Đồ chơi bạo lực tràn ngập chợ Tết Trung Thu

ANTĐ - Mỗi dịp Tết Trung Thu đến là thời điểm những con phố như Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can,…lại tràn ngập sắc mầu bởi các loại đồ chơi dành trẻ em được bày bán tại đây. Song năm nào cũng vậy, những món đồ chơi mang giá trị truyền thống được sản xuất trong nước vẫn “đơn độc” giữa một “rừng” đồ chơi bạo lực.
Đồ chơi bạo lực tràn ngập chợ Tết Trung Thu ảnh 1
Nhiều loại đồ chơi được các cửa hàng bày bán ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của trẻ

Biết hàng Trung Quốc vẫn mua

Mặc dù còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Trung Thu nhưng vợ chồng chị Nguyễn Mai Thuỷ, ở quận Long Biên đã đưa 2 cậu con trai đến phố Lương Văn Can, Hàng Mã, “vương quốc đồ chơi” để lựa chọn những món đồ mà chúng yêu thích. Tuy nhiên, sau gần 2 tiếng đồng hồ tìm kiếm, vợ chồng chị đành thất vọng ra về vì không chọn được món đồ chơi ưng ý. Chị Thủy cho hay, những năm gần đây việc lựa chọn đồ chơi cho các con ngày càng trở nên rất khó khăn vì nhìn đâu cũng chỉ thấy các loại đồ chơi mang tính bạo lực như súng phun nước, súng bắn đạn nhẹ, các mô hình chiến cơ siêu hạng, siêu nhân,…“Những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân,… cắt thủ công hầu như vắng bóng...” - chị Thủy than phiền.

Theo nhiều chủ cửa hàng kinh doanh trên phố Hàng Lược, Lương Văn Can thì thị trường đồ chơi trẻ em trong dịp Trung Thu năm nay không có sự thay đổi nhiều về mẫu mã so với những năm trước. Các mặt hàng được bày bán chủ yếu là mặt nạ có gắn nhạc, bộ cánh thiên thần, bộ đồ nấu ăn, bộ búp bê, gấu bông, siêu nhân và các loại đồ chơi mang tính bạo lực,... Năm nay những bộ quần áo mang hình con thú như thỏ, gấu, hổ, siêu nhân được nhiều người chọn mua có giá từ 180.000 - 200.000đ/bộ tùy từng kích cỡ. Các loại đồ chơi mang tính bạo lực như súng AK, súng trường có giá từ 200.000 - 350.000 đồng/khẩu, dao, kiếm từ 30.000- 100.000 đồng/ sản phẩm, tuỳ loại. Tuy những loại đồ chơi này không được các chủ cửa hàng bày bán công khai nhưng khi có khách hỏi mua, họ sẵn sàng cung cấp. Điều đáng nói, phần lớn những loại đồ chơi này đều là hàng Trung Quốc.

Chị N.T.V - một chủ cửa hàng trên phố Lương Văn Can nhận xét, nhiều ông bố, bà mẹ khi chọn mua đồ chơi cho con thường ít chú ý đến xuất xứ, mà chủ yếu tập trung vào giá cả, màu sắc, mẫu mã. Năm nào hai vợ chồng chị Vũ Thanh Nga, ở phường Hàng Bạc, quận  Hoàn Kiếm  cũng đau đầu vì không biết nên mua món đồ chơi nào cho con trong dịp Tết Trung thu. Theo chị Nga, rất khó chọn vì có đến 90% các loại đồ chơi đươc bày bán trên thị trường hiện nay đều là hàng Trung Quốc. Dù biết những loại đồ chơi này không tốt cho sự phát triển của trẻ, thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chị Nga tặc lưỡi: “Với những loại đồ chơi kiểu này, bọn trẻ chỉ chơi vài ba ngày là chán, hơn nữa giá lại rẻ, không phải giữ gìn cẩn thận, nếu chúng có làm hỏng, hay vứt đi cũng đỡ tiếc…”. Cũng bởi không ít các bậc phụ huynh có cùng suy nghĩ như chị Nga nên đồ chơi Trung Quốc vẫn tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa.

Nói không với đồ chơi bạo lực

Khác với các gian hàng bán đồ chơi Trung Quốc, những đồ chơi dân gian truyền thống như trống cơm, đèn ông sao, đầu lân, mặt nạ ông địa,… vốn quen thuộc với mọi tầng lớp người dân Việt Nam dường như không đủ sức hấp dẫn các em nhỏ. Nguyên nhân là do mẫu mã và kiểu dáng các loại đồ chơi này. 

Tuy nhiên, do lo ngại đồ chơi Trung Quốc có chất độc hại, không ít phụ huynh đã tìm mua các loại đồ chơi truyền thống cho con em mình nhưng số này không nhiều. Chị Tạ Hồng Hạnh, giáo viên trường ĐH Ngoại Ngữ cho biết, Tết Trung thu năm nay, chị cùng một số bạn bè thân muốn tổ chức một cái Tết Trung Thu đúng nghĩa cho các con, do vậy mọi người sẽ chỉ chọn đồ chơi làm thủ công trong nước để cho chúng đón trăng phá cỗ. “Được chơi đồ chơi truyền thống sẽ giúp trẻ cảm nhận và hiểu rõ hơn về giá trị văn hoá cũng như ý nghĩa thực sự của ngày Tết Trung thu của người Việt. Tôi muốn các con nhớ tới ngày Tết Trung Thu như tôi đã từng nhớ về ký ức tuổi thơ của mình” - chị Hạnh chia sẻ.

Cùng với sự tấp nập của nhiều cửa hàng trên các con phố ở Hà Nội, trên những trang mua bán trực tuyến nhiều mặt hàng từ gấu bông, ôtô, máy bay, bộ hình siêu nhân… cũng được trưng bày khá bắt mắt với giá cả hấp dẫn. Tuy vậy, đây là những loại đồ chơi mô phỏng từ các bộ phim hoạt hình có nhiều cảnh bạo lực, không tốt cho sự phát triển của trẻ… Do vậy, nhiều gia đình thay vì mua đồ chơi cho con đã chuyển sang các loại hình thức vui chơi khác như cho các bé đi chơi hoặc xem phim…         

Theo một cán bộ Chi cục QLTT Hà Nội, khi Tết Trung thu đang đến gần, cũng là thời điểm nhiều đối tượng lợi dụng để buôn lậu mặt hàng đồ chơi trẻ em để kiếm lời. Ngoài việc tăng cường kiểm soát hàng hóa từ các cửa khẩu biên giới cho đến việc kiểm tra chặt chẽ hàng hoá tiêu thụ tại các cửa hàng, cơ quan chức năng cũng đã xử lý một số trường hợp chủ hàng không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Trần Tuấn- Giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển cộng đồng, bất kể một loại đồ chơi nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, đặc biệt đối với những loại đồ chơi bạo lực thì việc thay đổi cũng như ảnh hưởng tâm lý ở trẻ sẽ diễn ra nhanh hơn. Nếu một đứa trẻ tiếp xúc với môi trường sống hoặc thói quen giải trí với những trò chơi, đồ chơi bạo lực, sẽ dễ hình thành thói quen dùng bạo lực để giải quyết mọi việc. Do vậy, các bậc phụ huynh cần tỉnh táo khi chọn mua đồ chơi cho con em mình, nên chọn mua những loại đồ chơi có tính giáo dục, an toàn đối với sức khoẻ và sự phát triển của trẻ.=