Hồ "nuốt xác" ở Hà Nội

Đình Chèm: Vùng đất thiêng...

ANTĐ -Khúc sông Hồng, đoạn chảy qua đình Chèm xưa nay nổi tiếng là địa điểm lý tưởng để người dân đến vãn cảnh đình, ngắm cảnh sông… Tuy nhiên, đây cũng là “địa chỉ” của những cái chết thương tâm, dâng thân mình cho hà bá. Không ít người đặt câu hỏi: “Tại sao nơi đây xảy ra nhiều cái chết như vậy?”.

Khúc sông… chết

Những cụ cao niên ở làng Chèm nhớ lại, năm nào đoạn sông trước cửa đình Chèm cũng có người chết. Tự tử có, chết đuối do tắm sông, trượt chân ngã cũng có… Chúng tôi đến đình Chèm, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội vào một chiều cuối tuần, phong cảnh nơi đây quả không hổ danh là “Bến Hàn Quốc thứ 2” sau “Bến Hàn Quốc” ở hồ Tây. Khung cảnh tĩnh lặng, trang nghiêm nơi cửa đình, gió mát nhè nhẹ từ sông thổi vào, mặt nước sông Hồng êm ả trôi; nhìn quang cảnh nơi đây mấy ai có thể ngờ được khúc sông này đã cướp đi sinh mạng của không ít người… Một chiều cuối tuần, khi chúng tôi có mặt tại đây cũng có khá đông thanh niên tụ tập chụp ảnh. Bất chấp những lời cảnh báo nguy hiểm đến tính mạng từ người dân quanh làng, không ít các cặp nam nữ vẫn ra triền đê sát mặt sông ngồi tâm sự…

Theo những người có kinh nghiệm sông nước nơi đây, nhìn dòng nước tĩnh lặng vậy, nhưng thực tế chảy rất xiết. Hơn nữa, đây là bờ kè, nên khu vực này có rất nhiều hẻm sâu, chỉ cần trượt chân xuống là chắc chắn sẽ bị nước “nuốt” trọn. Chưa kể các xoáy nước xuất hiện ngầm bên dưới lòng sông, vì vậy chính tại địa điểm này năm nào cũng có người bị cướp đi tính mạng. “Nơi đây ẩn chứa đầy nguy hiểm, có nhiều người chết như vậy, chẳng hiểu sao bọn trẻ nó vẫn mạo hiểm ra sát triền sông đến thế?” - Câu nói của ông Nguyễn Đình Văn, người làng Chèm khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ và lục lại quá khứ. Chắc hẳn, chưa ai có thể quên cái chết thương tâm của Lê Hoàng Lâm (20 tuổi), quê ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, sinh viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã tự kết liễu cuộc đời mình bằng cách gieo mình xuống sông Hồng, đoạn chạy qua của đình Chèm.

Sáng 16-2-2009, CAH Từ Liêm nhận được tin báo tại kè sông Hồng trước cửa đình Chèm (Đông Ngạc, Từ Liêm) xảy ra vụ tự tử. Theo lời bạn gái của Lâm là Bùi Thị Huệ (19 tuổi), quê ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, sinh viên trường CĐ Tài nguyên Môi trường thì Lâm và Huệ có quan hệ tình cảm từ đầu năm 2008, tuy nhiên bị gia đình hai bên kịch liệt ngăn cản. Khoảng 8h30 ngày 16-2-2009, Lâm đi xe máy đến nơi Huệ thuê trọ rồi cùng nhau ra đình Chèm nói chuyện. Sau đó, do không giải quyết được khúc mắc Huệ đi lên bờ trước và bảo Lâm cùng về nhưng anh không đi. Lát sau, Huệ nghe có tiếng động mạnh, nhìn xuống thì thấy Lâm đã nhảy xuống sông. Huệ đã kêu cứu nhưng do khu vực chân kè nước sâu, chảy xiết nên mọi người không cứu được Lâm. Đến chiều cùng ngày, gia đình phối hợp với CAH Từ Liêm đã vớt được xác Lâm cách kè nước khoảng 30m.

