Dinh dưỡng giúp trẻ em nhanh khỏi sốt xuất huyết

ANTD.VN - Thời tiết mưa nhiều liên tục trong thời gian gần đây chính là điều kiện thuận lợi để sốt xuất huyết bùng phát thành dịch. 

Dinh dưỡng giúp trẻ em nhanh khỏi sốt xuất huyết ảnh 1Các bậc phụ huynh nên lưu ý “giai đoạn vàng” trong chăm sóc và điều trị sốt xuất huyết

Dễ nhầm lẫn với các bệnh khác

Ước tính từ đầu năm 2018 tới nay, cả nước đã có trên 14.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, số ca trẻ em có dấu hiệu gia tăng so với năm ngoái. Khoảng tháng 7-2017, sốt xuất huyết đã bùng phát trên cả nước. Tại miền Bắc, số ca mắc bệnh tăng cao so với năm 2016. Riêng tại Hà Nội, ở một số nơi, số ca bệnh tăng gấp 10 lần. Nếu ở miền Bắc, số ca sốt xuất huyết chủ yếu là người lớn và chỉ có 5% trẻ em mắc bệnh thì ở các tỉnh phía Nam, tỷ lệ này lại ngược lại.

Sốt xuất huyết bản chất không phải là căn bệnh nguy hiểm, tuy nhiên, nó có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề nếu không biết cách chăm sóc và điều trị. Đặc biệt với trẻ nhỏ, do sức đề kháng yếu nên diễn tiến bệnh phát triển khá nhanh. Quan trọng hơn nữa, đó là khi thấy các dấu hiệu ban đỏ xuất hiện trên cơ thể trẻ, nhiều bậc phụ huynh lại không nghĩ đó là sốt xuất huyết mà thường nhầm với các bệnh khác như sốt phát ban, sởi… nên vô tình bỏ qua “giai đoạn vàng” trong chăm sóc và điều trị bệnh.

Khác với những căn bệnh khác, khi khởi phát chỉ sốt nhẹ rồi tăng dần. Thế nhưng, với sốt huyết, khi mắc phải, trẻ sẽ sốt cao đột ngột 38-39 độ C và uống thuốc hạ sốt vẫn không thể giảm nhiệt độ. Kèm theo đó, các ban đỏ xuất hiện và khi dùng tay kéo dãn vùng da có ban đỏ này thì các nốt đó vẫn còn, mà không mất đi như sởi hay sốt phát ban. Nhiều trẻ còn bị đau hốc mắt, đau các khớp, chảy máu ở niêm mạc như chân răng, mũi, đi ngoài phân đen… 

Tăng cường bù nước, ăn thức ăn mềm, lỏng

Thông thường, sốt xuất huyết có thể điều trị ở nhà và chỉ cần nhập viện khi bệnh chuyển biến nặng. Như thế sẽ vừa tiện cho gia đình chăm sóc, vừa tránh quá tải cho các cơ sở y tế. Khi chăm sóc con ở nhà, ngoài chú ý quan sát các dấu hiệu của bệnh xem có tăng nặng không, đồng thời uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn cũng cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng bởi nó sẽ giúp trẻ tăng cường đề kháng và nhanh chóng khỏi bệnh.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hải, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt rất cao, kèm theo mất nước và có thể nôn. Thế nên, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến khâu bù nước. Nước ở đây rất đa dạng, có thể là nước đun sôi để nguội, dung dịch oresol và đặc biệt là nước ép hoa quả. Các loại nước như cam, canh rất tốt vì nó có hàm lượng vitamin C cao, giúp tăng sức bền thành mạch, tránh xuất huyết nội tạng. Bên cạnh chế độ ăn trong bù nước điện giải thì người bệnh cần được ăn các món ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như súp, cháo… 

Các loại súp được khuyên dùng ở đây là súp gà, bò nấu bí đỏ, cà rốt…, bởi hàm lượng vitamin A nhiều. Thịt bò, gà… có nhiều đạm, kẽm giúp tăng cường sức đề kháng, giúp trẻ mau khỏi bệnh. Tuy nhiên, các loại cháo, súp này chỉ là ưu tiên ăn nhiều hơn một chút chứ không phải là toàn bộ dinh dưỡng của trẻ, vì nếu ngày ngày cứ 3-4 bữa cháo, súp sẽ khiến trẻ rơi vào trạng thái chán ăn, đồng thời nguồn dinh dưỡng trẻ nhận được cũng không đa dạng.

Sốt xuất huyết đang vào mùa, thế nên, chuẩn bị những thông tin cần thiết để phòng chống bệnh chưa bao giờ là thừa.