cầu ghi giá bán mình ghi đại 300 ngàn đồng, không ngờ triển lãm được mấy hôm có giấy báo đến lĩnh tiền, cầm 300 ngàn đồng đó mà như đang mơ, về đi mua luôn cái xe đạp Liên Xô có 60 ngàn đồng, cho các em mua xe đạp, mua cả đống màu vẽ, lát nền nhà… Mình như người tỉnh ngủ, thế là hăm hở vẽ tiếp, triển lãm Thủ đô năm sau lại bán đựợc bức vẽ Suối Yến chùa Hương được 450 ngàn đồng, mình đưa bố mẹ sửa nhà đóng được mới các loại cửa nhà mà gần chục năm toàn che bằng cót ép… Năm 1989 tôi đã mua được xe máy, oai ra phết. Có thể nói tranh hội họa đã giúp tôi thoát nghèo, còn đồ họa sau này cho mình “nhà lầu xe hơi” từ gần chục năm rồi.

- Xin cảm ơn anh!