Khi nhắc đến những cái chết tại khúc sông Hồng trước cửa đình Chèm, người dân quanh khu vực này vẫn thường nhắc đến cái chết của em Lê Thành Lộc (SN 1995), học sinh trường THCS Thụy Phương. Người dân quanh đây kể lại vào khoảng 8h30 ngày 15-7-2007, sau khi đi làm thủ tục nhập trường THCS Thụy Phương, 3 em Lê Thành Lộc, Nguyễn Duy Đức, Nguyễn Hoàng Long cùng trú tại thôn Đình, Thụy Phương, Từ Liêm rủ nhau ra sông Hồng tắm. Trên đường đi gặp Nguyễn Thanh Hải, 3 em rủ Hải đi cùng. Cả 4 em đã xuống khu vực trước cửa đình Chèm để tắm. Trong lúc tắm, phát hiện em Lộc bị chết đuối, 3 em còn lại liền chạy về nhà gọi gia đình ra cứu nhưng không kịp, Lộc đã bị dòng nước lấy đi tính mạng. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Văn Ngọc (ở xã Đông Ngạc, Từ Liêm), nhà cách đình Chèm khoảng 100m. Anh được biết đến là “chuyên gia” cứu người vớt xác, có nhiều kinh nghiệm cũng như nhiều lần cứu người, vớt xác ở khu vực này. Anh Ngọc nhớ lại: “Cách đây 3 năm, khoảng tháng  6-2006, tại đúng vị trí cậu sinh viên Lâm chết, cũng từng có một bé gái đang học THCS tự tử. Vì bị mọi người nghi ngờ ăn cắp bút của bạn cùng lớp, cô bé đã chán nản, ra đê ngồi khóc, đúng với vị trí của Lâm với người yêu ngồi tâm sự. Thật buồn vì cô bé đã lựa chọn cái chết để “chứng minh” sự trong sạch của mình.

Quá khứ thiêng 

Một bậc cao niên của làng Chèm là cụ Nguyễn Văn Mão (85 tuổi), hàng chục năm nay chiều nào cụ cũng tản bộ dọc đoạn đê trước cổng đình Chèm nên hầu như tất cả các câu chuyện xảy ra trong làng, ngoài đình cụ đều biết. Cụ Nguyễn Văn Mão kể: “Ở khúc sông này năm nào cũng có người chết. Năm ít cũng 4, 5 mạng người, năm nhiều có khi đến hơn chục mạng. Đấy là chưa kể những trường hợp chết về ban đêm, không ai phát hiện ra”. Với kinh nghiệm có được và qua những cái chết mà cụ biết, cụ Mão đúc rút lại, tất cả những người chết ở đây đều có điểm chung: “Đa phần người chết là nam giới, còn rất trẻ, chưa ai lập gia đình. Điểm đáng chú ý nữa, tất cả những cái chết đều xảy trong phạm vi đoạn đê dài khoảng 600m, tính từ cửa đình Chèm ngược về phía thượng nguồn, đến đoạn cầu Chèm. Về thời gian xảy ra, chủ yếu là vào tháng 5, tháng 6 hàng năm, đây là thời điểm nước lên. Đồng thời đây cũng là thời gian diễn ra Lễ hội chính của đình Chèm.  Liệu tất cả có phải là “ngẫu nhiên”?”.

Đa phần những người dân sinh sống quanh đình Chèm khi được hỏi về đình Chèm đều khẳng định: “Đình này thiêng lắm, thời xưa nếu ai đi qua đình mà không xuống ngựa, ngả nón… chắc chắn đi đường sẽ gặp chuyện không hay”. Đình Chèm được biết đến là một trong những ngôi đình cổ nhất nước, theo các bậc cao niên trong làng kể lại, ngôi đình có niên đại cách đây hơn 2.000 năm. Đình từng trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của thời gian, lịch sử. Tuy nhiên, từ lối kiến trúc, đến các bộ phận như cột, kèo… vẫn còn vẹn nguyên từ khi xây dựng cho đến nay. Cụ Hoàng Văn Giáp, người trông coi đình Chèm kể cho chúng tôi về lịch sử ngôi đình này: “Đình thờ Lý Ông Trọng (tức Lý Thân), cùng vợ và các con ông. Theo truyền thuyết, vào cuối thời Hùng Vương ở làng Chèm có người họ Lý tên Thân, hiệu là Ông Trọng. Ông có vóc dáng khổng lồ, nổi tiếng cả 3 nước Âu Lạc, nước Tần và nước Hung Nô. Đến đời An Dương Vương, nước ta có giặc Tần xâm lược, Lý Ông Trọng theo An Dương Vương đánh thắng quân Tần. Về sau, Lý Thân được cử đi sứ nhà Tần. Ở nước Tần, ông được cử cầm quân đi đánh Hung Nô. Thắng trận, Vua Tần phong Lý Thân chức Tư lệnh hiệu úy và gả Công chúa cho. Vua Tần muốn giữ ông ở lại, nhưng Lý Thân nhất quyết về lại quê nhà, Công chúa nước Tần cũng theo về sống với ông ở làng Chèm. Họ có 6 người con (4 trai, 2 gái). Khi Lý Thân qua đời, dân làng Chèm lập miếu thờ. Sau đó, miếu thờ Ông Trọng được sửa thành đền thờ cho tới ngày nay.

