Điều tra làm rõ vụ xẻ đồi đem bán tại Ba Vì

ANTĐ - Báo An ninh Thủ đô số ra ngày 11-4 có bài “Ngang nhiên xẻ đồi đem bán”, trong đó phản ánh tình trạng đầu nậu đã ngang nhiên đưa phương tiện, máy móc khai thác hàng nghìn mét khối đất tại khu vực đồi Vải, thôn Việt Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì mà địa phương không hề hay biết. Sau khi báo đăng, UBND huyện Ba Vì đã vào cuộc và bước đầu việc này đã được ngăn chặn.

Điều tra làm rõ vụ xẻ đồi đem bán tại Ba Vì ảnh 1

Ai phá đồi?

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, ông Bạch Công Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, ngay khi nhận được thông tin phản ánh, UBND huyện đã cử cán bộ xuống địa bàn phối hợp với UBND xã Yên Bài lập biên bản và có biện pháp ngăn chặn hành vi trái pháp luật trên.

Tuy nhiên, biên bản do đoàn công tác của UBND huyện tiến hành lập cũng khá sơ sài, theo đó khu đồi Vải vốn là đất của Nông trường Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ giao cho ông Phan Huy Thùy (hiện không rõ địa chỉ) quản lý. Từ năm 2015, ông Thùy đã tổ chức san ủi ngọn đồi này với mục đích để… trồng cỏ, nhưng lại không hề báo cáo với chính quyền địa phương. Đến năm 2016, ông Thùy đã cho một người tên là Chiến (hiện cũng không rõ địa chỉ) vào múc đất và số đất này được mang bán hay đem đi đâu thì… chưa xác định được.

Cũng theo ông Bạch Công Tiến, do lúc đoàn công tác xuống kiểm tra hiện trường thì các đối tượng đã rút hết người và phương tiện nên UBND huyện đã có văn bản yêu cầu CAH Ba Vì lập hồ sơ điều tra làm rõ các đối tượng trong vụ phá đồi này.

Trong khi đó, Đại tá Kiều Quang Phương, Trưởng CAH Ba Vì khẳng định, điều tra ban đầu cho thấy việc khai thác đất tại khu vực đồi Vải đã diễn ra từ năm 2014. Tuy nhiên, các đối tượng không khai thác thường xuyên mà thực hiện theo từng giai đoạn khác nhau. Không loại trừ việc có nhiều nhóm đối tượng cùng tiến hành san ủi, lấy đất tại khu vực này. Hiện khu đồi đã bị đào phá nham nhở mất khoảng 1/3 diện tích.

Có mặt tại đồi Vải sáng 19-4, phóng viên ANTĐ ghi nhận việc san ủi, khai thác đất ở đây đã dừng lại. Bà Nguyễn Thị H, nhà ngay sát ngọn đồi này cho biết: “Kể từ khi báo chí phản ánh, những nhóm thanh niên bặm trợn cùng với máy móc và xe tải hạng nặng đã rút hết. Cũng nhờ đó mà 1 tuần nay chúng tôi được yên ổn, không còn phải chịu cảnh máy nổ ầm ĩ cùng với khói bụi như trước nữa”.

Hàng trăm hecta đất “vô chủ”

Tuy nhiên, tại Ba Vì câu chuyện đồi Vải ngang nhiên bị xẻ thịt mới là phần nổi của tảng băng chìm. Theo ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài, trên địa bàn xã cũng còn nhiều diện tích đất bị người dân mua bán trao tay, xây dựng trái phép hoặc làm biến dạng. Các khu đất này đều có cùng số phận với khu đồi Vải, nghĩa là thuộc đất của Nông trường Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ trước đây quản lý. “Đây là câu chuyện đau đầu với địa phương từ nhiều năm nay” - ông Huy than thở.

Thừa nhận những điều này, ông  Trương Hồng Ngọc - Phó Giám đốc Công ty CP Việt Mông (đơn vị kế thừa của Nông trường Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ) cho biết: “Năm 2006, nông trường tiến hành cổ phần hóa và Công ty CP Việt Mông đã mua lại toàn bộ phần vốn Nhà nước. Lúc đó, trên sổ sách, diện tích đất của nông trường là 1.116,7ha, trong đó diện tích để lại cho Công ty cổ phần Việt Mông quản lý, sử dụng là 29,8ha, diện tích phải bàn giao cho địa phương là 1.087ha. Điều oái oăm là đến tháng 9-2007, tỉnh Hà Tây (cũ) lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất (tỷ lệ 1/1000) thì diện tích đất chỉ còn lại hơn 942ha. Như vậy có nghĩa là đã có khoảng 150ha đất đã “bốc hơi” mà không ai giải thích được”. 

Câu chuyện chưa dừng lại, tháng 7-2008, UBND tỉnh Hà Tây đã có quyết định giao Công ty CP Việt Mông làm chủ đầu tư thực hiện dự án Làng sinh thái chè Việt Mông trên diện tích đất đã đo và triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 thì tỉnh Hà Tây lại sáp nhập về Hà Nội. Do đó, dự án phải tạm dừng để phục vụ lập quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội sau mở rộng. Từ đó đến nay, toàn bộ số diện tích đất nói trên vẫn ở trong tình trạng chơ vơ không ai quản lý.

Ông Ngọc khẳng định: “Hiện công ty chỉ quản lý về sổ sách, còn quản lý hành chính đã giao cho các địa phương. Về việc chưa bàn giao được đất cho địa phương là do đến cuối năm 2015, Sở TN-MT mới ban hành văn bản về kế hoạch tổ chức thực hiện đo đạc hiện trạng và cắm mốc ranh giới sử dụng đất cho các nông, lâm trường, trạm trại và đất rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội (trong đó có đất của nông trường trước đây). Các cơ quan chức năng chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, đồng thời quy hoạch sử dụng đất ở khu vực nông trường quản lý chưa được phê duyệt. Và cũng vì chưa có quyết định bàn giao cụ thể nên quản lý gặp nhiều khó khăn dẫn tới việc đất đồi bị khai thác bừa bãi như khu vực đồi Vải”.