- Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ
- Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không muốn con tham gia chính quyền mới
- Ông Donald Trump muốn làm gì vào ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng?
Sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông Donald Trump phát biểu trước đông đảo người ủng hộ tại Palm Beach, bang Florida, Mỹ |
Tăng cường kiềm chế, đối đầu với các đối thủ
Những tuyên bố của ông Trump trong chiến dịch tranh cử cho thấy khả năng chính sách đối ngoại của ông sẽ tiếp tục dựa trên nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết” mà ông đưa ra từ nhiệm kỳ trước. Chính sách này sẽ mang đặc điểm của các biện pháp quyết đoán và thường đơn phương, nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ, giảm sự phụ thuộc vào các khuôn khổ đa phương, tiếp tục nhấn mạnh vào tính độc lập kinh tế và khả năng răn đe quân sự.
Nhìn chung, quan điểm đối ngoại của ông Trump gần như đi ngược lại với nhiều nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ sau Thế chiến thứ hai. Ông Trump sẽ tiếp tục định hướng đó trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, sẵn sàng rút lui khỏi các hiệp định và tổ chức quốc tế mà Mỹ đã đóng vai trò lãnh đạo nếu như gây ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ. Ông đã từng quyết định rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới và Hội đồng Nhân quyền LHQ, Hiệp định khí hậu Paris, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong lĩnh vực kinh tế, mặc dù cả hai đảng đều đã rời xa tự do thương mại, nhưng ông Trump có nhiều khả năng sẽ leo thang chiến tranh thương mại hơn so với đảng Dân chủ.
Theo ông Trump, Mỹ là nạn nhân lớn nhất của toàn cầu hóa. Mỹ đã phải trả quá nhiều và nhận được quá ít trong các vấn đề quốc tế. Vì thế, một số nước sẽ phải chịu trận. Trước hết là Trung Quốc, nước mà ông Trump luôn coi là đối thủ kinh tế và chiến lược chính của Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã dứt khoát từ bỏ chính sách hợp tác kinh tế với Trung Quốc mà Mỹ triển khai trước đó để phát động cuộc chiến thương mại đầy tốn kém. Nhiều khả năng ông Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách đó. Mục đích không chỉ giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại và quyền sở hữu trí tuệ, mà quan trọng hơn là ngăn chặn Trung Quốc thách thức quyền bá chủ thế giới của Mỹ.
Chiến tranh thương mại là chính sách đặc trưng của Mỹ và việc phong tỏa công nghệ sẽ được tăng cường trong quan hệ với Trung Quốc. Chính quyền của ông Trump có khả năng sẽ khôi phục hoặc tăng cường các mức thuế và biện pháp kinh tế nhằm giảm thâm hụt thương mại và gây áp lực để Trung Quốc giảm tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng cửa hơn cho doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường 1,4 tỷ người tiêu dùng. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 60% hoặc cao hơn với hàng hóa từ Trung Quốc. Với khẩu hiệu “đưa việc làm trở lại nước Mỹ”, ông có thể tiếp tục khuyến khích các công ty Mỹ giảm phụ thuộc vào sản xuất từ Trung Quốc, thúc đẩy việc “tách rời” kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
Để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, hoạt động quân sự của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể sẽ được tăng cường, với trọng tâm là hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể cả Ấn Độ. Ông Trump có thể kết hợp các chiến lược dưới thời ông Joe Biden, đặc biệt là duy trì các liên minh như Quan hệ đối tác an ninh ba bên Australia - Anh - Mỹ (AUKUS), Đối thoại an ninh bốn bên (Nhóm Bộ tứ) gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia nhằm cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc.
