Điều tra hình sự Facebook: Những vụ bê bối "muối mặt" của gã khổng lồ MXH

ANTD.VN - Đúng vào thời điểm bị tê liệt trong nhiều giờ trên phạm vi toàn cầu, Facebook phải đối mặt cuộc điều tra hình sự về thỏa thuận chia sẻ dữ liệu giữa hãng này với Apple, Amazon và Microsoft. Trước đó, năm 2018, Facebook đã có một năm u ám với hàng loạt vụ bê bối để lộ thông tin cá nhân người dùng. Cùng điểm lại những vụ bê bối "muối mặt" của mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

Theo New York Times, các công tố viên liên bang đã mở một cuộc điều tra hình sự về thỏa thuận chia sẻ dữ liệu giữa Facebook và các nhà sản xuất thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng.

Theo đó, Facebook đã cho phép các nhà sản xuất thiết bị gồm Apple, Amazon và Microsoft truy cập vào dữ liệu cá nhân của người dùng bao gồm danh sách bạn bè, thông tin liên hệ và thậm chí cả tin nhắn riêng tư. Các cáo buộc cũng cho rằng Facebook đã làm điều này khi chưa có sự cho phép của người dùng.

Facebook bị điều tra hình sự vì được cho là đã chia sẻ thông tin cá nhân của người dùng

"Bật đèn xanh" cho Cambridge Analytica sử dụng dữ liệu cá nhân của 87 triệu người

Cuối tháng 3-2018, Facebook đối diện với vụ bê bối liên quan đến việc để lộ thông tin người dùng. Theo đó, dữ liệu cá nhân của 87 triệu người dụng mạng xã hội này bị công ty Cambridge Analytica tiếp cận và sử dụng trái phép.

Facebook đã để Công ty truyền thông Cambridge Analytica tiếp cận trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016. 

Điều đáng báo động nhất trong vụ bê bối liên quan đến Cambridge Analytica là hãng truyền thông này không vi phạm quy định nào cả. Mọi việc xảy ra đều phù hợp với chính sách của Facebook.

Liên quan đến số lượng người dùng Facebook toàn cầu bị ảnh hưởng, Mỹ là quốc gia đứng đầu với 70 triệu tài khoản, sau đó đến lượt Philippines (1,75 triệu) và Indonesia (1,1 triệu).

Việt Nam xếp ở vị trí thứ 9 với khoảng 427.000 tài khoản Facebook bị rò rỉ, thấp hơn so với hai quốc gia Đông Nam Á còn lại.

Tiếp tục để 50 triệu người dùng bị lộ dữ liệu (Tháng 9 - 2018)

Theo Verge, một lỗ hổng bảo mật cho phép tin tặc truy cập vào tài khoản Facebook người dùng bằng cách thu thập mã thông báo bảo mật của họ. Lỗ hổng này ảnh hưởng tới 50 triệu người và Facebook cho biết họ buộc phải tạo lệnh để 90 triệu tài khoản người dùng phải đăng nhập lại hoàn toàn hôm nay để được an toàn. Khoảng 40 triệu người còn lại nằm trong diện nguy cơ nên hãng gộp chung vào danh sách này.

Một lần nữa Facebook tiếp tục là tâm điểm của dư luận sau khi thông báo về một lỗ hổng bảo mật trong tính năng "View As" của trang web, cho phép hacker truy cập vào hàng chục triệu tài khoản của người dùng. Lỗ hổng cũng cấp quyền truy cập vào bất kỳ tài khoản được liên kết như Instagram, Spotify, Tinder, Airbnb,...

Ngoài việc bắt buộc 90 triệu người phải đăng nhập lại, Facebook cho biết sẽ tạm thời vô hiệu hóa tính năng View As trước khi việc đánh giá an toàn hoàn tất. 

Hastag #DeleteFacebook" xuất hiện rộng rãi trên rất nhiều phương tiện truyền thông khi Facebook  vi phạm quyền riêng của khách hàng

Tiết lộ dữ liệu sức khỏe nhạy cảm trong các nhóm

Một đơn khiếu nại được đệ trình lên Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cáo buộc Facebook không bảo vệ dữ liệu sức khỏe nhạy cảm trong các nhóm mạng xã hội của mình.

Khiếu nại, nộp cho FTC vào tháng trước và phát hành công khai ngày 18/2, lập luận rằng Facebook tiết lộ không đúng thông tin về các thành viên của các nhóm kín.

Vấn đề lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng vào tháng 7, khi các thành viên của nhóm phụ nữ bị đột biến gene có tên BRCA đã phát hiện ra thông tin nhạy cảm, như tên và địa chỉ email của các thành viên, có thể được tải xuống hàng loạt, bằng tay hoặc thông qua tiện ích mở rộng của Chrome.

Liên Hợp Quốc lên án Facebook kích động thù hằn ở Myanmar

Theo The Gudian, vào tháng 3 – 2018, Facebook bị đổ lỗi cho việc lan truyền phát ngôn gây thù hận trên mạng xã hội, gây ra thúc đẩy bạo lực đối với các nhóm dân tộc thiểu số ở Myanmar. Các nhà điều tra ở Liên Hợp Quốc lên án Facebook vì đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy cuộc tấn công nhằm vào người Rohingya thiểu số ở Myanmar.

“Tôi sợ rằng Facebook giờ đây đã trở thành một con quái vật, không như những gì nó dự tính ban đầu”, điều tra viên Yanghee Lee chia sẻ

Facebook bị được cho nguyên nhân cho bất ổn ở Sri Lanka khi lan truyền ngôn từ thù hằn tại quốc gia này

Không chỉ ở Myanmar, tại Siri Lanka, chính phủ chặn truy cập vào Facebook và các nguồn truyền thông xã hội khác sau khi các cuộc bạo loạn chống Hồi giáo trở nên nguy hiểm.

Facebook cho biết họ lo ngại rằng chính phủ đang hạn chế quyền truy cập thông tin. Nhưng các quan chức nước này cho rằng lý do chính là công ty của Mark Zuckerberg đã không ngăn chặn sự lan truyền của ngôn từ thù hận và kích động bạo lực.

Anh công bố tài liệu về Facebook

Đến ngày 5-12, nghị sĩ Anh, ông Damian Collins tung ra 250 trang tài liệu nội bộ nhạy cảm về Facebook.

Các email nội bộ đã cho thấy Mark Zuckerberg nói riêng và Facebook nói chung đã cân nhắc việc bán dữ liệu cá nhân, chơi mạnh tay với các đối thủ cạnh tranh nhằm đảm bảo sự thống trị tuyệt đối của Facebook đối với quyền riêng tư của người dùng.