Dịp nghỉ lễ đầu năm: Chen chúc với giá dịch vụ tăng chóng mặt

ANTĐ - Năm nào cũng vậy, cứ tới những sự kiện lớn như Giáng sinh hay giao thừa (dương-âm lịch), chuỗi ngày nghỉ dài hơi đầu năm, các tụ điểm vui chơi, giải trí, siêu thị… lại tập trung đông đảo người dân. Đi kèm với đó là mức giá dịch vụ tăng chóng mặt mà khách hàng vẫn phải “cười mếu” chấp nhận.

“Biển người” chen chúc

Tối 31/12/2014, người dân đổ ra đường để chia tay năm cũ và đón chào năm mới khiến mọi ngả đường dẫn lên trung tâm hồ Hoàn Kiếm đều bị ùn tắc. Ai cũng muốn được tận hưởng bầu không khí sôi động cùng với những điệu nhạc tưng bừng khi thời khắc chuyển giao sắp tới. Càng tới “giờ G”, lượng người đổ về đây càng trở nên đông đảo, khiến nhiều ngả đường tắc nghẽn. Những con đường xung quanh 2 địa điểm tổ chức Count Down (tượng đài Lý Thái Tổ và trước Nhà hát Lớn) ken cứng người đi bộ. Lực lượng cảnh sát giao thông và trật tự được huy động để đảm bảo không có những xung đột về giao thông.

Tình trạng quá tải không chỉ xảy ra ở Bờ Hồ, mà quanh khu vực hồ Thiền Quang – địa điểm thứ 3 tổ chức Count Down - người dân đổ về cũng rất đông đảo.

“Chúng em đi theo nhóm mà chỉ sợ lạc nhau, vì người quá đông. Xem mọi thứ khó khăn lắm, vì toàn bóng người che và thậm chí xô đẩy khi tới giờ cao điểm” – Nhung, sinh viên Học viện Bưu chính-Viễn thông - bày tỏ.

Rất nhiều người tập trung tại các địa điểm giải trí vào đêm giao thừa cũng như dịp nghỉ lễ đầu năm kéo dài - Ảnh: Trung Hiếu

Trong chuỗi ngày nghỉ đầu năm kéo dài, các trung tâm mua sắm cũng “ken đặc” người ra vào. Ghi nhận tại siêu thị Big C vào sáng 1/1, lượng người vào xem và mua hàng rất đông. Ở các quầy cân rau quả và thanh toán, dòng người đứng chờ xếp thành hàng dài. Tình hình tại khu vui chơi giải trí Royal City cũng đông đảo tương tự như vậy.

Tình trạng quá tải nói trên càng đòi hỏi người dân phải kiên nhẫn, giữ trật tự và nghiêm túc xếp hàng chờ tới lượt mình để tránh hỗn loạn. Tuy nhiên, không phải ai cũng giữ được bình tĩnh, đã có những va chạm, cãi vã xảy ra ở các điểm dịch vụ có hàng người chờ xếp quá đông.
Chị Thùy Linh – một khách hàng chờ cân rau ở siêu thị Big C – bức xúc cho biết: “Ai cũng đứng vào hàng lối chờ đợi cả, thế mà có 2 người cứ xông thẳng vào quầy. Chúng tôi bảo khi đông thì ai cũng phải có ý thức, mọi người vẫn kiên nhẫn xếp hàng đợi đến lượt đấy thôi”.

Giá dịch vụ “trên trời”

Tình trạng thổi giá dịch vụ lên cao trong những dịp đặc biệt như thế này lặp đi lặp lại qua nhiều năm, song vẫn không có dấu hiệu được cải thiện, bởi nhu cầu vượt xa so với lượng cung.

Trong đêm giao thừa, nhiều bãi trông xe tự phát mọc lên như nấm dọc Phố Huế tới Hàng Bài và đặc biệt là xung quanh khu vực hồ Gươm. Càng ở gần “điểm nóng”, mức giá trông xe càng cao, phổ biến là 50.000 đồng/xe. 
Khi phóng viên thử đặt vấn đề mặc cả để giảm giá trông xe, một chủ bãi trông xe ở Cầu Gỗ quát: “Hôm nay không gửi được giá này thì chả có chỗ nào trông cho đâu. Cứ thử đi tìm chỗ khác xem”.

Bên cạnh đó, giá các dịch vụ hàng rong bán tại khu vực Bờ Hồ cũng bị nâng lên 50%-100% so với thường ngày. Mỗi bắp ngô nướng có giá 8.000 – 10.000 đồng nay được bán với giá 15.000 đồng, chai nước khoáng 500ml cũng có giá 15.000 đồng thay vì 10.000 đồng như mọi khi (giá ở đại lý tạp hóa khoảng 4.000-5.000 đồng), xúc xích rán, bỏng ngô, hoa quả dầm, bóng bay, hoa hồng… cũng theo đà tăng lên.

“Bọn em chấp nhận bán hàng trong khi mọi người đi chơi nên giá đắt hơn là bình thường. Mà nói là đắt chứ từ nãy tới giờ, rất nhiều người mua, có lúc còn hết hàng phải đi tiếp thêm đó thôi” - một bạn trẻ xách bếp rán xúc xích – chia sẻ.

Tình trạng chen lấn, đông đúc cùng với giá dịch vụ “trên trời” trong các dịp lễ, tết năm nào cũng vậy. Người dân vẫn phải chấp nhận bị “móc túi” để được hòa mình trong không khí vui tươi, rộn ràng. Chắc chắn bầu không khí này sẽ trở nên tuyệt vời hơn khi những nét xấu xí đó được khắc phục.