Khi còn là Tổng thống Mỹ, ông Trump đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) tháng 5-2018. Trở lại nắm quyền, ông Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục cứng rắn với Tehran. Lệnh cấm vận của Mỹ với Iran sẽ tiếp tục bị siết chặt. Liên quan đến chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, chưa biết ông có quay lại cách tiếp cận khéo léo với Bình Nhưỡng giống như trong nhiệm kỳ lần trước. Trong quá khứ, ông Trump đã 3 lần gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để thảo luận về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Dưới thời ông Donald Trump, chiến tranh thương mại có thể căng thẳng hơn |
Sòng phẳng cả với đồng minh
Phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử ở Wisconsin hồi tháng 9-2024, ông Trump tuyên bố: “Chúng ta đã bị đối xử rất tệ, chủ yếu là bởi các đồng minh. Các đồng minh của chúng ta thực sự đối xử với chúng ta tệ hơn cả những bên được gọi là kẻ thù của chúng ta. Về mặt quân sự, chúng ta bảo vệ họ và sau đó họ lừa gạt chúng ta về thương mại. Chúng ta sẽ không để điều đó xảy ra nữa”.
Nhiều thập kỷ qua, lưỡng đảng Mỹ đều cho rằng, các liên minh như tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng vai trò trung tâm trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc tế của Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump từ lâu đã chỉ trích NATO và gọi tổ chức này là “lỗi thời” trong chiến dịch tranh cử của mình. Ông cũng chỉ trích gay gắt các đồng minh NATO vì không thực hiện chi tiêu quốc phòng 2% GDP, rằng các nước này đáng bị Nga tấn công.
Trong các phát biểu gần đây, ông Trump có xu hướng ít đề cập đến việc rút Mỹ khỏi NATO như thời gian trước. Ông từng tuyên bố Mỹ sẽ “100% ở lại NATO dưới sự lãnh đạo của ông miễn là các nước châu Âu chơi công bằng”. Những tuyên bố như vậy khiến quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống trở nên căng thẳng. Bình luận về tuyên bố gay gắt của ông Trump, Ngoại trưởng Latvia Krisjanis Karins cho rằng giờ đây châu Âu nên chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của mình.
Với một Trung Đông bất ổn có nguy cơ rơi vào một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, chính sách của ông Trump với đồng minh Israel là tiếp tục cung cấp vũ khí để Israel đối đầu với các lực lượng ủy nhiệm của Iran như Hamas, Hezbollah và Houthi mà không có ràng buộc nào đối với các mối quan tâm nhân đạo. Ông Trump sẽ tiếp tục chính sách thúc đẩy các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với một số quốc gia Arập như trong nhiệm kỳ trước mà không quan tâm đến lợi ích của người Palestine. Chính ông Trump đã tuyên bố Jerusalem là Thủ đô của Israel và ra lệnh chuyển Đại sứ quán của Mỹ tại Israel đến thành phố này, bất chấp sự phản đối của thế giới Arập. Ông cũng ra lệnh đóng cửa Văn phòng Lãnh sự Mỹ phụ trách các vấn đề của người Palestine ở Washington.
Trước việc ông Trump quay lại Nhà Trắng, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu chuẩn bị cho “kịch bản Trump 2.0”. Chẳng hạn, Mexico đã có các cuộc thảo luận về việc bổ nhiệm một ngoại trưởng mới có hiểu biết về ông Trump. Trong khi đó, Australia cũng đã thảo luận về vai trò của đặc phái viên nước này trong việc bảo vệ thỏa thuận về việc Mỹ giúp chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho nước này thông qua thỏa thuận an ninh 3 bên (AUKUS) giữa Mỹ, Anh và Australia.
Các quan chức Đức thì gấp rút đẩy nhanh các cuộc đàm phán với các Thống đốc bang thuộc đảng Cộng hòa của Mỹ bởi Đức đang đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp ở đất nước cờ hoa. Trong khi đó, ở châu Á, Nhật Bản - đồng minh của Mỹ cũng đang có những bước đi để tăng cường cam kết ngoại giao với chính quyền Trump vì lo ngại ông Trump có thể khôi phục chủ nghĩa bảo hộ thương mại và yêu cầu Nhật Bản đóng góp thêm ngân sách để duy trì lực lượng Mỹ ở Nhật Bản.