Đình chỉ toàn bộ công tác tuyển sinh 3 trường ĐH

ANTĐ - Như lãnh đạo Bộ tuyên bố thì kết quả thanh tra đợt một với 24 trường đại học đầu tiên đã cho thấy lỗ hổng lớn về điều kiện giảng dạy của các trường khi mà nhiều nơi vẫn không thực hiện đúng cam kết về xây dựng trường và đảm bảo đội ngũ giảng viên (GV) cơ hữu.

Lần đầu tiên Bộ GD-ĐT quyết định đình chỉ tuyển sinh một số trường và ngành đào tạo


Tuyển sinh ồ ạt dù không có đất, thiếu giảng viên

Theo ông Nguyễn Hữu Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, với tỷ lệ sinh viên (SV) trên GV cơ hữu quá cao đồng thời chưa có đất xây dựng, trường ĐH Văn Hiến và Đông Đô đã phải chịu hình thức xử lý là đình chỉ tuyển sinh năm 2012. Được biết, ĐH Văn Hiến có 4.947 SV/52 GV, tức là 1 giảng viên cho 95 SV trong khi theo quy định của Bộ GD-ĐT tỷ lệ này cao nhất được phép là 25 SV/GV. Với ĐH Đông Đô, tỷ lệ này là 4.276 SV/77 GV, tức là 55 SV/GV. Cùng chịu hình thức xử lý này còn có trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM vì lý do diện tích đất xây dựng trường quá nhỏ và tỷ lệ SV trên GV cơ hữu quá cao, hơn 84 SV/GV. Điều đáng nói là ĐH Đông Đô là một trong những trường đại học ngoài công lập thành lập sớm nhất trên cả nước và đã hoạt động được 17 năm nay nhưng chỉ dựa vào cơ sở vật chất thuê mướn.

Bên cạnh 3 trường ĐH bị đình chỉ tuyển sinh thì còn 4 trường nữa bị đình chỉ với 12 ngành đào tạo. Trong đó bao gồm các trường ĐH Chu Văn An, đình chỉ tuyển sinh 4 ngành là Kỹ thuật xây dựng công trình, tiếng Anh, tiếng  Trung, Việt Nam học do chưa có GV cơ hữu có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ. Trường ĐH Lương Thế Vinh, đình chỉ tuyển sinh 4 ngành là Công nghệ Kỹ thuật điện - điện tử; Công nghệ thực phẩm, Bảo vệ thực vật, Khoa học Thư viện do chưa có GV cơ hữu có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ. Trường ĐH Nguyễn Trãi, đình chỉ tuyển sinh 2 ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh do chưa có GV cơ hữu có trình độ tiến sỹ, tỉ lệ SV/GV cao. ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, đình chỉ 2 ngành là Kế toán, Quản trị kinh doanh do chưa có GV cơ hữu có trình độ tiến sỹ, tỉ lệ SV/GV cao.

Các trường và ngành đào tạo bị đình chỉ tuyển sinh lần này đều được đưa ra thời hạn trong năm 2013 phải khắc phục được các điều kiện bảo đảm chất lượng nếu không sẽ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục hoặc quyết định mở ngành.

Tiếp tục mở rộng thanh tra

Ngoài những trường chính thức bị đình chỉ nói trên, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, Bộ cũng ra quyết định cảnh cáo 3 trường chưa có đất là ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô, ĐH Nguyễn Trãi. Đến năm 2013, nếu các trường này vẫn chưa có đất xây dựng trường theo cam kết thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, qua kiểm tra, đã phát hiện tình trạng cơ sở vật chất phải thuê mướn, không bảo đảm môi trường sư phạm, trường có trụ sở riêng nhưng diện tích đất quá chật hẹp, có trường diện tích đất chỉ có 0,3ha, có trường diện tích sàn xây dựng bình quân chưa đầy 1m2/sinh viên. Trường đã được giao trên 10 ngành đào tạo trình độ ĐH nhưng chỉ có trên 70 giảng viên cơ hữu, trong đó có ngành chỉ có 1-2 giảng viên cơ hữu… Đây là những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo đại học hiện nay. Do vậy, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, việc kiểm tra các trường ĐH, CĐ thành lập trong thời gian từ năm 1998 đến 2010 bao gồm cả trường công lập, tư thục, cả trường thành lập mới, trường nâng cấp từ trung cấp chuyên nghiệp lên CĐ và từ CĐ lên ĐH... trên phạm vi cả nước sẽ được tiếp tục mở rộng sau 24 trường đầu tiên này. 

Trước quyết định xử lý này, các trường cũng đã có phản hồi ban đầu. Theo ông Đặng Ứng Vận - Hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình, ngoài vấn đề chủ quan của các trường là đưa quy mô đào tạo quá cao khi xây dựng dự án thì còn có nguyên nhân khách quan về đất xây dựng bị hoãn do nằm trên địa bàn phải rà soát lại sau khi sáp nhập về Hà Nội và đang chờ thành phố quyết định cho xây dựng. Còn lãnh đạo trường ĐH Văn Hiến cho biết ngay trong tuần tới trường sẽ có văn bản chính thức trả lời Bộ về những kết luận của Bộ, trong đó, trường sẽ đưa ra hướng giải quyết tích cực và mong Bộ xem việc dừng tuyển sinh với những khoa ngành vẫn đạt tiêu chuẩn của trường.

Đình chỉ đào tạo trái phép cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ 4 cơ sở liên kết đào tạo

Ngày 30-12, Bộ GD-ĐT đã công bố kết luận kết quả thanh tra 4 cơ sở liên kết đào tạo trái phép chương trình cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ bao gồm Viện Kế toán Quản trị doanh nghiệp (IABM), địa chỉ tại 285 Cách mạng tháng Tám, phường 12, quận 10, Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục Việt Nam (ERC Việt Nam) có trụ sở tại 86 - 88 - 92 Huỳnh Văn Bánh, phường 15, quận Phú Nhuận và Công ty TNHH ILA Việt Nam, có trụ sở tại 51 Nguyễn Cư Trinh, quận I, Công ty TNHH dạy nghề đào tạo Quốc tế RAFFLES Việt Nam, 117 Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, quận Phú Nhuận đều thuộc địa bàn TP.HCM.
Đồng thời với quyết định không công nhận văn bằng đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ của 4 cơ sở hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài trên, cơ quan chức năng của Bộ GD-ĐT đã yêu cầu trả lại kinh phí cho người học và thông báo việc này cho các cơ quan đại sứ có liên quan tại Việt Nam.