"Đỉnh cao chói lọi": 74 năm ngày chiến thắng phát xít

ANTD.VN - Cách đây đúng 74 năm, ngày 9-5-1945, phát xít Đức đã phải ký biên bản đầu hàng vô điều kiện Hồng quân Liên Xô. Chiến thắng trên đã tạo đà cho một loạt các nước châu Âu và châu Á vùng lên xóa bỏ ách thống trị thực dân phát xít và thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân.

Các mốc thời gian quan trọng

Ngày 1-9-1939, Chiến tranh thế giới thứ 2 chính thức bùng bổ khi phát xít Đức gây chiến, tấn công Ba Lan. Quân phiệt Nhật và phát xít Italia xâm lược những thuộc địa vũ của Hà Lan, Anh, Pháp tại châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Năm 1941-1943, Đức đơn phương hủy bỏ Hiệp ước không xâm phạm Xô - Đức, mở các cuộc tấn công Liên Xô; hàng chục sư đoàn và lữ đoàn phát xít Đức bị quân và dân Liên Xô tiêu diệt.

Ngày Hồng quân Liên Xô giành chiến thắng trước phát xít Đức trong thế chiến thứ 2

Trong năm 1943, Hồng quân Liên Xô đã giải phóng tổ quốc, rồi lần lượt giải phóng Nam Tư, Albania, Ba Lan, Romania, Hungary, Tiệp Khắc. Anh, Mỹ mở mặt trận Tây Âu; Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxemburg, Italia lần lượt được giải phóng.

Ngày 30-4-1945, lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô phấp phới bay trên tòa nhà Quốc hội Đức.

Ngày 9-5-1945, thay mặt Đức quốc xã, Thống soái Wilhelm Keitel ký biên bản xác nhận sự đầu hàng vô điều kiện của phát xít Đức. Sau khi đánh bại phát xít Đức, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, buộc Nhật phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Chiến tranh thế giới thứ 2 chính thức kết thúc.

Đỉnh cao chói lọi

Ngày 9-5-2019 đánh dấu 74 năm ngày chiến thắng Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945). Sự vĩ đại của nó được nhiều dân tộc trên thế giới ghi nhận, đó là ngày giải phóng các dân tộc khỏi sự nô lệ và hủy diệt. 

Theo giới sử học, cuộc chiến này được sinh ra bởi hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa; là cuộc đấu tranh giữa các độc quyền tư bản cho việc tái phân chia thế giới, các nguồn tài nguyên và thị trường đầu tư. 

Nguyên soái Zhukov trong buổi lễ ăn mừng chiến thắng năm 1945 

Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại là cuộc chiến của nhân dân Liên Xô chống lại quân xâm lược Đức quốc xã, giải phóng các dân tộc nô lệ. Cuộc chiến có quy mô lớn cả về số lượng các đơn vị quân đội tham gia, lẫn trang thiết bị quân sự và các nguồn lực vật chất. 

Theo thống kê của Bộ quốc phòng Nga, chiến tuyến khoảng 6.000 km, hơn 10 triệu binh sĩ và sĩ quan cả hai phe (đồng minh và phát xít) đã tham gia vào các trận chiến. 

Mục tiêu chính không chỉ là đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi quê hương, mà còn giúp giải phóng các dân tộc nô lệ ở châu Âu, đây là nghĩa vụ quốc tế của Liên Xô. 

Quân và dân Liên Xô trong cuộc đấu tranh chống lại quân xâm lược phát xít Đức đã thể hiện chủ nghĩa nhân văn cao cả đối với các dân tộc được giải phóng ở châu Âu, thái độ tôn trọng đối với các giá trị vật chất và văn hóa của họ. Theo đó, Liên Xô đã giúp giải phóng 11 quốc gia châu Âu khỏi sự chiếm đóng của Đức, trong đó có Ba Lan, Tiệp Khắc, Romania, Hungary, Bulgaria, Nam Tư và Áo... 

Cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 - trận chiến lịch sử của người dân Liên Xô và lực lượng vũ trang của họ chống lại phát xít Đức, kéo dài trong 1418 ngày đêm.

Không chỉ Liên Xô chống lại phát xít Đức, mà hầu như tất cả các nước châu Âu bị Đức bắt làm nô lệ đều tham gia vào cuộc chiến. Sự tham gia của họ trong cuộc chiến chống kẻ độc tài Adolf Hitler được gọi là một "cuộc thập tự chinh" thực sự ở châu Âu.

Khởi đầu không thuận lợi

2 năm đầu cuộc chiến chống phát xít của quân đội Liên Xô không thuận lợi, chủ yếu là các hoạt động phòng thủ, có những thất bại, tổn thất của các đơn vị quân đội. 

