"Định chuẩn" cho làng nghề dược liệu Ninh Hiệp

ANTĐ - Tăng cường kiểm soát, chặn bắt các lô nguyên - dược liệu không rõ nguồn gốc; xác định cụ thể trách nhiệm của cán bộ, đơn vị nào để hình thành vi phạm phức tạp kéo dài trong hoạt động mua bán, tàng trữ dược liệu… những biện pháp ấy được CAH Gia Lâm, Hà Nội triển khai nhiều tháng qua, đã và đang giúp làng nghề truyền thống thuốc Nam, thuốc Bắc Ninh Hiệp có chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh.

Gần 20 tấn nguyên - dược liệu “có vấn đề”

Con số này được CAH Gia Lâm, với chủ công là Đội CSKT, trực tiếp và phối hợp cùng phòng chức năng CATP, cơ quan quản lý thị trường phát hiện, xử lý từ năm 2015 đến nay. Và riêng 6 tháng đầu năm 2016, có 11 vụ với 11 đối tượng buôn bán dược liệu thuốc Nam, thuốc Bắc không rõ nguồn gốc đã bị xử lý, với tang vật gần 14.000kg dược liệu, hơn 5.300 lọ thực phẩm chức năng đông trùng hạ thảo nhập lậu, không đảm bảo chất lượng.

Điển hình là vụ việc bị phát hiện sáng 11-4. Tổ công tác Đội CSKT CAH Gia Lâm trong quá trình phục kích tại địa bàn xã Ninh Hiệp, đã bắt quả tang 1 xe tải chở hơn 5,3 tấn dược liệu không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Chiếc xe tải BKS: 29C-644.32, do Nguyễn Duy Thắng (SN 1983), trú ở thôn 2 xã Đình Xuyên, Gia Lâm điều khiển, chở 14 mặt hàng dược liệu, trị giá hàng trăm triệu đồng.

Một số loại dược liệu có bao bì ghi chữ Trung Quốc. Tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình đủ giấy tờ, hóa đơn hợp lệ liên quan đến số dược liệu trên. Bước đầu, Nguyễn Duy Thắng khai nhận được thuê chở dược liệu từ Bắc Ninh đi Ninh Bình. Cùng với việc lập biên bản tạm giữ số hàng, CAH Gia Lâm phối hợp cùng đơn vị chức năng của Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã tiến hành phân loại, lấy mẫu dược liệu để kiểm nghiệm. 

Con số khác được cập nhật từ Đội QLTT số 8, từ ngày 9-4-2016 đến nay, Đội QLTT số 8 phối hợp cùng lực lượng chức năng phát hiện, xử lý gần 10 cửa hàng kinh doanh thuốc Nam, thuốc Bắc ở Ninh Hiệp vi phạm lỗi thu mua, bán nguyên liệu đông dược các loại không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc; lập biên bản thu giữ gần 1 tấn hàng hóa vi phạm. 

Theo trinh sát lực lượng CSKT Công an Hà Nội, nguyên liệu thuốc Bắc lậu bắt đầu có xu hướng tìm đường “né”. Các mặt hàng nguyên liệu thuốc Bắc được nhập chủ yếu từ Trung Quốc qua Lạng Sơn, sau đó được vận chuyển về xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. Thời gian gần đây, do các cơ quan chức năng đấu tranh mạnh tại địa bàn xã Ninh Hiệp nên các đối tượng đã thay đổi phương thức, thủ đoạn, vận chuyển hàng về tập kết tại khu vực giáp ranh thuộc địa phận thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, sau đó xé lẻ rồi vận chuyển về Hà Nội.

Ngoài Ninh Hiệp, tại Hà Nội còn có một số địa bàn trọng điểm phức tạp về kinh doanh, buôn bán dược liệu không rõ nguồn gốc như khu vực chợ thuốc Bắc tại phố Lãn Ông, phố Thuốc Bắc (quận Hoàn Kiếm)…

Còn nhiều việc phải làm

Chủ tịch xã Ninh Hiệp, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, xã có nghề truyền thống thuốc Nam, thuốc Bắc lâu đời và được UBND TP Hà Nội công nhân đạt danh hiệu làng nghề truyền thống từ năm 2009. Các sản phẩm của làng nghề chủ yếu được thu mua ở các tỉnh phía Bắc và nhập thuốc Bắc từ Trung Quốc về, sau đó sơ chế, vận chuyển đi các nơi tiêu thụ. Sản phẩm thuốc Nam, thuốc Bắc của Ninh Hiệp có chỗ đứng nhất định trên thị trường và là nơi cung cấp khá lớn các nguồn nguyên - dược liệu, thuốc Nam, thuốc Bắc, sản phẩm làm thuốc đã qua sơ chế cho thị trường Hà Nội và toàn quốc.

