Đồ gia dụng - nơi trú ngụ của vi khuẩn

ANTĐ - Điện thoại di động. Một điều tra tại 12 thành phố của Viện Y học nhiệt đới và vệ sinh Đại học London, Anh quốc cho biết, cứ 6 chiếc di động thì có 1 chiếc mang vi khuẩn ecoli. Vi khuẩn này sẽ sống vài giờ trên tay hoặc bề mặt đồ vật, nếu bị nhiễm ecoli, có thể dẫn đến các chứng bệnh về đường tiêu hóa, trầm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong. Do đó chuyên gia khuyến nghị, điện thoại di động nên được vệ sinh định kì, có thể dùng rượu để lau, khi nghe điện thoại nên để cách xa miệng.

Máy lọc nước. Máy lọc nước hoạt động dựa trên nguyên lý áp lực không khí. Bụi bẩn, vi khuẩn, những tạp chất có hại trong không khí có thể thông qua lỗ thoát khí xâm nhập vào bên trong cây máy lọc nước. Đồng thời, trong vòi dẫn nước nóng, lạnh, bình chứa, bệ đựng của cây máy lọc nước đều có thể đã kết tủa nhiều lần những tạp chất vốn có trong nước. Trung tâm Kiểm tra giám sát chất lượng đồ điện gia dụng quốc gia, thuộc Viện Nghiên cứu đồ gia dụng điện Trung Quốc, khuyến nghị, 2 hoặc 3 tháng nên rửa máy lọc nước một lần, bộ phận phin lọc thông thường 1-2 năm nên thay mới. Khi vệ sinh, nên vệ sinh hoặc thay đổi ống dẫn nước của cây máy, đổ hết nước thừa trong rãnh bình, sau đó đổ đầy nước và cho vào đó loại thuốc sát khuẩn, tiếp tục xối nước rửa nhiều lần cho đến khi hết mùi. 

Tủ lạnh. Mặc dù tủ lạnh có thể làm chậm tốc độ sinh sôi của đa số vi khuẩn, nhưng không thể “tiêu diệt” được chúng. Trong rau quả và thịt sống đều có thể mang lượng lớn vi khuẩn, chúng không chỉ tiếp tục sinh sôi mà còn xâm nhập vào các thức ăn khác để trong tủ lạnh, dẫn đến các bệnh về tiêu hóa, dạ dày. Vì vậy, các khoang của tủ lạnh cần dùng chất tẩy rửa làm sạch, dùng nước rửa thân ngoài tủ lạnh, đế tủ, lau chùi rãnh cao su trên cánh tủ lạnh. Lưu ý phải ngắt điện cho tủ lạnh trước khi tiến hành vệ sinh, lau chùi.

Điều hòa. Sau một thời gian sử dụng điều hòa, bụi bẩn sẽ tích tụ trên hệ thống tán gió, lọc khí, dàn bay hơi, từ đó sản sinh vi khuẩn dẫn đến các bệnh về đường hô hấp. Có thể dùng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa để rửa và làm sạch lại bằng nước, bộ phận lọc khí là bẩn nhất, nên dùng bàn chải cọ sạch vết bẩn.

Máy giặt. Máy giặt có thời gian sử dụng càng lâu, số lần giặt càng nhiều, thì số lượng bào tử nấm mốc trú ngụ trong các rãnh máy giặt cũng càng nhiều, từ đó bám vào quần áo được giặt và gây ra các bệnh về dị ứng, nấm cơ thể cho người mặc. Tốt nhất nên sử dụng nước tẩy rửa chuyên dụng, có thể dùng chất soda bicacbonat và giấm trắng để rửa máy giặt. Xả đầy nước vào khoang máy giặt, cho một lượng nhỏ soda bicacbonat để khoang máy xoay 3-5 phút, ngâm tiếp khoảng 30-60 phút, rồi xả nước bẩn đó đi, dùng nước sạch rửa lại khoang máy, xoay trong 5-6 phút nữa. Tiếp theo, dùng 300ml giấm trắng pha với nước sạch cho vào khoang máy và quay thêm vài phút, ngâm từ 30 phút trở lên rồi dùng nước rửa sạch đến khi hết mùi chua.

Ổ cắm. Bụi trong ổ cắm khiến sự tiếp xúc với nguồn điện của thiết bị điện bị hạn chế, từ đó có thể khiến đường dây phát nóng, cháy chập điện. Ổ cắm nguồn điện nên khoảng 4 ngày lau một lần. Không được dùng vải ẩm để lau, tốt nhất nên dùng máy hút bụi, hoặc lật ngược ổ cắm rồi lắc nhẹ đế ổ cắm cho bụi rơi ra ngoài và dùng khăn khô lau xung quanh ổ cắm.