Những thất bại và mất mát của quân đội Liên Xô được giải thích bởi các yếu tố sau. (1) Tại thời điểm tấn công Liên Xô, quân đội Đức đã 3 năm kinh nghiệm trong chiến tranh và huy động lực lượng vũ trang. (2) Vào đầu cuộc chiến, quân đội Đức có lợi thế trong việc cung cấp cho quân đội các trang thiết bị, vũ khí quân sự mới (xe tăng, máy bay, pháo binh,...), trong khi đó, quân đội Liên Xô mới bắt đầu sản xuất một số loại vũ khí. (3) Sự vắng mặt tại mặt trận thứ hai ở châu Âu cho phép Bộ chỉ huy quân sự Đức tập trung lực lượng đánh Liên Xô. (4) Liên Xô đã có những tính toán sai lầm trong việc đánh giá thời gian có thể xảy ra cuộc tấn công của Hitler và những thiếu sót trong khâu chuẩn bị trong những ngày đầu của cuộc chiến. Tất cả những thiếu sót đó đã dẫn đến việc quân đội Liên Xô phải chiến đấu với một kẻ thù rất mạnh. 

Kết quả là, một sự thay đổi căn bản đã được thực hiện sau giai đoạn đầu của cuộc chiến, đặc biệt là sau chiến thắng lịch sử tại Kursk. Chiến thắng tại Kursk đã chứng minh cho sự gia tăng sức mạnh gia tăng đáng kể của Liên Xô và các lực lượng vũ trang của họ.

Những tượng đài lịch sử

Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nhấn mạnh rằng, "chính Hồng quân đã giành chiến thắng ngay từ trong bộ máy quân sự của Đức quốc xã".

Trong cuộc chiến tranh thế giới lần 2, Liên Xô đã cài cắm nhiều điệp viên, chui sâu leo cao vào bộ máy của Đức, nắm giữ nhiều vị trí then chốt, qua đó, thông tin kịp thời phục vụ Bộ Tổng tham mưu Liên Xô giành các chiến thắng quan trọng, tiến tới giành chiến thắng cho phe đồng minh. 

Cuộc diễu binh ăn mừng chiến thắng vào tháng 5-1945

Chiến thắng của nhân dân Liên Xô và các lực lượng vũ trang của họ trước phát xít Đức đã phải trả giá khá đắt khi 27 triệu người đã hy sinh cho tự do và độc lập của quê hương, trong đó có gần 10 triệu chiến sỹ tử trận trên chiến trường. 

Chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã phản ánh những lợi thế to lớn của hệ thống xã hội chủ nghĩa, quyền sở hữu nhà nước đối với tư liệu sản xuất so với chủ nghĩa tư bản, hệ thống kinh tế tư bản dựa trên tài sản tư nhân và kinh tế thị trường. 

Nhờ hệ thống nhà nước xã hội, đã tạo điều kiện quân đội Liên Xô nhanh chóng tập hợp lực lượng để chống lại quân xâm lược Đức. 

Nhưng yếu tố chính để giành được chiến thắng vĩ đại trong những năm chiến tranh là sức mạnh tinh thần to lớn của người dân Liên Xô, dựa trên hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa khoa học. Bắt đầu từ mẫu giáo, trẻ em Liên Xô đã được nuôi dưỡng trong tinh thần yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau, tôn trọng người lớn tuổi và tình yêu quê hương, đất nước. 

Sau cuộc chiến 1941-1945, tượng đài những người lính góp công giải phóng Liên Xô đã được dựng lên không chỉ trên lãnh thổ Liên Xô, mà còn ở các nước được Quân đội Liên Xô giải phóng khỏi chủ nghĩa phát xít như Áo, Bulgaria, Hungary, Na Uy, Romania, Tiệp Khắc, Nam Tư. 

Tại Berlin, vào ngày 8-5-1949, để tưởng nhớ chiến công anh hùng của những người giải phóng Liên Xô, một phòng tưởng niệm nằm trên đỉnh đồi đã được xây dựng, trên đó nổi bật là một hình tượng chiến binh giải phóng bằng đồng, cao 13m: một người lính Liên Xô đã giải cứu đứa con của mình. Tượng đài này tôn vinh và bảo vệ người dân Đức, thoát khỏi chủ nghĩa phát xít tàn độc. 

Kết quả quan trọng nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại là sự thất bại cay đắng của phé phát xít và tạo làn sóng giải phóng các dân tộc khỏi sự nô lệ của các quốc gia khác trên thế giới: Ấn Độ, Myanmar, Philippines, Campuchia, Lào, Việt Nam và các nước khác. 

Chiến thắng vĩ đại trên đã đẩy nhanh quá trình phát triển xã hội, tạo ra những thay đổi quan trọng đối với hệ thống quan hệ xã hội thế giới.

Ngày 9-5 là ngày "Chiến thắng vĩ đại" của nhân dân Liên Xô trước chủ nghĩa phát xít. Đồng thời, đây cũng là ngày lễ tuyệt vời để người dân Nga, Belarus và Ucraina tưởng nhớ những người lính đã hy sinh cho độc lập dân tộc, mang lại cho nhân dân tự do và hạnh phúc. Cho dù thời gian có trôi qua, những quốc gia này vẫn sẽ luôn ghi nhớ chiến thắng vĩ đại này như một phần của lịch sử, "phẩm giá" của dân tộc.