Địa bàn xã có 9 doanh nghiệp, trong đó có 1 công ty được cơ quan chức năng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu thuốc đông y để bán buôn, bán lẻ. Ngoài ra, còn có 96 hộ kinh doanh cá thể nằm trong hiệp hội làng nghề; 194 cá nhân được cấp chứng chỉ đào tạo y, dược học cổ truyền; 19 hộ kinh doanh cá thể đã có giấy phép đăng ký kinh doanh. Một tình tiết tưởng nhỏ, nhưng đáng phải suy nghĩ, đó là số hộ kinh doanh có giấy phép đăng ký hoạt động còn rất thấp so với tổng số cá nhân, tổ chức chuyên doanh nguyên - dược liệu ở Ninh Hiệp.

Do nhu cầu người dân sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm có nguồn gốc từ Đông y, nên một số đối tượng đã mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo chất lượng về sơ chế, cùng với đó quá trình sơ chế biến không đảm bảo quy định, vẫn bán ra thị trường kiếm lời. 

Nhìn nhận rõ những cơ hội, đặc biệt những tồn tại, tiềm ẩn ở địa bàn, Đại tá An Thanh Bình - Trưởng CAH Gia Lâm chia sẻ, lực lượng chức năng huyện chọn giải pháp kiên trì tác động, nâng cao nhận thức cho các hộ, cá nhân và trước hết, phải thực hiện “nghiêm”, “chuẩn” các quy định của pháp luật. Cuối tháng 4-2016, CAH phối hợp với Sở Y tế, Phòng Cảnh sát kinh tế và phòng chức năng huyện mở hội nghị tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn các quy định, yêu cầu về hoạt động kinh doanh đối với gần 200 hộ kinh doanh - sơ chế dược liệu trên địa bàn xã Ninh Hiệp.

Tại hội nghị này, những tồn tại đã được trao đổi hết sức thẳng thắn: tâm lý, cách nghĩ khá đơn giản, tùy tiện của nhiều hộ kinh doanh đã và đang ảnh hưởng nhất định đến thương hiệu của làng nghề, gây lo lắng đối với cộng đồng, người dân. Từ đó, lần lượt đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng đã thông tin, trao đổi những quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh; quy trình sơ chế, bảo quản dược liệu và giải đáp những băn khoăn của người dân trong quá trình kinh doanh, sơ chế dược liệu. 

Nguyên tắc đơn giản nhất song hết sức quan trọng đã được các hộ kinh doanh dược liệu ký cam kết với cơ quan chức năng, là mua bán hàng hóa phải rõ nguồn gốc, có hóa đơn chứng từ. Bên cạnh đó, huyện sẽ hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa cho việc cấp giấy phép kinh doanh, để người dân chấp hành đúng quy định pháp luật.

“Cùng với việc đánh chặn những chuyến hàng lậu, chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chức năng nỗ lực từng bước định hướng đi đúng đắn cho làng nghề Ninh Hiệp. Đang có những cách nghĩ, cách làm không đạt chuẩn, nhưng cũng có cả những cách hiểu chưa đúng về đặc thù làng nghề, về quy trình thu mua, sơ chế, bảo quản nguyên - dược liệu. Phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm…”, Thượng tá Đặng Hữu Quân - Phó trưởng CAH Gia Lâm, Hà Nội nhìn nhận.

Theo Dược sỹ chuyên khoa II, ông Bùi Thanh Tùng, công tác tại Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế): “Dược liệu không đảm bảo chất lượng, có tồn dư chất bảo quản, hay dược liệu “rác”, nếu vô ý sử dụng sẽ gây hại cho sức khỏe. Người dùng không những không khỏi bệnh mà còn sinh bệnh”.

Tập trung đấu tranh các đường dây buôn lậu dược liệu

Ngày 20-6, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã ký văn bản, yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ, các địa bàn tăng cường đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trong các hoạt động kinh doanh, buôn bán dược liệu, nguyên liệu.

Trong 7 nhiệm vụ trọng tâm, CATP quán triệt đến các đơn vị, địa bàn triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác điều tra cơ bản; xác lập chuyên án để tập trung đấu tranh với các tổ chức, đường dây, đối tượng buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, mua bán dược liệu, nguyên liệu, thuốc Bắc, thuốc Nam không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác điều tra, mở rộng vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng hoạt động phạm tội. CATP cũng yêu cầu xem xét, xử lý trách nhiệm cán bộ, chiến sỹ được giao quản lý địa bàn mà không nắm được tình hình, không đề xuất biện pháp giải quyết, để hoạt động sản xuất, kinh doanh dược liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoạt động công khai tại địa bàn.