Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:

Điều tuyệt vời nhất cuộc đời là lấy được một người vợ đảm và cầm bút viết...

ANTD.VN - Phố sách Hà Nội ngày cuối tuần vừa qua chật kín độc giả xếp hàng chờ nhận chữ ký nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhân dịp ông ra mắt độc giả cuốn sách “Cây chuối non đi giày xanh”. Đôi mắt, nụ cười nhà văn sáng bừng khi nhận được tình cảm nồng hậu của độc giả Thủ đô.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký sách, bắt tay độc giả từ 8h sáng tới gần 2 rưỡi chiều, trong khi dự kiến 12h trưa chương trình sẽ khép lại. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bên lề khoảnh khắc ấy xoay quanh việc viết lách văn chương sau khi ông đã ký sách... mỏi nhừ tay.

Tâm hồn được sinh ra để chờ đáp lại niềm yêu mến đến từ một tâm hồn khác

- PV: Hầu hết các độc giả đều nhận định rằng ông trẻ hơn so với tuổi. Thưa ông, ông trẻ lâu có phải vì không phải làm việc nhà, vì việc nhà đã có vợ lo hết, hay vì những người bạn của ông có nhiều người trẻ?

- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Tôi cũng chơi với những người trẻ, chơi bình thường thôi, không có gì quá đặc biệt. Nhưng tôi trẻ ở ngoài đời và trong văn chương vì vợ tôi lo quán xuyến việc gia đình cho tôi được tập trung viết lách. Tôi cũng giúp vợ mình, đôi khi... (Cười). Thỉnh thoảng, tôi cũng giúp vợ đun được một ấm nước sôi.

- Ông có bất ngờ không khi 8h sáng buổi ký tặng bắt đầu nhưng có độc giả đã đến xếp hàng chờ từ 4h sớm tinh mơ?

- Tôi cũng bất ngờ chứ, nhưng tôi biết rằng các bạn xếp hàng đông như vậy không đơn thuần đi xin chữ ký vào một cuốn sách mà thể hiện tình cảm đối với một nhà văn. Có thể, tôi viết 30 năm nay cũng đồng hành với tuổi thơ của một số bạn. Tôi ngồi trong gian phòng này cũng thấy mùa đông Hà Nội lạnh, các bạn chờ trong trời lạnh như vậy thể hiện tình cảm đối với tôi, điều đó khiến tôi cảm động.

Trong cuốn sách “Tôi là Bê Tô”, tôi có viết: “Tâm hồn của chúng ta được sinh ra để chờ đáp lại niềm yêu mến đến từ một tâm hồn khác. Nó giống như chiếc ống sáo, sẵn sàng reo lên khi ngọn gió mùa hè thổi qua”. Tâm trạng của tôi giống như chiếc ống sáo vậy, thấy các bạn đến rất đông, tôi thực sự rất vui và cảm động, thêm tin vào công việc chọn lựa sáng tác cho thanh thiếu niên của mình.

- Độc giả nhiều lứa tuổi đọc sách ông viết, có người già, người trẻ, cách họ thể hiện tình cảm với cây viết thần tượng của mình có gì khác không?

- Tôi thấy cách họ thể hiện tình cảm không khác nhau nhiều. Tất nhiên cái cách cảm nhận thì trẻ em khác người lớn. Trẻ em đọc sách tôi viết giống như nhìn vào gương, thấy bản thân mình trong những trang viết, thấy thầy cô, bạn bè mình... những điều thân thuộc. Còn người lớn đọc sách tôi viết như đọc một tấm bản đồ, bản đồ này dẫn dắt người ta đi tìm một kho báu lớn nhất đời người - tuổi thơ.

- Sau “Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh”; “Cô gái đến từ hôm qua” có tác phẩm nào của ông đã “bị” các nhà sản xuất phim “dòm ngó” để đưa lên màn ảnh chưa?

- Có chứ. Hiện nay, tôi đã có 2 nhà sản xuất phim ký hợp đồng với tác phẩm của mình để chuyển thể sang điện ảnh trong thời gian tới. Tôi xin bật mí đó là tác phẩm “Mắt biếc” và “Thiên thần nhỏ của tôi”.

Điều tuyệt vời nhất cuộc đời là lấy được một người vợ đảm và cầm bút viết... ảnh 2Độc giả Thủ đô vui mừng trong buổi ký tặng sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại Phố sách Hà Nội

Tôi làm cái nghề mình yêu thích từ thuở nhỏ

- Ông có thể chia sẻ về điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời ông là gì? Đó là ông đi qua tuổi thơ, lấy được một người vợ đảm đang, cầm bút viết... hay điều gì khác?

- Không đâu, điều tuyệt vời nhất cuộc đời tôi, nó là tổng số những điều đó. Tôi làm một cái nghề mình yêu thích từ thuở nhỏ, tôi sống được bằng nghề đó, gia đình rất hạnh phúc thì tôi mới có thể thấy yên tâm. Tôi cho rằng, công việc quan trọng, gia đình cũng quan trọng, nếu cuộc sống thành công cái này mà thất bại cái kia thì không trọn vẹn.

Trong cuốn sách “Tôi là Bê Tô”, tôi có viết: “Tâm hồn của chúng ta được sinh ra để chờ đáp lại niềm yêu mến đến từ một tâm hồn khác. Nó giống như chiếc ống sáo, sẵn sàng reo lên khi ngọn gió mùa hè thổi qua”.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

- Ông có muốn gửi gắm đến những người “nuôi mộng” văn chương lời nào chăng?

- Chuyện văn chương là chuyện khó nói thành lời, khó để người này khuyên người khác. Về văn chương, theo tôi viết văn là một loại hình không thể truyền đạt được kinh nghiệm, giữa mỗi nhà văn có sự khác nhau, và họ lại khác những nhà văn khác. Viết sách thì năm nào tôi cũng viết, đối với tôi đó là việc hàng ngày. Viết sách tôi rất là vui, cảm thấy mình đang sống, ngày nào không viết thấy mình không sống đủ, tôi nghĩ đó là thái độ với ngành nghề của mình. Nhưng tôi ví dụ, người thích viết văn sẽ cần những câu hỏi đơn giản nhất khi mới vào nghề: “Tại sao mình thích viết văn?”; “Mình viết văn về điều gì?”; “Mình viết văn để làm gì?”... Trả lời những câu hỏi đó để tìm thấy động lực phấn đấu.

- Cảm ơn và chúc ông thêm thành công, hạnh phúc!