Định hướng tiếp cận thị trường lao động

ANTĐ - Khảo sát nhanh mới đây của Towers Watson, Công ty Tư vấn chuyên nghiệp về quản lý nhân lực, tài chính cho thấy tình hình thị trường lao động có dấu hiệu hồi phục với 60% doanh nghiệp dự định tuyển mới trong năm 2013. Đây cũng là thời điểm nhiều trường đại học đẩy mạnh định hướng, cách tiếp cận công việc thực tế cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp. 

Định hướng tiếp cận thị trường lao động ảnh 1
Nhiều trường đại học đang đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội


Nhu cầu đặc biệt với kinh doanh 

 Theo công bố kết quả cuộc Khảo sát nhanh 2013, bao gồm xu hướng tiền lương và chế độ đãi ngộ thực hiện tại 215 doanh nghiệp ở Việt Nam của Towers Watson, thị trường lao động Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi qua tỉ lệ hơn 50% doanh nghiệp dự đoán tình hình kinh doanh khả quan hơn và có tăng trưởng trong năm 2013. Ngoài ra, hơn 60% doanh nghiệp cho biết dự định sẽ tuyển dụng lao động trong năm 2013. Đặc biệt nhu cầu tuyển dụng tập trung vào bộ phận kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý đối với người lao động là tỉ lệ tăng lương dự đoán của năm 2013 là 11,8%, thấp hơn 0,5% so với mức dự báo của Khảo sát Lương và Phúc lợi do Towers Watson công bố vào tháng 11-2012. Kết quả mới cho thấy 53% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ tăng ngân sách lương, 37% giữ nguyên và 11% giảm. Điều này cho thấy mức độ tăng lương của người lao động khá chậm, so với giá cả thực tế giá trị lương có thể bị giảm.

Điểm mà các chuyên gia tư vấn của Towers Watson lưu ý người lao động muốn giữ công việc ổn định và cạnh tranh được thì cần phải trang bị thêm nhiều kỹ năng. Theo khảo sát Towers Watson, những nghề mà năm nào cũng có nhu cầu tuyển dụng cao như kinh doanh thì những kỹ năng quản trị, kỹ năng giao tiếp, bán hàng… là kiến thức rất cần được trang bị cho người có nhu cầu việc làm.

Giúp sinh viên tiếp cận gần hơn với doanh nghiệp

Nắm được những yêu cầu thực tế, hiện tại, nhiều trường đại học trong nước đang tích cực trang bị kiến thức tiếp cận việc làm, kỹ năng xin việc, thậm chí là kỹ năng khởi nghiệp cho người học. Tại Học viện Ngoại giao, ngày 15-4, Chương trình Tư vấn hướng nghiệp đã được khởi động cho sinh viên năm cuối trường này. “Bạn học giỏi, tài năng, nhưng liệu thế có đủ để có được công việc như ý? Làm thế nào để thuyết phục được nhà tuyển dụng, vượt qua hàng nghìn ứng viên khác và đạt được vị trí mong muốn? Bạn có thể tìm thấy câu trả lời qua chương trình hướng nghiệp của Học viện Ngoại giao” - Ths. Trần Thị Thu Hà, Trưởng phòng Công tác Chính trị-Quản lý sinh viên, Học viện Ngoại giao chia sẻ.

Trong khi đó, Đại học FPT cũng đang tích cực khởi động Chương trình Khởi nghiệp, hợp tác với Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để đưa thành một bộ môn bắt buộc đối với sinh viên trường này từ tháng 5-2013. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho biết, Khởi nghiệp là bộ môn được trường Đại học FPT đưa vào chương trình đào tạo với mong muốn đem đến cho sinh viên những kiến thức căn bản về doanh nghiệp, về khởi sự doanh nghiệp, đây sẽ là những kiến thức nền tảng giúp sinh viên lập nghiệp thành công trong tương lai. “Đây là một trong những chương trình thực hiện cam kết tạo việc làm của Đại học FPT đối với sinh viên. Chương trình là một bước cần thiết để thực hiện mục tiêu tất cả sinh viên FPT đều có việc làm tốt sau khi tốt nghiệp” - ông Nguyễn Thành Nam khẳng định. 

Nói về năng lực của các sinh viên đại học, nguồn lao động chất lượng cao, bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, VCCI cho biết, VCCI rất mong muốn đưa chương trình Khởi nghiệp phổ cập đến các trường ĐH, CĐ, thậm chí là cả các trường THPT tại Việt Nam. Mục đích là để giúp giới trẻ, những người có nhiều khát vọng lập nghiệp, cống hiến có được kiến thức nền tảng trong việc tạo lập sự nghiệp cho mình. “Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2013, đã có tới 15.300 doanh nghiệp phá sản. Phần lớn các doanh nghiệp phá sản là do không nắm vững được những quy luật cơ bản của khởi nghiệp. Bởi vậy, VCCI mong muốn bộ môn Khởi nghiệp sẽ trở thành một phong trào rộng khắp trong các trường ĐH và CĐ trên toàn quốc để sinh viên tốt nghiệp sẽ tiếp cận gần hơn những nhu cầu bức xúc về nhân sự cũng như các bước để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp” - bà Phạm Thị Thu Hằng cho biết.