Khi xây dựng, đình nằm trong đê, nhưng cách đây khoảng 200 năm, một trận lụt làm vỡ đê, sau đó đê được đắp lại vòng ra sau đình, như hiện nay. Đình được xây dựng theo thế chữ Đinh với những cây cột trụ to. Trong hậu cung có hai tượng Đức Ông, Đức Bà tạc bằng gỗ quý. Hội đình Chèm diễn ra trong 3 ngày, từ 14 đến 16-5 âm lịch. Ngày 15 là ngày hội chính, với lễ rước nước, có 3 con thuyền rồng của 3 làng (làng Chèm, làng Liên Mạc và làng Hoàng Mạc) bơi ra giữa sông Hồng múc nước sông đổ vào chĩnh rồi biểu diễn quay thuyền 3 vòng trước khi bơi vào bờ. Sau đó là đám rước nước vào đình để tắm cho Ngài (tức Ông Trọng)”.

Hai cụ Hoàng Văn Giáp và Nguyễn Văn Mão dẫn chúng tôi ra trước cửa đình, chỉ tay về phía sông Hồng, cụ Mão kể: “Sau khi đê vỡ, đình nằm ra ngoài đê, như một mô đất nhô ra sông Hồng. Trước đây, nơi này được gọi là Gảnh đình Chèm, có hình chữ S. Vì nó dơ ra ngoài, nên nước từ trên thượng nguồn đổ về thúc thẳng vào trước cửa đình. Để chặn dòng nước, khoảng mấy trăm năm về trước các cụ xây Hòn Tường để chắn dòng nước, không cho xói vào đình. Đình Chèm có vị trí rất đắc địa. Đình nhìn sang bên kia sông Hồng là núi Sóc Sơn. Nên nơi đây được xem là sơn thủy hữu tình, hôm nào tiết trời đẹp có thể trông thấy các dãy núi bên kia sông. Ngày xưa đây là bến phà, thời chiến tranh nếu muốn qua sông thì phải qua bằng bến phà này”. Cụ Giáp kể lại: “Đình này rất thiêng. Ngày xưa, nếu con gái, đi qua không ngả nón về sẽ đau bụng mà chết… Hàng năm mỗi khi người làng có ai thi cử đều ra đây thắp hương xin Ngài phù hộ. Phần lớn những người đến xin đều đỗ đạt”.

Điểm “chết” bí ẩn

Những người lái đò kể lại, vào mùa nước lên mực nước sông Hồng dâng cao sát mặt sân đình. Dòng nước hung dữ cuồn cuộn chảy qua như muốn cuốn phăng đi mọi vật cản trên đường. Sự hung dữ tăng thêm bội phần khi xuất hiện 2 cái hút nước đúng vào vị trí có nhiều người chết kể trên. Đến nay điều mà ngay cả cụ Mão lẫn anh Ngọc đều không thể giải thích được là tại sao người chết ở đây đều rất trẻ mà lại tập trung trong phạm vi 600m trước cửa đình (?). Phân bố chủ yếu ở 2 điểm, một là điểm kè đê chỗ cậu sinh viên Lâm chết, hai là ở mỏm Hòn Tường còn sót lại… Để minh chứng với chúng tôi, cụ Mão kể năm 2007, cháu bé Lê Thành Lộc ra tắm đúng chỗ Hòn Tường thì bị chết đuối. Anh Nguyễn Văn Ngọc dẫn chứng thêm, cách đây khoảng hơn 5 năm, cũng trong ngày hội đình, anh đã cứu được 3 cậu học sinh ngấp nghé cái chết vì ra sông tắm đúng lúc nước lên ở vị trí Hòn Tường.

Trong khoảng hơn 10 năm, kể từ lần đầu tiên anh Ngọc cứu người, anh từng 2 lần cứu người thoát chết vì trượt chân xuống sông, đúng vị trí mà Lâm gieo mình. Vì là người có kinh nghiệm sông nước, do lái tàu thủy nhiều năm nên hầu như lần nào có người chết, phải mò xác ở đây anh Ngọc đều tham gia. Ngay như trường hợp của cậu sinh viên Lâm, anh cũng được người nhà nhờ tham gia quá trình tìm xác. Anh Ngọc phân trần: “Đã có rất nhiều gia đình nạn nhân thuê thầy đến để gọi hồn nhưng đa phần là không gọi được hồn về nên năm nào cũng có người chết để thế mạng”…

Dạo một vòng quanh các hồ ở Thủ đô, từ hồ Văn, hồ Nghĩa Tân… đến hồ Văn Quán, rồi nghe những câu chuyện về những người xấu số chết ở hồ khiến cho câu chuyện về hồ “nuốt” xác luôn là điều bí ẩn, và là nỗi ám ảnh của nhiều người dân sống quanh những cái hồ như thế. ANTĐ Cuối tuần sẽ cùng bạn đọc đi tìm sự thật ở kỳ sau: “Hồ “nuốt” xác: Sự thật chiếm bao nhiêu%?”.